Đối với Bắc Kinh, có một lằn ranh đỏ rất rõ ràng về Đài Loan, tác giả Kinling Lo nhấn mạnh trong bài bình luận được đăng tải trên South China Morning Post ngày 13/9.
Nếu Đài Loan tiến tới độc lập, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực. Đây cũng là lập trường mà Trung Quốc đã nêu ra cách đây 15 năm trong Luật chống ly khai.
Ở Bắc Kinh, chủ quyền của họ đối với Đài Loan là “lợi ích cốt lõi” và vấn đề ưu tiên - quan trọng hơn bất kỳ vấn đề nào khác. Và ưu tiên của Bắc Kinh là sẽ để việc tái thống nhất Đài Loan vào đại lục diễn ra thông qua “các biện pháp hòa bình”.
Hiện tại, bất chấp những xung đột trong lập trường và mối quan hệ căng thẳng, Trung Quốc, Đài Loan cho đến nay vẫn cố tránh vượt qua lằn ranh đỏ để không bị cuốn vào 1 cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Điều cần chú ý là, trong vài tháng gần đây, trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Trump đã cố gắng tận dụng tình cảm chống Trung Quốc bằng cách đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hòn đảo này.
Bắc Kinh đã coi các hành động này là “sự khiêu khích của Mỹ" và cam kết sẽ bảo vệ yêu sách của họ đối với Đài Loan.
Một số nhà quan sát Trung Quốc cảnh báo, dù lằn ranh đỏ về Đài Loan chưa bị vượt qua, nhưng nguy cơ nó bị vượt qua rất lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã xem cách tiếp cận cứng rắn chống lại Trung Quốc trở thành trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử của ông. Và như một phần trong chương trình đó, chính quyền Trump tích cực công khai ủng hộ Đài Loan nhiều hơn.
Vào tháng 8, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về châu Á, David Stilwell đã thừa nhận rằng Washington cần phải "điều chỉnh" các chính sách của họ đối với Đài Loan vì "mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với hòa bình và sự ổn định trong khu vực" .
Vào ngày 31/8, sau khi Washington giải mật các tài liệu tiết lộ các cam kết của Mỹ đối với an ninh của Đài Loan, ông Stilwell cho biết, Mỹ sẽ "không bao giờ" gây áp lực buộc Đài Loan đàm phán với Bắc Kinh về các vấn đề chủ quyền đồng thời thừa nhận việc bán vũ khí cho Đài Bắc không hết hạn và chưa đồng ý đàm phán lại Đạo luật các quan hệ Mỹ-Đài năm 1979.
Tháng trước, chính quyền Trump cũng cử Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar tới Đài Loan để dự cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ năm 1979.
Washington cũng đã có những động thái khác nhằm cải thiện quan hệ với Đài Loan trong những tháng gần đây. Về mặt kinh tế, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan - Taiwan Semiconductor Manufacturing công bố vào tháng 5 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại Arizona (Mỹ).
Về phần mình, vào cuối tháng 8, Đài Loan đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực do Mỹ hậu thuẫn nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc liên quan đến mạng viễn thông 5G toàn cầu.
Ngoài ra, Mỹ đã hoàn tất việc bán thêm máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ để hòn đảo có đại diện tại Tổ chức Y tế Thế giới. Tất cả những động thái trên dĩ nhiên khiến Bắc Kinh không vui.
Theo đó, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quân sự tập trung ở eo biển Đài Loan, phát đi những cảnh báo mạnh mẽ đối với hòn đảo.
Yang Lixian, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan ở Bắc Kinh bình luận rằng, mặc dù chưa thực sự vượt qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh” đối với vấn đề Đài Loan, nhưng Washington và Đài Bắc vẫn đang bước những bước tiếp theo làm leo thang căng thẳng.
"Trung Quốc đã đưa ra các cảnh báo đầy đủ của mình", ông Yang tuyên bố.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng cuộc bầu cử Mỹ là động lực thúc đẩy các hành động tích cực gần đây của Washington đối với vấn đề Đài Loan, trong khi Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan bất kể ai là tổng thống Mỹ tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Yang nhấn mạnh ông tin rằng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự là không lớn vì Bắc Kinh có khả năng sẽ kiềm chế trước những động thái tích cực của Mỹ, trừ phi Washington vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ.
Ông Li Zhenguang, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đài Loan của Đại học Liên hiệp Bắc Kinh, cũng nhất trí rằng khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung liên quan đến vấn đề Đài Loan không cao vì sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan đã lên đến đỉnh điểm.
Ông Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cũng tán thành rằng rủi ro chiến tranh ở eo biển Đài Loan vẫn có thể kiểm soát được, nhưng điều này chỉ là do Bắc Kinh chưa đạt được ưu thế quân sự so với Mỹ.
“Cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn chiến tranh - nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân được kích hoạt, không ai đảm bảo được rằng họ sẽ giành chiến thắng”, ông Ni nói và nhấn mạnh thêm rằng, cho dù ai trở thành tổng thống Mỹ, thì lưỡng đảng (Dân chủ và Cộng hòa) ở Mỹ vẫn phản đối bất cứ động thái quân sự nào (của Bắc Kinh] đối với Đài Loan. Vì thế, vấn đề ai trở thành tổng thống Mỹ không phải là điều quan trọng.