Cụ thể, quy định trên mới được bổ sung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 (ban hành năm 2014) về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương.
Theo đó, Bộ Công Thương quy định cho thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng không quá 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương phân tích, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này cần tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.
Trên thực tế, theo thông tin từ đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau quá trình cổ phần hóa năm vừa qua, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu trong nước đã là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Thực tiễn đã có các trường hợp như vậy và Thủ tướng cũng có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu để đồng nhất các văn bản quy phạm pháp luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực xăng dầu.
Cạnh đó, từ góc độ của pháp luật, khi gia nhập WTO mình không cam kết đối với lĩnh vực này, tức là mình có quyền mở cửa khi nào hệ thống phân phối ngành xăng dầu đã đủ mạnh.
Từ thực tiễn, từ cơ sở pháp lý và nhu cầu của DN Việt muốn có sự tham gia hợp tác của nhà đầu tư nước ngoài để thu hút thêm vốn, công nghệ một cách công khai, minh bạch", đại diện Vụ Thị trường trong nước lý giải.
Về việc tại sao chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% số vốn, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, Bộ Công Thương và ban soạn thảo đề xuất nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 35% vốn để các DN này không có quyền chi phối các vấn đề trong điều hành hoạt động xăng dầu.
"Điều này có nghĩa là các công ty xăng dầu trong nước vẫn nắm được quyền chi phối, mà lại có thêm vốn, công nghệ để nâng cao sản xuất, quản trị", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Nhận định về chính sách trên, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường xăng dầu trong nước hiện nay thực tế nằm trong tay một vài "ông lớn", không có sự cạnh tranh.
Do có sự độc quyền như vậy, nhà nước phải can thiệp định giá, dẫn đến những câu chuyện giá xăng dầu trong nước tăng hoặc giảm trái chiều so với giá quốc tế. Tại một số thời điểm, điều này gây bức xúc và nghi vấn trong dư luận.
Theo đó, ông Long nhận định, bằng việc mở cửa cho DN nước ngoài, sẽ có rất nhiều DN kinh doanh xăng dầu sẽ tạo thị trường cạnh tranh thật sự. Khi đó, không có chuyện phải đến kỳ liên Bộ lại điều chỉnh giá xăng dầu, tất cả để thị trường quyết định.
"Càng nhiều cạnh tranh, giá xăng dầu sẽ càng hợp lý, minh bạch; chất lượng dịch vụ cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ; đảm bảo uy tín, chất lượng, thái độ người bán văn minh, lịch sự, làm hài lòng người mua…
Mở cửa cho DN nước ngoài tham gia góp vốn vào các công ty bán lẻ xăng dầu, cả DN trong nước và người tiêu dùng đều được hưởng lợi", ông Long khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho biết thêm, trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, không thể cứ mãi lấy lý do lo mất an toàn, an ninh năng lượng để bảo hộ ngành xăng, dầu trong nước.
"Điện cũng là ngành năng lượng quan trọng nhưng đến nay cũng đã mở cửa cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia, không có lý gì xăng, dầu thì không.
Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của các DN ngoại là hợp lý nhưng cũng không nên để quá thấp vì DN sẽ không mặn mà, hạn chế tiềm năng của thị trường", ông Doanh phân tích.
Được biết, trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, hiện có nhà đầu tư ngoại duy nhất đến từ Nhật Bản là Công ty xăng dầu Idemitsu Q8 tham gia thị trường Việt Nam và đang nắm 35% vốn tại Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trước thời điểm Idemitsu Q8 tham gia, thị trường kinh doanh xăng dầu chỉ có 29 đầu mối nội địa, thị phần tập trung chính vào các ông lớn Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro…
Ngoài Idemitsu Q8, một nhà đầu tư ngoại khác cũng đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy sở hữu 103,53 triệu cổ phiếu (khoảng 8%) tại Petrolimex và đang có tham vọng tăng tỷ lệ này lên 20%.