Dân Việt

Ninh Thuận: Nuôi bò mà sắm ô tô đời mới giá hơn 600 triệu đồng của vợ chồng ông nông dân ở huyện Bác Ái

Quang Đăng - Bùi Phụ 20/10/2020 06:45 GMT+7
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Ninh Thuận, vừa qua, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến thăm gia đình người phụ nữ dân tộc Raglai (xã Phước Tân, huyện Bác Ái). Gia đình chị nông dân này khấm khá nhờ nuôi bò sinh sản.

Đổi đời nhờ nuôi bò sinh sản

Chia sẻ với đoàn công tác Trung ương Hội nông dân Việt Nam do đồng chí Thào Xuân Sùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu, bà Chamalé Thị Dưỡng ở xã Phước Tân (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, mô hình nuôi bò sinh sản được gia đình gầy dựng gần chục năm trước.

Xuất phát ban đầu với số tiền ít ỏi gia đình bà đã chuyển đổi từ việc nuôi bò vỗ béo sang phương thức nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ. Bà nông dân này cũng đào ao nuôi cá, lấy ngắn nuôi dài.

Đến nay mỗi lứa, đàn bò sinh sản cũng đẻ ra được gần chục bò con. Đàn bò nhà bà Chamalé Thị Dưỡng ban đầu chỉ vài con nay đã lên mấy chục con.

Phụ nữ Raglai nuôi bò sắm ô tô đời mới ở huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận)  - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng thăm mô hình nuôi bò gia đình bà Chamalé Thị Dưỡng ở xã Phước Tân (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh Quang Đăng.

"Bằng nguồn thức ăn sạch chủ yếu là các loại cỏ được trồng tại rẫy cùng với công chăm sóc tỉ mỉ của gia đình, đàn bò phát triển khỏe mạnh. Chỉ sau hơn một năm nuôi dưỡng mỗi lứa gia đình tôi bán bò có thể tậu được cả chiếc ô tô đời mới…", bà Dưỡng phấn khởi khoe với đoàn.

Cũng theo vợ chồng bà Dưỡng, do đặc thù thời tiết của vùng núi Bác Ái thiếu mưa thừa nắng, muốn chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao người nông dân cần phải tận dụng những phế phẩm nông nghiệp xanh tại vườn nhà trồng để cung cấp thêm thức ăn cho bò. 

Việc này vừa giảm các chi phí đầu vào và tận dụng nguồn phân thải ra của bò dồn lại bán cho các hộ trồng rau màu, trồng lúa và trồng cây ăn trái. Nhờ đó tăng mức thu đầu ra nên đảm bảo chi phí xoay vòng, không còn đi vay tiền nữa mà trái lại có thêm nguồn tích lũy…

Tuy nhiên, theo bà Dưỡng, không thành công nào mà không có lần thất bại. Trước đây, do kinh nghiệm còn hạn chế cũng như thiếu kiến thức trong chăn nuôi, gia đình bà đã nhiều lần thất bại. 

Từ những thất bại đó mới hình thành kinh nghiệm thực tiễn như ngày hôm nay. Với những thành công đạt được, từ nhiều năm nay mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình bà Dưỡng dần trở thành địa chỉ tin cây để nông dân các nơi tìm đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Phụ nữ Raglai nuôi bò sắm ô tô đời mới ở huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận)  - Ảnh 2.

Đồng chí Tháo Xuân Sùng tặng quà cho ông Pinăng Ngọc (chồng bà Chamalé Dưỡng, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh Quang Đăng.

Chia sẻ với đoàn công tác, ông Pinăng Ngọc ( chồng bà Chamalé Dưỡng) cho biết, cũng nhờ sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi bò hiệu quả, năm 2015 gia đình có điều kiện xây ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi như hiện nay gần cả tỷ đồng. 

“Mơ ước được sống trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ của gia đình suốt mấy chục năm trời nay đã thành hiện thực”. ông Ngọc phấn khởi.

Rồi ông Ngọc khoe thêm: “Mơ ước có phương tiện đi lại che mưa che nắng bấy lâu nay, vừa qua gia đình tôi vừa “tậu” được chiếc ô tô 5 chỗ ngồi giá 630 triệu đồng. Trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất chăn nuôi, tăng thêm vốn làm mô hình vườn - ao - chuồng để chăn nuôi heo bán thịt...”.

Qua trao đổi, nhận xét về mô hình nuôi bò sinh sản tại hộ gia đình, đồng chí Thào Xuân Sùng tỏ ra "tâm đắc" và đánh giá rất cao hiệu quả kinh tế từ việc nuôi bò sinh sản của đình bà Dưỡng. " Đây là mô hình nuôi bò sinh sản hay và thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Chúng tôi đề nghị địa phương cần nhân rộng mô hình gia đình chị Dưỡng đến các hộ chăn nuôi bò sinh sản khác. 

Bên cạnh đó, địa phương cần chủ động cập nhật và cung cấp thêm những kiến thức về nông nghiệp như: chăn nuôi, thú y, chăm sóc các loại vật nuôi và cây trồng... để người dân trong vùng nắm vững, áp dụng vào kỹ thuật chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. 

"Nếu nông dân có kiến thức vững vàng, áp dụng đúng vào việc sản xuất chăn nuôi nông nghiệp một cách khoa học, đảm bảo sẽ và nâng cao chất lượng vật nuôi, chất lượng đầu của sản phẩm. Việc này sẽ đáp ứng nhu cầu cao của thị trường hiện nay…", đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, căn nhà gia đình bà Chamalé Thị Dưỡng đang ở rất khang trang. Trong sân có chiếc ô tô 5 chỗ đời mới đang đậu. 

