Xót xa, cuộc giải cứu bất thành hàng trăm ngàn con cá đặc sản trên sông Chà Và
Xót xa, cuộc giải cứu bất thành hàng trăm ngàn con cá đặc sản trên sông Chà Và
Thứ sáu, ngày 21/08/2020 11:50 AM (GMT+7)
Cá giống, cá thương phẩm chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng cho các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Người dân tìm nhiều cách cứu vãn nhưng bất thành.
Sáng ngày 19/8, phóng viên Báo BR-VT có mặt tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn. Trong các lồng nuôi, cá chim, cá bớp, cá mú… chết nổi lềnh bềnh.
Vừa vớt cá chết nổi tại khu vực nuôi của gia đình, ông Nguyễn Văn Vinh, tiểu khu 3 cho biết: Cách đây khoảng 6 tháng, ông thả khoảng 40.000 con giống cho vụ Tết 2021. Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, cá có hiện tượng bỏ ăn, nổi đầu dạt bám lưới lồng, tuột nhớt, tróc da, nguồn nước bị đục.
Trong 4 ngày qua, cá bắt đầu chết hàng loạt. Lượng cá tại các lồng đã chết khoảng 60%, thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đồng.
Gia đình ông Phan Quốc Toàn, người nuôi cá tại tiểu khu 3 kể, trong 8 năm làm nghề nuôi cá lồng bè, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cá chết nhiều như vậy. Cá chết nhanh khiến người nuôi không kịp trở tay.
Cách đây 10 ngày, khi cá bắt đầu có hiện tượng bỏ ăn, ông Toàn đã tiến hành sục oxy, đồng thời sử dụng một số loại thuốc kháng sinh để ngăn ngừa, song không có tác dụng.
Hơn 60.000 con giống được ông thả nuôi cách đây 5 tháng, có trọng lượng từ 0,3-0,5kg/con, chỉ trong 4 ngày, đã có khoảng 50.000 con chết.
Cá bớp chết trước, sau đó tới cá chim, cá mú… Đến nay cá vẫn tiếp tục chết. Theo ước tính của ông Toàn, thiệt hại đã lên tới hơn 4 tỷ đồng.
Trước đó, để đầu tư cho vụ cá này, ông Toàn đã dồn hết toàn bộ vốn liếng của gia đình và vay thêm ngân hàng để đầu tư. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 khiến cá mất giá, không tiêu thụ được.
“Tiền nợ ngân hàng chưa trả được, cá nuôi sắp chết hết rồi. Bây giờ muốn đầu tư lại cũng không có tiền. Hy vọng chính quyền và các cơ quan chức năng có kế hoạch hỗ trợ để nông dân tái đầu tư, ổn định cuộc sống”, ông Toàn nói.
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn thông tin thêm, sau khi nhận được thông tin về tình hình cá lồng bè tại khu vực sông Chà Và bị chết, UBND xã đã cử cán bộ phụ trách nông nghiệp tìm hiểu thực tế.
Hiện tượng cá chết nhiều vào ngày 15/8 và 17/8, chủ yếu là cá bớp và cá chim. Địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ cùng Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) thống kê thiệt hại, động viên, chia sẻ rủi ro với bà con nông dân.
Ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y (Sở NN PTNT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Ngày 17/8, sau khi nhận được báo cáo của địa phương, đơn vị đã xuống khu vực nuôi, ghi nhận tình hình thực tế để thống kê lượng cá chết. Đồng thời tiến hành lấy mẫu cá, mẫu nước xét nghiệm, tìm nguyên nhân khiến cá bị chết.
Nhận định ban đầu là do mưa nhiều làm các yếu tố môi trường có sự biến động lớn, đặc biệt độ mặn, độ trong của nước và hàm lượng khí H2S vượt ngưỡng là khí độc có hại cho cá, được sản sinh trong quá trình phân hủy chất hữu cơ ở đáy ao.
Chất này cản trở cá sử dụng oxy, làm cá stress và giảm sức đề kháng. Cùng với tác nhân vi khuẩn Vibrio spp, gây lở loét, cá bỏ ăn, yếu và chết.
“Các chỉ tiêu nguồn nước đo tại hiện trường cho thấy độ trong của nước thấp, nước có màu vẩn đục sau nhiều ngày mưa liên tiếp; hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp so với ngưỡng cho phép, hàm lượng khí H2S vượt ngưỡng cho phép. Đoàn đã lấy 2 mẫu cá và 2 mẫu nước, kết quả cho thấy cả 2 mẫu đều phát hiện vi khuẩn Vibrio spp, gây bệnh lở loét trên cá và có sự hiện diện của trùng quả dưa với mật độ cao bám vào da, mang, làm mang tiết nhiều nhớt, hạn chế quá trình hô hấp của cá”, ông Thêm cho hay.
Cũng theo ông Thêm, hiện Chi cục tiếp tục theo dõi, lấy mẫu phân tích. Bên cạnh đó khuyến cáo bà con nông dân thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Tiến hành thu hoạch sớm những loại cá đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiệt hại; giãn thưa lồng, giảm mật độ cá trong lồng; vệ sinh lưới lồng sạch sẽ để tăng cường sự trao đổi nước, giúp lồng thông thoáng hơn, hạn chế vi sinh vật bám; bổ sung vitamin C và khoáng chất trộn lẫn vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.