Dân Việt

Nam Định: Trồng hàng vạn cây "sâm người nghèo" mà thành đại gia của làng

Thành Nam 22/08/2020 07:05 GMT+7
Nhờ lo được đầu ra ổn định cho 56.000 gốc cây đinh lăng-loài cây được ví như "sâm người nghèo", sau nhiều năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ông Bùi Văn Sớm (SN 1963) ở xóm 12 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định đã có của ăn của để. Trừ chi phí mỗi năm ông đút túi 300 triệu đồng từ "sâm người nghèo".

Thoát nghèo lên giàu có nhờ cây..."sâm người nghèo"

Những năm trở lại đây, nhiều người dân ở huyện Hải Hậu (Nam Định) ăn nên làm ra nhờ trồng cây cho củ và rễ (cây đinh lăng), nhưng cạnh đó cũng có không ít những hộ gia đình phải tự tay chặt bỏ cây đinh lăng bởi cách phát triển ồ ạt, thiếu đầu ra. 

Nhưng vì sao nhiều hộ lao đao vì "sâm người nghèo" mà ông Sớm lại ăn nên làm ra? 

Trồng cây lấy củ và rễ, 'xách cặp đi chơi' cũng cho tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đinh lăng-loài cây thuốc Nam ví như sâm người nghèo, đến nay lão nông Bùi Văn Sớm ở xóm 12 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định đã có của ăn của để.

Là một trong những gia đình tiên phong trong phong trào trồng cây đinh lăng, gia đình ông Bùi Văn Sớm (SN 1963) hiện đang sở hữu 3ha cây đinh lăng, với 56.000 gốc- đây là một trong những mô hình tồng đinh lăng lớn nhất ở xã Hải Quang.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn đinh lăng bạc tỉ của mình, ông Sớm hồ hởi kể cho chúng tôi cơ duyên ông "gắn bó" với cây đinh lăng. 

Ông cho biết, năm 2002 trong một lần đọc báo, nghe đài, ông biết đến nhiều gia đình khá lên nhờ trồng cây đinh lăng. Tìm hiểu sâu, ông nhận thấy chăm sóc cây đinh lăng khá đơn giản, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao.

Cũng từ đó trong đầu ông Sớm bỗng lóe lên ý tưởng tại sao mình không chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây đinh lăng?. Nghĩ là làm, ông mày mò sách báo, tìm đến những mô hình trồng đinh lăng thành công để học hỏi kỹ thuật trồng đinh lăng, kinh nghiệm trồng cây đinh lăng.

"Nhiều đêm trăn trở với ý nghĩ làm sao để thoát nghèo, để vợ con bớt khổ lại càng thôi thúc tôi tìm hiểu về cây đinh lăng. May mắn là lúc bấy giờ một người quen của tôi làm dược sĩ đã vạch ra hướng đi cho cây đinh lăng trong ngành dược liệu nên tôi đã quyết tâm chuyển từ trồng lúa sang trồng đinh lăng...", ông Sớm nói.

Trồng cây lấy củ và rễ, 'xách cặp đi chơi' cũng cho tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Đến nay, sau nhiều năm mở rộng quy mô khu vườn trồng đinh lăng của ông Bùi Văn Sớm ở xóm 12 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định đã lên đến 3ha với 56.000 gốc cây đinh lăng. Hàng năm có đến hàng chục đoàn đến thăm quan học hỏi mô hình.

Tiếp đó, ông lên UBND xã Hải Quang xin được chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng. Vừa trồng cây đinh lăng ông lại giành thời gian đi học cách sấy rễ và củ cây đinh lăng tươi. 

Sau khi đã có "nghề" trong tay, ông Sớm đi khắp nơi tìm mua đinh lăng tươi về sấy bán cho những hiệu thuốc Nam.

Chính nhờ việc nhanh nhậy trong làm ăn, những năm đầu ông Sớm đã kiếm được bộn tiền từ củ và rễ của loại cây đinh lăng này. 

"Từ năm 2002, cây đinh lăng được giá. Nhiều người ở quê đua nhau đi mua cành tươi về nhân giống. Có thời điểm cành đinh lăng tươi được bán với giá 50.000 đồng/kg, còn củ tươi được bán với giá 250.000- 300.000 đồng/kg...", ông Sớm nhớ lại.

Chính nhờ nhu cầu cao của thị trường về cây đinh lăng, cùng với sự nhanh nhạy trong làm kinh tế nên ông Sớm cũng có chút của ăn của để. Nhưng, tình trạng sốt giá kéo dài được khoảng 6 năm thì rơi vào thảm cảnh rớt giá. Bởi, tình trạng nhà nhà trồng đinh lăng, cung nhiều hơn cầu...

