"Dị nhân" bắt cá chốt đặc sản kêu ẹc ẹc trên sông Ba mùa lũ, nhưng lạ nhất là ông này không biết bơi

Thứ ba, ngày 20/10/2020 06:25 AM (GMT+7)
Mùa này, khi hoàng hôn xuống dần sau dãy núi bên chân đèo Tô Na cũng là lúc một số ngư dân ở xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) bắt đầu dong thuyền xuôi dòng sông Ba buông lưới. Sau những cơn mưa, nước từ phía thượng nguồn đổ về mang theo nhiều đặc sản thiên nhiên ban tặng, trong đó có cá chốt đặc sản.
Bình luận 0

Tranh thủ những mẻ lưới đầy cá chốt đặc sản, cuộc mưu sinh của những ngư dân cũng bớt nhọc nhằn hơn.

Săn lùng loài cá đặc sản trên sông Ba
 
Căn chòi thấp lè tè nằm cạnh bờ sông Ba cách chân đèo Tô Na chừng trăm mét là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Huỳnh Văn Tấn (thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Ông Tấn là một ngư phủ nức tiếng “sát cá”. Hơn 6 năm nay, nơi tránh nắng, lánh mưa này giúp vợ chồng ông “bám sông, bám nước” đánh bắt cá mưu sinh.
 
"Dị nhân" bắt cá chốt đặc sản kêu ẹc ẹc trên sông Ba mùa lũ, nhưng lạ nhất là ông này không biết bơi - Ảnh 1.

Theo ông Huỳnh Văn Tấn, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) mùa cá chốt rộ nhất là vào tháng Giêng. Những hôm trúng mánh, cá chốt dính đầy lưới gỡ không xuể. Ảnh: Minh Nguyễn

Sau cuộc trò chuyện làm quen, chúng tôi được ông Tấn đồng ý cho theo cùng trong chuyến ra sông tìm cá chốt. 

Người ngư phủ có nước da đen nhẻm, tuổi đời chừng 45 tiết lộ khi chúng tôi vừa đặt chân xuống xuồng: “Thời điểm này, thả lưới thì vẫn có cá chốt nhưng không nhiều, có ngày chỉ được vài ký. Mùa cá chốt rộ bắt đầu từ tháng 10 năm nay kéo dài đến tháng 3 năm sau. Những hôm trúng mánh, cá chốt dính đầy lưới, gỡ không xuể”. 

Chiếc xuồng nhỏ chòng chành xa dần bờ theo từng nhịp chèo. Nước mấp mé mạn xuồng, một cử động mạnh cũng khiến nó lắc lư chao đảo. 

“Muốn đánh bắt cá chốt thì phải chạy ngược lên phía ngã ba sông, cách đây khoảng 10 cây số, nơi luồng cá hội tụ theo 2 dòng chảy đổ về. Từ trên đấy, chúng ta sẽ bắt đầu xuôi dòng thả lưới”. 

Nói chưa dứt, ông Tấn đưa tay giật mạnh sợi dây, tiếng máy nổ xình xịch. Con xuồng rùng mình rẽ nước men dọc dòng sông Ba hướng từ đèo Tô Na ngược về phía thị xã Ayun Pa.

 
Những cánh rừng hai bên sông lùi dần về phía sau. Cầm tấm lưới trên tay, giọng ông Tấn át cả máy nổ: “Lưới bắt cá chốt có mắt lưới nhỏ. Còn lúc nãy các anh đến, tôi vừa thả lưới mắt to dùng để bắt cá lớn, tầm 3 kg trở lên. Mùa này nước đục, mưa nhiều, dòng chảy mạnh nên thích hợp đánh bắt cá lăng, cá chình, cá chép hay cá trèng, cá phá. Khi nước rút dần, thả lưới chắn ngang sẽ dính nhiều cá chốt, cá mè”.
 
Độ chừng 15 phút, đến gần ngã ba sông, chiếc xuồng đột ngột dừng lại. Ông Tấn một tay khua dầm, tay kia thoăn thoắt thả lưới. Xuồng cứ chầm chậm trôi theo dòng nước trong lúc những đoạn lưới được trải dài dưới lòng sông. 

“Mỗi ngày, tôi đánh từ 15 đến 20 tay lưới (mỗi tay lưới dài khoảng 30 m-P.V). Vào mùa cá chốt rộ thì có khi tôi thả dọc đoạn sông này đến 50 tay lưới, tùy theo con nước. Có khi tôi thả lưới lúc 4 giờ chiều, có khi lúc trời vừa hửng sáng. Lúc vào mùa, cá chốt về nhiều thì đánh cả ngày lẫn đêm”-ông Tấn chia sẻ kinh nghiệm.

