Bình Thuận: Vùng đất dân đi ngủ nhờ, sáng sớm chui vô rừng Tà Cú đào thứ củ rõ dài, ăn rất bổ
Bình Thuận: Vùng đất dân đi ngủ nhờ, sáng sớm chui vô rừng Tà Cú đào thứ củ rõ dài, ăn rất bổ
Thứ hai, ngày 19/10/2020 06:35 AM (GMT+7)
Mỗi chiếc xe máy đều chở theo một cây thuổng dài, một chiếc giỏ thồ hàng phía sau, lần lượt rẽ vào nhà ông Năm Rừng thôn Văn Kê, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Họ gọi ông Năm Rừng xem thử có nhà không, khi mà chống xe chưa bỏ xuống, hoặc bánh xe ngừng hẳn…
Mùa hoài sơn (củ mài) bắt đầu như thế ở Văn Kê khi mà tháng 7 âm lịch vừa tới (tháng 9 dương lịch năm nay).
Những người vừa tới nhà ông Năm Rừng là khách quen, phần lớn ngụ tại Long Hải, TP Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tư Cương, người đứng tuổi trong họ nói to: “Trước sau bọn em khoảng chục người, xin anh cho ngủ nhờ, mai vào rừng sớm. Bọn em đứa nào cũng chuẩn bị đồ ăn rồi, anh không phải ngại. Cũng xin giới thiệu với anh, đi hôm nay có mấy thằng cháu ở Long Thành (Đồng Nai). Bọn nó nhân mùa dịch Covid-19 thất nghiệp, kiếm việc làm thêm”.
Nhà Năm Rừng dựa lưng vào rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, trông ra con đường nhỏ. Hơn 5 năm nay, Năm Rừng trở thành đại lý thu mua củ hoài sơn ăn hoa hồng với số lượng lớn ở Tân Thành.
Có đến vài chục gia đình trong xã bán củ hoài sơn cho nhà Năm Rừng. Vài ngày trước đây, Tư Cương gọi điện cho cô Dung, vợ Năm Rừng, cho giá thu mua củ hoài sơn năm nay là 50.000 đồng/kg (loại nhỏ), loại to củ là 60.000 đồng/kg.
Giá củ hoài sơn như thế này thấp hơn giá năm 2019, khoảng 10.000 đồng/kg, và như Tư Cương nói, do dịch Covid-19, thu nhập của người dân giảm đi, giá bán củ hoài sơn cũng giảm chút ít nhằm tiêu thụ được hàng.
Củ hoài sơn và thị trường
Tài liệu của ngành lâm nghiệp Bình Thuận, cho hay: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có diện tích tự nhiên là 17.823 ha. Trong đó, ngoài núi Tà Cú diện tích 1.104 ha, thì còn lại là rừng và đất rừng.
Đất rừng của khu bảo tồn này có ưu thế về tài nguyên thực vật. Ưu thế nhất là 159 loại cây dược liệu mà hoài sơn là một trong số đó.
Cây hoài sơn Tà Cú mọc hoang dại, củ dài và to nhờ nền đất chủ yếu là đất cát pha thịt, tơi xốp. Ước tính cả Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, mỗi năm có thể cung cấp một lượng lớn hoài sơn. Đây cũng là nơi có nhiều hoài sơn nhất tỉnh Bình Thuận.
Hoài sơn sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, trong nhiều cách chế biến của các bà nội trợ. Một nồi chè hoài sơn vào buổi trưa hè, cũng giúp giảm nóng bức chẳng khác gì nồi chè đỗ đen. Với đông y, hoài sơn có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh.
Tác dụng chính của củ hoài sơn là chữa suy nhược cơ thể, bồi bổ ngũ tạng. Đặc biệt phù hợp với chứng thận suy, tiểu đường, thấp khớp…
Từ ngàn xưa, người Việt biết dùng hoài sơn làm thuốc, cứu đói. Ông Năm Rừng hay kể cho những người đi đào hoài sơn nghe chuyện hồi thoát ly vô rừng trước năm 1975, có những lúc ông phải ăn cháo hoài sơn thay cơm…
Sau năm 1975, người dân thôn Văn Kê, Mỹ Thạnh… xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) vẫn gắn bó với cây hoài sơn vì họ tìm thấy ở đó nguồn thu nhập không nhiều nhưng góp phần bảo đảm cuộc sống.
Mấy năm trước khi nhu cầu củ hoài sơn ở một số tỉnh, thành chưa lớn, hoài sơn đào từ đất rừng Tà Cú, được người dân đem bán cho khách du lịch thăm mũi điện Kê Gà, hoặc mang đi Phan Thiết.
Chính vì vậy, trên đường Nguyễn Huệ (Phan Thiết) một thời xuất hiện những người bán củ hoài sơn dạo với tiếng rao lanh lảnh vào đầu các buổi sáng mai. 2 năm nay, củ hoài sơn Tà Cú cũng về chợ La Gi.
Năm Rừng từng nghe kể: Có một phụ nữ trẻ ngạc nhiên khi không biết củ hoài sơn là gì. Khi được người bán cũng là phụ nữ giải thích dùng bổ thận, tráng dương, thì cô này mặt mày tươi rói, xuýt xoa, bảo: “Để em mua cho chồng em. “Lão” ấy bị yếu thận mấy năm nay”.
Người bán là tay đáo để, trước khi đến chợ đã học thuộc bài suy thận và những biến chứng, cười tủm tỉm, nói: “Nếu bị chứng “chưa đến chợ đã hết tiền”, thì đúng là thuốc. Cực bổ!”. Cả người mua và người bán đều cười hì hì. Đã thế, người mua khi quay lưng bước đi, nghĩ gì trong đầu mà mặt mày đỏ lựng!?
Còn Tư Cương, mấy năm trước, kể cho Năm Rừng nghe: Lần đầu tiên anh ta thấy củ hoài sơn ở chợ bến Đình (Vũng Tàu) mua về ăn thử thấy ngon. Sau đó thấy nhiều người mua, ấy thế là dò tìm xuất xứ, rồi thành người chuyên đào, thu mua, cung cấp hoài sơn.
Hiện nay, Tư Cương là đầu mối cung cấp củ hoài sơn ở chợ bến Đình. Những lúc hàng nhiều, Tư Cương còn gởi xe đò cho con gái bán ở chợ An Đông (TP Hồ Chí Minh) và một số nơi khác như: Long khánh, Biên Hòa (Đồng Nai).
Đào củ hoài sơn, Tư Cương cần đến chiếc thuổng dài, tai thuổng hơi khum để giữ được đất khi kéo lên. Cũng như để đào được nhiều hoài sơn, Tư Cương phải bắt đầu công việc từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch, lúc mà trời còn mưa, đất rừng Tà Cú còn ẩm, kết dính, không chảy trở lại miệng hố, làm tốn nhiều công sức bởi mỗi dây hoài sơn ăn sâu từ 1 - 2,5 m trong lòng đất.
Sau thời gian này, nếu ai đó muốn ăn củ hoài sơn chỉ còn có nước mua củ hoài sơn khô trong mấy hiệu thuốc bắc, còn củ hoài sơn tươi… thì chẳng có ai đủ công, đủ sức đào…
Vào rừng
Tờ mờ sáng hôm sau, nhà Năm Rừng lao xao tiếng người nói, tiếng ai đó giục ăn vội tô mì để kịp vào rừng trước khi nắng lên.
Nhà Năm Rừng có 2 con trai ngoài 20 tuổi cũng gia nhập đoàn người đi đào củ hoài sơn. Năm Rừng, gần đây tuy vẫn đi rừng được nhưng sức không còn bền nên quyết định đào một bụi cây hoài sơn cách nhà không bao xa, tiện thể trưa còn ra biển đánh cá cho vợ muối mắm.
Năm Rừng giải thích: “Ở đây, để không thiếu trước hụt sau, mỗi người phải làm đôi ba việc. Hết thanh long vườn nhà, quay sang làm thuê; hết làm thuê, đi lấy mật ong…Như vợ tôi, ngoài cái sạp hàng nhỏ còn gói bánh các loại bán dạo…”.
Một cách chân tình tôi đề nghị Năm Rừng cho theo vào rừng. Chủ nhà sau một giây lưỡng lự, gật đầu. Thế là, tôi thành người phụ việc cho Năm Rừng. Năm Rừng chỉ cho tôi nhận biết lá cây hoài sơn hình trái tim, dạng dây leo, thường quấn trên một số cây bụi.
Và lần đầu tiên trong đời tôi biết để đào được củ hoài sơn người ta phải đào thành hố rộng chung quanh gốc dây, rồi lần theo dây múc đất, moi cát, tránh mất dấu và đứt củ.
Cả buổi sáng, tôi chỉ được vài củ hoài sơn nhỏ, trong khi Tư Cương và vài người nữa, mỗi người được gần 10 kg củ hoài sơn. Cuối ngày, cô Dung, nhờ mua quanh thôn bán lại cho Tư Cương thêm một chục kg nữa.
Nhóm Tư Cương quyết định ở lại nhà Năm Rừng thêm 1 ngày nữa. Và để củ hoài sơn không mất nước, họ dùng cát ẩm phủ lên củ cũng như bảo riêng với tôi: Họ có thể giữ được củ hoài sơn trong vòng 3 tháng không hư nhờ kỹ thuật ủ cát. Nói gì thì nói, củ hoài sơn Tà Cú theo những người mua đi bán lại, những người như Tư Cương và bạn bè của anh ta... đi thật xa. Ấy cũng là cái sự mừng cho tỉnh Bình Thuận!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.