Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Chi nhánh ven biển - chủ nhiệm đề tài, trước tình hình nguồn lợi cá ngựa trong tự nhiên ngày càng suy giảm, cá ngựa đen (Hippocampus kuda) đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nên lãnh đạo đơn vị đã phê duyệt và triển khai đề tài “Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá ngựa đen, thế hệ thứ II tại Khánh Hòa”. Đề tài được thực hiện từ tháng 5-2018 đến 12-2019.
Giải thích lý do cho sinh sản nhân tạo cá ngựa đen F2, bà Thanh cho biết: Theo Công ước quốc tế CITES về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà Việt Nam là thành viên, cá ngựa là một trong những loài nhiệt đới có nguy cơ tuyệt chủng và được bảo vệ bởi công ước nên bị cấm xuất, nhập khẩu, buôn bán dưới mọi hình thức.
Điều này dẫn đến việc các sản phẩm làm từ cá ngựa hoặc cá ngựa sống trong nước chỉ được tiêu thụ nội địa. Việc không tiêu thụ được dẫn đến không kích thích sinh sản nhân tạo làm tăng nguy cơ khai thác tự nhiên và lãng phí nguồn gen quý mà địa phương có thể tự sản xuất được. Vì vậy, việc thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá ngựa thế hệ thứ 2 (F2) là điều cần thiết.
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Chi nhánh ven biển đã triển khai sản xuất tại các cơ sở là trạm thử nghiệm Đầm Bấy, trại giống thủy sản Bãi Tiên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và bè nuôi thủy sản Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).
Qua thời gian thực hiện, đơn vị đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra như: Nghiên cứu tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của cá bột, cá con, lưu giữ nguồn gen cá bố mẹ, các tiêu thức thí nghiệm nuôi lồng, bể xi măng... Đặc biệt, đơn vị đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo từ cá bố mẹ F1, ương nuôi cá F2 lên giai đoạn giống...
Theo chủ nhiệm đề tài, việc sinh sản nhân tạo cá ngựa đen F2 tại tỉnh Khánh Hòa có một số thuận lợi như: Kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cá ngựa F1 được phổ biến vào những năm 2010; trong tỉnh, hệ thống trại cá ngựa khá nhiều, người nuôi thuần thục tay nghề.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá ngựa phụ thuộc nhiều vào thời tiết làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất. Trước đây, nghề nuôi cá ngựa xuất khẩu làm cảnh là nghề nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cá ngựa trở thành đối tượng định hướng phát triển sản xuất giống của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, khi thị trường xuất khẩu bị đóng băng, cá con kích thước phù hợp cá cảnh (4 - 5cm) không có đầu ra, cá thương phẩm nuôi kéo dài (5 - 8 tháng) nên việc nuôi kém hiệu quả hơn so với thu bắt ngoài tự nhiên.
Đồng thời, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa nên nhu cầu không lớn, thị trường co hẹp. Vì vậy, để phát triển đối tượng này thành đối tượng nuôi mới cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, cần sự đầu tư của Nhà nước ở giai đoạn đầu.
Kết quả của đề tài bước đầu cho thấy hoàn toàn có thể khép kín vòng đời cá ngựa đen trong điều kiện nhân tạo tại Việt Nam. “Nhà nước cũng cần đề xuất với CITES xem xét, ghi nhận nước ta đã cho sinh sản thành công cá ngựa đen, từng bước giải tỏa việc nghiêm cấm nguồn gen bản địa quý hiếm có giá trị y dược và xuất khẩu làm cảnh của Việt Nam để sản phẩm cá ngựa đen có thể vươn ra thị trường thế giới”, bà Thanh nói.