Dân Việt

Lào Cai: Lo mùa đông rét sớm, chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc

Tráng Xuân Cường 08/11/2020 13:50 GMT+7
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông năm nay thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, rét sớm và sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Do đó, các xã trên địa bàn huyện vùng cao ở Lào Cai đã và đang chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc, các xã trên địa bàn huyện vùng cao ở Lào Cai đã và đang chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Sớm dự trữ thức ăn cho đàn trâu bò

Tại Tả Van Chư, xã vùng cao nằm ở khu vực thượng của huyện Bắc Hà, vào mùa đông điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt với các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Đây là yếu tố bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia súc. Vì vậy để duy trì ổn định đàn gia súc trong mùa đông, xã Tả Văn Chư đã và đang tăng cường các biện pháp để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Theo đó, những hộ nào có điều kiện, dư dả thì đã tự đầu tư làm chuồng trại mới kiên cố, các hộ dân còn lại chủ động sửa chuồng trại, che chắn kín đáo, nhà nào, nhà nấy đã chuẩn bị rơm rạ dự trữ thức ăn mùa đông cho gia súc và nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

Nông dân Bắc Hà (Lào Cai): Chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc - Ảnh 1.

Các hộ chăn nuôi tăng cường vệ sinh, che chắn chuồng trại. Ảnh: X.C

Hiện nay, toàn huyện Bắc Hà có tổng đàn gia súc trên 70.000 con, trong đó đàn trâu 18.030 con, bò 1.190 con, ngựa 3.600 con, lợn 47.120 con.

Để phòng chống đói rét cho đàn gia súc, các cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn đã và đang tích cực chỉ đạo cán bộ, khuyến nông viên phụ trách địa bàn hướng dẫn bà con nông dân cách dự trữ thức ăn như: Phơi cỏ khô, ủ chua thân cây ngô, đậu, khoai lang…; tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn gia súc.

Gia đình anh Sùng Seo Vừ (ở thôn Sừ Mừn Khang) là một trong những hộ nuôi nhiều trâu với 5 con trâu nái, trâu cày cho biết: "Ngay trước thời điểm mùa gặt chúng tôi đã được cán bộ xã tuyên truyền, gia đình đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chống rét nên đã chủ động tích lũy rơm làm thức ăn dự trữ. Vừa qua, tôi đã che chắn lại cho chuồng trại, bảo đảm chống rét cho đàn trâu".

Xã Tả Văn Chư hiện có khoảng 1.250 con trâu, bò, ngựa. Chia sẻ với phóng viên về công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong vụ đông xuân 2020 - 2021, ông Giàng Seo Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: "Ngay sau khi tiếp thu chỉ đạo của UBND huyện Bắc Hà, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, chúng tôi đã kiện toàn, tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống rét cho trâu bò, phân công các thành viên trực tiếp phụ trách từng thôn để tuyên truyền, vận động các hộ dân củng cố chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng chống đói rét. 

Chủ động tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu bò trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Đồng thời xây dựng che chắn chuồng trại kín gió, di chuyển đàn trâu bò ra khỏi khu vực núi cao, đưa trâu bò thả rông về chỗ nuôi nhốt. Chuẩn bị thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi...".

Giúp nông dân chăn nuôi hợp vệ sinh

Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà, các tổ chức Đoàn thể, nhất là các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã phối hợp với cán bộ khuyến nông 21 xã, thị trấn và đội ngũ cộng tác viên khuyến nông thôn bản tổ chức tập huấn và phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Tranh thủ thu hoạch, gom và phơi rơm, tích trữ thức ăn; trồng cỏ voi, ngô dày làm thức ăn dự trữ; tu sửa, làm mới, che chắn, vệ sinh chuồng trại.

Theo đó, trong 9 tháng qua, các ban ngành đã vận động các hộ chăn nuôi làm mới được 213 chuồng gia súc hợp vệ sinh. Đến nay, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 68,1%.

Bà Long Hải Dỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: "Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức của các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã vùng cao, đặc biệt là khu vực thượng huyện đã có những chuyển biến tích cực.

Việc dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi được người dân thực hiện chủ động hơn. Diện tích trồng cỏ từng bước được mở rộng".

"Đặc biệt, rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch không còn bị đốt bỏ mà đã được bà con tích trữ, bảo quản làm thức ăn cho trâu, bò vào những thời điểm nguồn cỏ tự nhiên khan hiếm. Cùng với đó, người chăn nuôi cũng đã biết chuẩn bị thêm thức ăn tinh như: Cám gạo, ngô, sắn và các khoáng chất cần thiết để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho đàn trâu, bò".