Nông dân kêu khó tiếp cận ưu đãi, ngân hàng cũng “vướng”
Nông dân nói khó tiếp cận ưu đãi, ngân hàng cũng “vướng”
PVKT
Thứ ba, ngày 13/10/2020 12:00 PM (GMT+7)
Ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Các ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn cho vay và rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Sáng nay 13/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề: "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà" nhằm phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả "3 cao": Năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao.
Vốn cho nông nghiệp công nghệ cao có nhiều đặc thù riêng
Tại diễn đàn, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, NHNN xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Theo đó, vốn cho nông nghiệp công nghệ cao có nhiều đặc thù riêng
Thứ nhất, chính sách vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 03 tỷ đồng , từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh đối với HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ hai, chính sách ưu đãi hơn về lãi suất: NHNN đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các NHTM dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay NHNN đã 03 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.
Kết quả triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (chương trình 100.000 tỷ đồng): Đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 65.000 tỷ đồng (đạt 65%), dư nợ khoảng 28.000 tỷ đồng với hơn 14.400 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình.
Thứ ba, chính sách xử lý nợ đặc thù. Đặc thù sản xuất nông nghiệp nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đòi hỏi vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Do đó, tại Nghị định 55 và Nghị định 116, Chính phủ đã quy định cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến khách hàng vay gặp khó khăn không trả được nợ vay đúng hạn.
Nông dân kêu khó tiếp cận ưu đãi, ngân hàng cũng "vướng"
Trước câu hỏi của nông dân Trần Thị Thanh Thoan ở thôn Đô Quan, xã Mộc Quan, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) về việc làm thế nào để các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng .. trở thành tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, bà Tùng nhấn mạnh, Nghị định 116 cho phép các doanh nghiệp, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực công nghệ cao.
Về việc làm thế nào để các hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, bà Tùng chia sẻ, các nguồn vốn cho vay ưu đãi là nguồn vốn do các ngân hàng huy động từ trong dân. Các ngân hàng nhờ tiết giảm chi phí mới có điều kiện để cho vay ưu đãi.
Theo luật, việc xem xét cho vay thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng. Trong đó, các tổ chức tín dụng thẩm định ưu tiên đánh giá xem dự án nông nghiệp công nghệ cao có khả thi hay không, có phương án trả nợ cho nguồn vay ngân hàng hay không?
"Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải khẳng định được tính lâu dài, phải có quy mô và sản xuất bài bản. Tuy nhiên, trên thực tế, những mô hình, dự án nông nghiệp này chưa nhiều nên khi xem xét cho vay để đảm bảo được rủi ro cho ngân hàng thì các ngân hàng phải yêu cầu doanh nghiệp, hộ nông dân phải chứng minh được dòng tiền. Ví dụ như dự án có các hợp đồng tiêu thụ ổn định, chủ dự án phải mở tài khoản tại ngân hàng vay vốn để ngân hàng kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp mới có cơ sở cho vay ưu đãi", bà Tùng nhấn mạnh.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Agribank nói: Agribank cũng như các NHTM khác, tính đến tháng 10/2020, vốn cho vay dư thừa rất nhiều. Agribank đang nỗ lực cho vay đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Về vấn đề tài sản thế chấp, NHNN đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi thực hiện.
"Nhìn chung, ngành ngân hàng đối diện với việc cho vay tín chấp vẫn còn nhiều vướng mắc dù cơ chế chính sách đã mở. Agribank rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay thế chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất phải thực sự khả thi", ông Vượng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.