Cá chốt thuộc họ cá da trơn sống ở vùng nước ngọt, nhìn bên ngoài gần giống với cá trê, cá lăng nhưng không lớn bằng. Theo ông Tấn, cá chốt trắng to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái; chốt lăng (giống cá lăng) to nhất cũng chỉ nặng từ 0,3 đến 0,5 kg. 

Chốt lăng là cá đặc sản, có giá trị cao nhất vì thịt thơm ngon, được nhiều người đặt mua. Đặc biệt, từ tháng Giêng trở đi, cá chốt ôm trứng, mập ú, bụng óc ách những cặp trứng vàng ươm, béo ngậy.

 
Ông Tấn cho hay, món ông ưa thích là cá chốt nấu lá giang hoặc xỏ lụi nướng chấm với muối ớt kiến vàng hay muối lá é. Những lúc giở xong mẻ lưới, ông vẫn thường cùng nhóm bạn lai rai vài xị đế và nhấm nháp mấy món trên cho đỡ lạnh trong khi chờ thương lái đến cân cá.
 
Chừng hơn 30 phút, chiếc xuồng quay mũi chạy ngược trở lên nơi vừa thả lưới. Ông Tấn cười nói: “Chắc giờ đã có cá mắc lưới, để kiếm mấy con lai rai trước”. Hơn nửa số tay lưới được kéo lên nhưng chẳng thấy tăm hơi con chốt nào, chỉ có vài con mè trắng bằng hai ngón tay.
 
Chúng tôi sốt ruột dõi theo đôi tay thu lưới của ông Tấn và chờ đợi. Và rồi, “đối tượng chính” xuất hiện, con cá chốt đầu tiên dính lưới, cong đuôi giãy giụa làm nước bắn tung tóe. Kéo thêm vài tay lưới, ướm chừng hơn ký cá chốt, ông Tấn thả lưới trở lại rồi dong xuồng về bến.
 
Nghề bắt cá đặc sản nơi ngã ba sông
 
Khi số cá được mang lên bờ, vợ ông Tấn nhanh tay chọn những con cá chốt béo tròn làm món kho keo, chuẩn bị bữa cơm trưa. Còn ông trổ tài làm món cá chốt nướng, lấy mấy thanh nứa tươi chuẩn bị sẵn xỏ lụi hơn chục con đặt lên bếp.
Chỉ vài phút sau, mùi cá thơm lừng làm nức mũi khách chờ thưởng thức. Thịt cá chốt ngọt thơm, béo ngậy cộng với vị cay của ớt, vị đậm đà của muối lá é khiến món ăn vô cùng hấp dẫn. Nhấp nháp thêm vài ly rượu, ông Tấn trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mưu sinh bên dòng sông Ba thơ mộng.  
 
Để có thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi 3 đứa con ăn học, ông Tấn đã phải đánh đổi nhiều thứ. Biết bao lần, cơn lũ đột ngột đổ về cuốn trôi không ít tài sản của ông, có lần còn suýt lấy luôn mạng sống của ông.
 
Trước khi chuyển sang đánh lưới, ông Tấn là một trong những người đặt lú lành nghề. Ông cho hay, lú là loại ngư cụ kết từ nhiều khung sắt hình chữ nhật có tổng chiều dài khoảng 5 m, bọc lưới bên ngoài; mỗi khung cách nhau 4-5 cm, giữa các khung có 2 cửa để cá chui vào.

Nếu công việc thuận lợi, có khi ông thu gần chục ký cá chốt mỗi ngày. Nhưng có khi đêm lũ về cuốn trôi sạch cả trăm cái lú khiến ông mất trắng hơn 30 triệu đồng.

 
Mỗi năm vài lần như vậy ông đâm nản, chuyển sang giăng lưới. Kinh nghiệm nghề lưới cũng dày lên dần qua những cơn lũ. Có những lúc, chập tối thả lưới xong vợ chồng ông về chòi nghỉ, chờ trời sáng ra giở lưới. 

Nhưng chẳng may giữa khuya trời mưa to, nước lũ về đột ngột, thế là mất trắng hàng chục triệu đồng (mỗi tay lưới giá tầm 700.000 đồng). 

 
"Dị nhân" bắt cá chốt đặc sản kêu ẹc ẹc trên sông Ba mùa lũ, nhưng lạ nhất là ông này không biết bơi - Ảnh 5.