Phụ nữ Raglai nuôi bò sắm ô tô đời mới ở huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận)  - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng tham quan mô hình trồng lan trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao ở huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Quang Đăng.

Nông dân áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Rời huyện Bác Ái, chiều cùng ngày đồng chí Thào Xuân Sùng đã đến thăm và tặng quà các mô hình trồng lan trong nhà kính theo hướng công nghệ cao ở huyện Ninh Sơn và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Ninh Sơn.

Ông Nguyễn Thế Trước, quản lý trang trại nhà kính trồng lan ở xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, tuy thời tiết tỉnh Ninh Thuận có phần khắc nghiệt nhưng lại là nơi rất hợp để cây lan phát triển trong môi trường nhà kín.

Lan được trồng dưới khí hậu ở Ninh Thuận dễ dàng sinh trưởng và phát triển về số lượng lá, thân cây cũng rất chắc khỏe. Đến độ ra hoa (thường vào dịp lễ tết), lan được chuyển lên môi trường có khí hậu mát ở tỉnh Lâm Đồng nên dễ dàng ra hoa. 

"Chất lượng hoa lan lúc đó sẽ rất đẹp và giữ được thời gian lâu hơn. “Với quy mô 200.000 chậu lan hồ điệp hiện có, mỗi năm trại cung cấp ra thị trường phục vụ người dân có nhu cầu trên khắp mọi miền tổ quốc, thu lời hàng chục tỷ đồng mỗi năm…”, ông Trước nói.

Phụ nữ Raglai nuôi bò sắm ô tô đời mới ở huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận)  - Ảnh 2.

Đồng chí Thào Xuân Sùng thăm và tặng quà cho chủ doanh nghiệp dây chuyền sản xuất khép kín các sản phẩm đặc sản Nho, Táo của công ty Thái Thuận đóng trên địa bàn huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Quang Đăng.

Theo ông Nguyễn Đình Quang, giám đốc công ty TNHH sản xuất Thái Thuận ( huyện Ninh Sơn), doanh nghiệp ông có dây chuyền sản xuất khép kín được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn tham gia mô hình liên kết nông dân sản xuất và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm và được chuyển giao công nghệ bảo quản màng bao gói khí quyển biến đổi (gọi tắt là màng MAP). Từ đó đã được nhiều khách hàng lớn, siêu thị trong và ngoài tỉnh lựa chọn hợp tác.

“Trước khi bao gói, nho được sơ chế bài bản theo quy trình hiện đại loại bỏ nấm mốc và vi sinh vật. Nho sạch, cứng vỏ được cho qua bể chứa phế phẩm hữu cơ ức chế vi sinh vật rồi được làm khô bằng không khí lạnh trước khi bao gói khí điều biến..."

Theo ông Quang, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín nên sản phẩm nho và táo của công ty đạt chất lượng cao, trình bảo quản nho, táo kéo dài trên 60 ngày, từ đó rất thuận tiện để vận chuyển tiêu thụ ở các thị trường xa đem lại nguồn doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương...”.

Đồng chí Thào Xuân Sùng rất ấn tượng với quy mô trồng lan trong nhà kín theo hướng hiện đại quy mô 200.000 chậu tại xã Quảng Sơn và hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín các sản phẩm đặc thù Nho, Táo của công ty Thái Thuận xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

“Đặc thù nơi đây nắng nóng, khắc nghiệt nhất nước nhưng bà con nông dân trong tỉnh vẫn không ngừng học tập, sáng tạo và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là điều đáng biểu dương.

Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện cho nông dân phát huy năng lực, mở rộng quy mô, dây chuyền sản xuất nhằm từng bước nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao...”, Đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Clip: Đồng chí Thào Xuân Sùng thăm các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện: Quang Đăng.

Huyện Bác Ái là cái nôi cách mạng qua hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ.

Tháng 12/1946, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bác Ái hình thành. Đầu năm 1947, Chi bộ Đảng đầu tiên của Bác Ái ra đời và từ đó phong trào đấu tranh của đồng bào Raglai được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây nổi tiếng và làm cho Mỹ khiếp sợ với bẫy đá của anh hùng Pi-năng Tắc. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã kề vai sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền các cấp, đấu tranh anh dũng, mưu trí "một tấc không đi, một ly không rời" quyết tâm bám trụ, giữ đất, giữ làng.


Tiêu biểu, ngày 30/8/1960, quân dân Bác Ái nổi dậy phá đồn Tà Lú, Ma Ty, giải phóng huyện nhà và vinh dự là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất ở miền Nam, tạo tiền đề giải phóng quê hương và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4-1975. Huyện Bác Ái vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng 10 tập thể và 4 cá nhân với danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Bác Ái cũng là vùng đất phong phú về đời sống văn hóa. Đồng bào Raglai ở Bác Ái là một trong số ít trong cộng đồng 54 dân tộc hiện còn lưu giữ được hệ thống sử thi đồ sộ cùng với hệ thống các lễ hội dân gian phong phú, đậm chất nhân văn, như:

Lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cầu Mưa… Bác Ái có nhiều dòng thác thơ mộng như thác Chapor (nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ Trần Tiến sang tác bài Giấc mơ Chapi); Bác Ái có hệ động, thực vật phong phú, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình (có đàn bò tót gây xôn xao dư luận vừa qua)…được bảo tồn tạo nên một tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch lịch sử-văn hóa, về nguồn…

Bác Ái cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 60Km đi theo QL 27, có Vườn QG Phước Bình, nơi giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Khánh Hòa- Lâm Đồng. Nơi đây hàng chục năm trước các cơ quan chức năng và người dân đã phát hiện "chú bò tót si tình bò rừng về ở với bò cái nhà và sinh sản ra nhiều chú bò F1".