Dân Việt

Loài nấm kỳ lạ lớn rất nhanh sau cơn mưa to ở tỉnh Bình Định, dân vô rừng nhặt bán, thương lái tranh nhau mua

Hoàng Nam Quốc 10/10/2020 06:20 GMT+7
Những ngày qua, trên địa bàn huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đã xuất hiện nhiều cơn mưa giông vào buổi chiều sau những ngày nắng nóng gay gắt, là điều kiện cho nấm keo mọc rộ. Nhiều người từ huyện An Lão, huyện Phù Mỹ, TX Hoài Nhơn vào rừng để tìm hái nấm keo mọc trong rừng trồng cây keo lai.

Giá nấm keo tươi đang dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/kg tùy lúc có nhiều hay ít nấm.

Anh Nguyễn Liêm ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), một người có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hái nấm keo, cho biết: Sau những cơn mưa giông đầu mùa, một hai ngày sau trời vừa hửng nắng cũng là lúc nấm keo đã bắt đầu mọc. 

Loài nấm kỳ lạ lớn rất nhanh sau cơn mưa to ở tỉnh Bình Định, dân vô rừng nhặt bán, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 1.

Hái nấm keo mọc trong rừng trồng cây keo lai ở xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Theo anh Liêm, nấm keo thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối. Nấm keo thường mọc lên từ những lớp lá mục dưới tán rừng keo được trồng từ 2 - 3 năm tuổi. 

Một vài ngày sau cơn mưa giông, những phôi nấm từ dưới mặt đất ẩm ướt sẽ xuyên qua lớp lá keo mục nhô lên thành những cây nấm li ti bằng đầu đũa. Ngày hôm sau nó đã lớn bằng đầu ngón tay và vài ngày tiếp theo nó đã to tròn như quả trứng gà. 

Lúc này nếu nấm không được hái thì cả cây nấm sẽ héo rũ xuống, mục nát hòa tan vào đất để chờ đến mùa năm sau lại tiếp tục một chu kỳ sinh sôi nảy nở.

Một ngày đi hái nấm, nếu gặp may một người cũng có thể hái được từ 20 - 25 kg nấm. Nấm keo có vị đăng đắng nhưng hậu lại ngọt nên có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. 

Chi Đinh Thị Thao, ở thôn Tân An, xã An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) - một trong những đầu mối tiêu thụ nấm keo - cho hay: Nấm keo sau khi hái hoặc thu mua về phải gọt vỏ bỏ sạch đất, sau đó đem ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, rồi chần vào nước sôi nấu sẵn với một ít lá giang để giảm bớt độ nhân nhẩn đắng của nấm và đề phòng ngộ độc nếu lỡ có một vài cái nấm bị rắn, rết bò ngang qua thải chất độc vào đó. 

Theo chị Thao, công đoạn tiếp theo là đổ nấm vào chậu rửa lại vài lần bằng nước lạnh, để ráo nước là có thể đem chế biến sử dụng được. Nếu muốn để dành nấm sử dụng dần thì có thể phơi khô hoặc cho nấm tươi vào túi ny lông bịt kín miệng, cho vào ngăn đá tủ lạnh, trong vài tháng nấm vẫn giữ nguyên hương vị mà không bị hỏng.