Vì mưu sinh, một số hộ dân trên địa bàn xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) gắn bó với nghề lưới cá chốt ở đoạn sông Ba gần đèo Tô Na. Ảnh: Minh Nguyễn

 
Gắn bó sông nước nhiều năm, nhưng ít ai tin rằng ông Tấn… không hề biết bơi! Chỉ vì mưu sinh, không còn lựa chọn nào khác nên ông đành “bén duyên” với nghề. Đến khi vợ ông xác nhận, chúng tôi vẫn còn nửa ngờ, nửa tin.
 
Ông Tấn nhớ lại thời điểm này năm ngoái, ông suýt “theo ông, theo bà”. Khi ấy, đang giở mẻ lưới cuối thì dây phao vướng vào đá, ông giật mạnh, bất ngờ sợi dây đứt khiến ông chới với, chiếc xuồng chòng chành lật úp. 

Ông nhanh tay chộp lấy can nhựa 30 lít dùng làm phao (bao giờ ông cũng thủ sẵn bên mình) rồi đu bám nương theo dòng chảy. May mắn là những người đánh lưới gần đó nhìn thấy chạy đến ứng cứu kịp thời, vớt ông lên, kéo xuồng vào bờ. Số cá chốt vừa bắt xong cũng được “phóng sinh”. Thế là một đêm vất vả phút chốc trở thành công cốc.

Vì vậy, những ngư dân nơi chân đèo Tô Na chỉ ước sao thời tiết thuận lợi để cuộc mưu sinh bớt nhọc nhằn. Anh Ksor Gia Thanh (buôn Phu Ma Nhe 1, xã Ia Rtô) cho hay: Việc lưới cá giúp anh có thêm thu nhập những ngày nhàn rỗi, hoặc ít ra cũng có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày.
 
“Đổi lại, nghề này rất nguy hiểm, vì phải bơi xuồng ra xa bờ để thả lưới. Việc giăng lưới thường diễn ra vào lúc chiều tối và rạng sáng. Chuyện giẫm phải mảnh chai, cây nhọn dưới lòng sông, đứt chân, đứt tay rồi ngạnh cá đâm là điều khó tránh khỏi. Thời điểm này nước lặng, không có lũ về đột ngột nên cũng ít nguy hiểm”-anh Thanh nói.
 
Dưới sông ngư dân miệt mài đánh bắt, còn trên bờ thương lái cũng nhanh tay thu mua, tiêu thụ đặc sản này, trong số đó có gia đình bà Võ Thị Hương (quê ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, trú phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). 

Không những gom cá bỏ mối cho các nhà hàng, hơn 15 năm qua, quán cá chốt ngay dưới chân đèo Tô Na của bà luôn thu hút khách trong và ngoài tỉnh tìm đến thưởng thức món đặc sản trứ danh.

Bà Hương cho hay: Thời điểm này so với năm ngoái lượng cá chốt thu mua ít, chủ yếu là cá nhỏ, nhiều khi nguồn hàng bị gián đoạn. Ngược lại, gần Tết, có ngày bà thu mua hàng chục ký. Giá cá chốt đen, chốt trắng và chốt lăng thường dao động từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/kg. 


Lúc này, ngoài đơn hàng cung cấp cho các nhà hàng ở thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku, bà còn liên tục đóng thùng xốp gửi đi TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Yên, Đak Lak. Bà Hương còn được con gái “tiếp sức” với những đơn hàng trên mạng xã hội Facebook.

 
“Nhưng đó là chuyện của những năm trước”-bà chủ quán cá chốt đèo Tô Na bỗng tâm trạng. Bà Hương chia sẻ, thời gian gần đây, sản lượng cá chốt giảm nhiều do người dân đổ xô đánh bắt khiến cá không kịp sinh sôi. 

Trước đây, ngư dân chỉ thả câu, giăng lưới, còn bây giờ có người dùng xung điện làm cho loài cá đặc sản đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Có lúc giá cá chốt lên đến 300.000 đồng/kg vẫn không tìm đâu ra nguồn hàng để cung ứng.

 

“Vì hám lợi, nhiều người còn đánh bắt ngay cả cá chốt con. Theo tôi, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc bởi nếu không thì nay mai đặc sản cá chốt vùng đèo Tô Na sẽ không còn. Làm vậy thì thu nhập của tôi có thể bị giảm nhiều nhưng trước nguy cơ khai thác theo kiểu tận diệt loài cá này, tôi mạnh dạn kêu gọi mọi người nêu cao ý thức bảo vệ, chung tay giữ gìn nguồn lợi thủy sản đang ngày một hiếm”-bà Hương đề nghị.

Minh Nguyễn (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem