Nông dân phải chiết khấu 35% cho kênh phân phối mới thường xuyên được bán hàng
Nông dân phải chiết khấu 35% cho kênh phân phối mới thường xuyên được bán hàng
Quang Dân
Thứ ba, ngày 13/10/2020 10:29 AM (GMT+7)
Liên kết giữa doanh nghiệp, các thương lái và kênh phân phối với các nông hộ và nhà sản xuất nông nghiệp chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, cơ chế chia sẻ rủi ro, khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác.
Trong những năm trở lại đây, nông sản đang nổi lên là nhóm ngành tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. Mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD.
Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt trong liên kết 6 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà phân phối) hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là thực trạng liên kết giữa sản xuất nông nghiệp và hệ thống phân phối.
Trao đổi với Dân Việt liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay đối với nhà nông, người sản xuất chủ yếu vẫn là các nông hộ mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, phá vỡ các quy hoạch và các kế hoạch phát triển nông nghiệp của các địa phương và quy hoạch vùng, gây khó khăn cho hoạt động quản lý và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp dẫn đến chi phí sản xuất trong nông nghiệp còn rất cao. Một số nông hộ chạy theo lợi nhuận trước mắt, đã sử dụng bừa bãi các loại thuốc trừ sâu, các chế phẩm kích thích tăng trưởng, xuất hiện tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng" là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo.
Đồng thời, việc liên kết giữa doanh nghiệp, các thương lái và nhà phân phối với các nông hộ và nhà sản xuất nông nghiệp chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, cơ chế chia sẻ rủi ro, chủ yếu vẫn là liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán theo hợp đồng từng lần khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả ở thị trường trong nước.
Điều này dẫn đến hậu quả tình trạng thường xuyên "được mùa mất giá", hiệu quả kinh tế không cao, sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững. Do các nông hộ vẫn chủ yêu tự sản xuất nên không thể trực tiếp bán hàng, nhưng thông qua các kênh phân phối thì phải chiết khấu rất cao.
"Để được bán thường xuyên sản phẩm của mình thông qua các hệ thống phân phối trong nước thường các nông hộ phải chiết khấu 35% cho kênh phân phối mới thường xuyên được bán hàng, còn nếu 15 -20% thì một năm chỉ được bán một lần. Thậm chí phân bón, thuốc trừ sâu phải chiết khấu đến 60% mới được phân phối", ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, điều này làm cho giá cả hàng hóa nông nghiệp tăng cao khi đến tay người tiêu dùng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp bị sút giảm nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm thấp.
Trong nền kinh tế thị trường và tốc độ hội nhập cao của nền kinh tế Việt Nam, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để thực hiện yêu cầu này, trong nông nghiệp cần thực hiện liên kết thành các chuỗi sản xuất cho từng sản phẩm nông nghiệp và cho từng nhóm sản phẩm đồng bộ từ sản xuất đến tiêu dùng. Cần áp dụng các biện pháp khác nhau để hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, cần rà soát và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng những cơ chế hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các chủ thể, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, các nhà phân phối và nhà nông.
Cần có một chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp phân phối, thương lái và người sản xuất. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.