Gần đây, nhiều vụ nhân viên ngân hàng lợi dụng uy tín huy động hàng tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ hay lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây xôn xao dư luận.
Vay hàng trăm tỷ rồi kêu vỡ nợ, nhân viên ngân hàng ôm tiền bỏ trốn
Điển hình như việc bà Lê Thị Thương (SN 1988, trú phường Hoa Lư, TP Pleiku) bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai khởi tố về tội vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu cơ quan CSĐT xác định, Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Gia Lai. Dựa vào các mối quan hệ của mình, Thương đã vay mượn của nhiều người với số tiền hơn 173 tỷ đồng sau đó tuyên bố không có khả năng trả nợ.
Cách đây không lâu, lợi dụng sự tin tưởng của người dân về việc làm thủ tục giúp người dân vay vốn ngân hàng, một nhân viên ngân hàng BIDV phòng giao dịch Bố Trạch (Quảng Bình) cũng đã lừa nhiều người ký khống vào các loại giấy tờ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt và một số hồ sơ khác. Cho đến khi ngân hàng thông báo số dư nợ, các hộ dân này mới "tá hỏa" phát hiện mình bị lừa. Số tiền chiếm đoạt lên tới 15 tỷ đồng.
Tương tự, ngày 13/6, Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trọng Nguyễn (SN 1994, ngụ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn từng là cán bộ tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Càng Long. Năm 2018, Nguyễn vay mượn tiền của nhiều người rồi cho vay lại để hưởng chênh lệch và mua nhà, đất. Đến tháng 7/2019, Nguyễn mất cân đối tài chính do một số người vay tiền không trả đúng hạn và tiền lãi tăng cao. Để có tiền trả nợ, với "mác" cán bộ ngân hàng, Nguyễn tiếp tục vay của nhiều người với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng bằng cách đưa ra thông tin có khách hàng cần đáo hạn ngân hàng. Đến tháng 11/2019, Nguyễn nghỉ việc.
Hay như trong tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố Hồ Đức Anh (SN 1994, TP. Pleiku) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đức Anh vốn là nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng Á Châu (ACB) - Chi nhánh Gia Lai. Trong quá trình làm việc, Đức Anh quen biết với một số khách hàng là người dân trên địa bàn TP. Pleiku nên đã vay tiền họ để đáo hạn và làm ăn. Từ 21/11/2018 đến 10/7/2019, có 4 cá nhân cho Đức Anh vay tổng số tiền 7,75 tỷ đồng. Đức Anh đã sử dụng số tiền này để đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet, trả nợ, trả lãi cho các cá nhân để họ tiếp tục tin tưởng cho bị can vay tiền.
Khi đến thời hạn trả nợ, Đức Anh không trả tiền và tự ý nghỉ việc, cắt liên lạc với các cá nhân trên rồi bỏ trốn.
Mới đây nhất, ngày 13/9 công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, vừa khởi tố 2 đối tượng là cặp vợ chồng lừa đảo nhiều người trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn, chiếm đoạt số tiền lớn rồi bỏ trốn.
Theo cơ quan điều tra, lợi dụng công việc là cán bộ ngân hàng ở địa phương, đối tượng Nông Trung Nam (SN 1986) cùng vợ là Nông Minh Ngọc (SN 1986, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng chục người ở thành phố Lạng Sơn và nhiều địa phương khác với hình thức huy động vốn vay, lãi suất lớn. Chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2019 đến nay, cặp vợ chồng này đã chiếm đoạt khoảng trên 150 tỷ đồng sau đó cắt liên lạc, trốn tránh các chủ nợ.
Người dân chủ quan hay nhân viên ngân hàng khôn khéo
Giới chuyên gia nhìn nhận, hầu hết các nạn nhân trong những sự việc kể trên đều có chung đặc điểm là quen biết với đối tượng lừa đảo và tin tưởng vào họ, đặc biệt là những người làm trong ngân hàng có uy tín nên đưa tiền cho đối tượng một cách dễ dàng. Thậm chí, nhiều khách hàng biết rằng việc đưa tiền hay ký khống giấy tờ như vậy là khá rủi ro nhưng vì chủ quan, tin tưởng người làm ngân hàng hoặc hám lãi suất cao, nghe theo lời dụ dỗ "khôn khéo" của nhân viên ngân hàng nên vẫn "nhắm mắt làm liều".
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tạo ra "sân chơi" cho một số cán bộ, nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo, một phần nguyên nhân đến từ sự tin tưởng "mù quáng" của người dân vào các cán bộ ngân hàng làm việc với mình. Theo ông Hiếu, trong quá khứ đã có không ít bài học về vấn đề này nhưng đến nay những trường hợp mất tiền vì tin tưởng vào nhân viên ngân hàng vẫn xảy ra rất nhiều.
Còn dưới góc nhìn của luật sư, ông Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, chưa thể đánh giá được hết các nguyên nhân trong những sự việc liên quan đến nhân viên ngân hàng là thủ phạm trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng trong thời gian gần đây được phanh phui.
Tuy nhiên, theo suy nghĩ cá nhân của cá nhân ông Tú, bản thân những người làm ngân hàng có mối quan hệ với khách hàng là những người có tiền, nhất là những người có nhiều tiền. Những người có nhiều tiền đến ngân hàng giao dịch. Trong quá trình đó có thể tạo được mối quan hệ thân thiết, tin cậy. Sau đó, với "mác" là người của ngân hàng đồng thời nêu ra được những lý do sử dụng đồng tiền mà có những lợi ích lớn hơn cho người gửi tiền. Vì vậy, nhiều nhân viên ngân hàng đã "dụ" được khách hàng sẵn sàng giao tiền cho những nhân viên ngân hàng này.
Vị luật sư này cho biết thêm, nguyên nhân phổ biến dẫn tới "vỡ" tín dụng là do người dân bị dụ dỗ vào mức lãi suất quá cao. Hầu hết là vay tiền của người sau để đập vào lãi suất của người trước hoặc 1 vài cá nhân ôm tiền bỏ trốn. Trong những trường hợp như vậy, gần như 100% người dân không lấy lại được tiền. Cho nên, việc xét xử hay bỏ tù những đối tượng lừa đảo chỉ phần nào thỏa mãn phần nào công lý.
"Nguyên lý bị lừa đảo từ mấy nghìn năm qua chỉ có chung bản chất, lý do: Một là "dại" và hai là tham. Chừng nào lòng tham của con người và trí tuệ đạt đến ngưỡng nhất định thì sự lừa đảo không còn nữa. Như vậy, chúng ta hãy xác định việc lừa đảo và nạn nhân lừa đảo là không thể tránh được ở bất cứ mốc thời gian nào", ông Tú nhấn mạnh.