Ông Sớm thổ lộ: "Trước đây, dù làm đủ thứ nghề từ đào vàng, đến làm than... thế nhưng đói, nghèo vẫn đeo đuổi ông. Từ ngày, "bén duyên" với cây đinh lăng cuộc sống của gia đình tôi đã có nhiều đổi thay. Gia đình đã không còn lo chạy ăn từng bữa như trước mà còn có tích lũy".

Liên kết trồng đinh lăng-hướng đi bền vững 

Theo ông Sớm, chính việc phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch đã khiến cây đinh lăng rớt giá thảm hại. Nhiều gia đình phải chặt bỏ cây đinh lăng. Đứng trước thảm kịch này, ông Sớm đã lặn lội tìm đầu ra bền vững cho cây bằng cách ký hợp đồng cung ứng đinh lăng cho Công ty Cổ phần Traphaco làm dược liệu. 

Theo đó, khu vườn của ông được Công ty CP Traphaco hướng dẫn sản xuất theo quy trình GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). 

"Giá đinh lăng bán cho Công ty CP Traphaco rất ổn định, theo hợp đồng Công ty sẽ thu mua đinh lăng với giá 15.000đồng/kg. Trường hợp, giá thị trường cao hơn 15.000đồng/kg, Công ty sẽ điều chỉnh giá và thu mua theo giá thị trường. Còn nếu thấp hơn 15.000đồng/kg Công ty vẫn thu mua cho bà con với mức giá như đã ký kết. Do vậy chúng tôi rất yên tâm trồng đinh lăng", ông Sớm nói.

Trồng cây lấy củ và rễ, 'xách cặp đi chơi' cũng cho tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Sớm nhận ra rằng liên kết vùng nguyên liệu chính là đầu ra ổn định cho cây đinh lăng. Ông đã chọn liên kết cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Traphaco để làm hướng đi bền vững.

Nhờ đầu ra ổn định, năm 2012, ông Sớm mua thêm nhiều diện tích đất 2 lúa trồng thêm cây đinh lăng. Đến nay, khu vườn đinh lăng của ông đã lên đến 3ha, với 56.000 gốc. 

Để có nguồn nguyên liệu phong phú, ông Sớm kêu gọi 28 hộ dân trong xã liên kết vùng trồng đinh lăng sạch để cung cấp cho Công ty. Bình quân mỗi năm ông Sớm chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 100 tấn đinh lăng cho Công ty CP Traphaco.

Trồng cây lấy củ và rễ, 'xách cặp đi chơi' cũng cho tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Khu vườn trồng đinh lăng được đầu tư bài bản với hệ thống phun tưới nước. Hàng ngày, ông Sớm, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định giành nhiều thời gian chăm sóc cho khu vườn tiền tỷ của mình.

Theo ông Sớm, Công ty CP Traphaco có quy định rất nghiêm ngặt về vùng nguyên liệu. Theo đó, các hộ dân phải có nhật ký cây trồng ghi đầy đủ thời gian xuống giống, ngày bón phân... hàng tháng gửi dữ liệu về Công ty. Sau 3 năm trồng, Công ty cử người về kiểm tra, khi nào cho thu hoạch mới được thu đinh lăng.  

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đinh lăng ông Sớm cho hay, đinh lăng là cây chịu hạn, không ưa nước, nên người trồng phải chú ý làm vồng đất cao, xung quanh luống nên đào rãnh sâu để chủ động cho việc tiêu thoát nước tránh được ngập úng khiến cây bị chết hoặc sinh trưởng chậm.

Trồng cây lấy củ và rễ, 'xách cặp đi chơi' cũng cho tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Cũng chính nhờ những đóng góp cho xã hội, năm 2018, ông Sớm ở xóm 12 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định đã được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam".

Về giống đinh lăng, nên chọn cành đẹp, cành bánh tẻ để cây phát triển nhanh, tỉ lệ sống cao. Cây đinh lăng phát triển mạnh từ tháng 7 - 9 âm lịch, người dân nên chọn thời gian này để xuống giống.

Được đánh giá là mô hình trồng cây đinh lăng của gia đình ông Sớm là tiêu biểu, lớn nhất xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định).

Tính đến nay, ông Sớm đã bỏ tổng chi phí đầu tư vào khu vườn trồng cây đinh lăng đã lên đến 7 tỷ đồng. Cạnh cây đinh lăng, ông còn nghiên cứu trồng xen canh cây na, cây bưởi... Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông đút túi khoảng 300 triệu đồng. 

Tiếng lành đồn xa, đến nay theo tính toán, mỗi năm gia đình ông Sớm đón khoảng 50 đoàn khách các nơi đến tham quan, học hỏi. Năm 2019, gia đình ông vinh dự được đón tiếp đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến tham quan. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn đảm nhiệm vai trò là ủy viên Ban Thường vụ Hội nông dân xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Năm 2018 với những đóng góp, cống hiến cho Hội nông dân, ông Bùi Văn Sớm được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam".