Dân Việt

Nhà sáng chế "chân đất" Phạm Văn Hát: Cần nguyên tắc mở để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích hơn cho bà con

Nhóm PVKT 13/10/2020 12:03 GMT+7
"Chúng tôi cần nguyên tắc mở, cần có quy trình, chính sách tạo điều kiện thuận lợi từ các bộ, ngành để làm sao chúng tôi đăng ký bản quyền, tạo ra các sản phẩm hữu ích nhanh nhất cho bà con nông dân", nhà nông dân sáng chế Phạm Văn Hát đề nghị.

Tại Diễn đàn Nông Dân quốc gia lần thứ V với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà" diễn ra sáng nay, nhà sáng chế nông dân Phạm Văn Hát (SN1972, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã nêu một số ý kiến về hỗ trợ chính sách cho vấn đề sáng chế trong công nghệ.

Dù mới chỉ học hết lớp 7 và chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí thế nhưng anh nông dân Phạm Văn Hát đã chế tạo thành công hàng loạt máy đa năng, rô bốt lao động tiện ích, hiệu quả cho người nông dân.

Không chỉ “đánh bại” các loại máy móc của Trung Quốc, Nhật Bản tại thị trường trong nước, một số loại máy do anh Hát sáng chế còn xuất khấu sang các nước như: Lào, Campuchia, Malaysia, Nga…

Nhà sáng chế Phạm Văn Hát: Cần nguyên tắc mở để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích hơn cho bà con - Ảnh 1.

Nhà sáng chế nông dân Phạm Văn Hát bày tỏ ý kiến tại Diễn đàn.

Đáng chú ý, sản phẩm rô bốt đặt hạt của anh Hát từng giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi sáng chế, được xuất khẩu sang 14 nước, trong đó có cả Đức và Mỹ.

Tại Diễn đàn, anh Phạm Văn Hát bày bỏ, các sản phẩm do anh sáng chế thật sự rất cần thiết với người nông dân, tuy nhiên vấn đề đăng ký bản quyền đang gặp nhiều khó khăn. 

Anh Hát bộc bạch thêm: "Hiện nay do thiếu thực tế nên nhiều người chế tạo ra các loại máy móc không phù hợp với điều kiện của người nông dân. Những nhà sáng chế không được đào tạo bài bản như chúng tôi với xuất phát điểm là nông dân, hiểu bà con cần gì, gặp phải khó khăn gì… nên máy móc chúng tôi chế tạo ra luôn được người nông dân đón nhận vì nó đáp ứng đúng nhu cầu thực tế”.

Anh Hát cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong các sản phẩm anh đều được dựa trên các yêu tố tiên quyết như hữu dụng - có thể áp dụng trực tiếp trên thực địa; hiệu quả cao với giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của người làm nông Việt Nam.

Từ các yếu tố đó, các sáng chế của công ty anh đã gây dựng được uy tín không chỉ ở trong phạm vi đất nước ta mà còn vượt qua biên giới tới với những trang trại và mảnh đồng của rất nhiều nước khác.

Anh Hát khẳng định, điều cốt yếu ở các sáng chế mới không phải là nhận được một tấm bằng công nhận mà cái chính phải là tính ứng dụng và sự thiết thực của sản phẩm đối với hoạt động sản xuất thường ngày của nhà nông.

"Chúng tôi cần nguyên tắc mở, cần có quy trình, chính sách tạo điều kiện thuận lợi từ các bộ, ngành để làm sao chúng tôi đăng ký bản quyền, tạo ra các sản phẩm hữu ích nhanh nhất cho bà con nông dân", anh Hát nói.

Tại Diễn đàn, anh Hát chia sẻ, đã có doanh nghiệp nước ngoài mời anh về làm việc và trả mức lương lên tới 7.000 USD/tháng nhưng anh từ chối. "Nếu thực sự vì đồng tiền thì đã không có thương hiệu nông dân hai lứa Phạm Văn Hát hiện nay. Tôi luôn tâm niệm, đất nước đang tiến hành hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mong muốn cống hiến hết trí tuệ và sức lực cho người nông dân Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi muốn làm sao các bộ ban ngành sát cánh cùng người nông dân để cho ra những sản phẩm hữu ích", anh Hát nói.

Trước kiến nghị của anh Phạm Văn Hát, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: "Sau Diễn đàn hôm nay, đích thân ông Thào sẽ chủ trì Hội nghị cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài Chính, Bộ NNPTNT, Bộ Công thương để rà soát cách thức đăng cách thức đăng ký, hay nói cách khác là mối quan hệ giữa người nông dân và Đảng nhà nước, sau đó mối quan hệ giữa các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NNPTNT, Ngân hàng nhà nước...".

Nhà sáng chế Phạm Văn Hát: Cần nguyên tắc mở để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích hơn cho bà con - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng

Ông Thào Xuân Sùng đánh đánh giá rất cao ý kiến của nhà khoa học Phạm Văn Hát, anh Đặng Văn Cường... Cũng nhờ những ý kiến của các nhà khoa học nông dân để từ đó, các Bộ, ngành nhìn nhận rõ các mối quan hệ giữa các Nhà: Nhà nông-Nhà nước- Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà phân phốiđể có các chính sách phù hợp.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cam kết, những ý kiến, đóng góp, kiến nghị của nhà sáng chế Phạm Văn Hát, tỷ phú vịt trời Nguyễn Đăng Cường sẽ được đề xuất lên và  giải quyết trong năm nay. "Sang năm, những câu chuyện về anh Phạm Văn Hát đề cập sẽ không phải nhắc lại lần nữa", ông Thào Xuân Sùng nói.

Hôm nay (13/10), tại Khách sạn Quân Đội, số 1 Nguyễn Tri Phương, Q. Ba Đình, Hà Nội diễn ra Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V năm 2020, với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà".

Sở dĩ năm nay Ban Tổ chức chọn chủ đề vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà vì đây là 2 vấn đề nông dân cả nước hết sức quan tâm. Mối liên kết 6 nhà trong sản xuất và kinh doanh nông sản đang được các "nhà" (Nhà nông-Nhà nước- Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà phân phối) tích cực xích lại gần nhau.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia là sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đề xuất tổ chức thực hiện. Diễn đàn nông dân Quốc gia tổ chức vào mùa thu hàng năm đã ngày càng xây dựng được uy tín, thu hút sự chú ý cao của dư luận, dần trở thành một kênh quan trọng đối với nông dân trong việc tháo gỡ vướng mắc về mặt chính sách, giải quyết mối quan hệ các "nhà" trong sản xuất, kinh doanh cũng như là động lực để nông dân đổi mới, bắt kịp xu hướng chuyển động của thị trường thế giới.

Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. Trong 5 năm qua, với nhiều chủ đề thiết thực được thảo luận (Năm 2016: Nông dân toàn cầu – từ tư duy đến hành động; Năm 2017: Hãy sẵn sàng với nông nghiệp 4.0; Năm 2018: Xuất khẩu nông sản: Cơ hội và thách thức; Năm 2019: Từ EVFTA tới CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới).