Khoảng 1 tuần nay, bà con trồng nhãn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) khổ sở vì nhãn vừa mất mùa, vừa mất giá. Hiện tại, giá nhãn đã xuống tận đáy khiến nông dân thua lỗ nặng, có những nhà vườn lỗ mất một chiếc xe ô tô du lịch hạng A.
Mặc dù nhãn của tỉnh BR-VT xưa nay có tiếng thơm ngon, có giá trị trong thị trường xuất khẩu và trong nước, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng nhãn liên tục rơi vào cảnh lao đao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Xuyên Mộc, Châu Đức, TP Vũng Tàu, (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)… là một số vùng đang có số lượng nhãn khá lớn.
Hiện nay, các vùng này đang vào vụ thu hoạch nhãn tuy nhiên hàng bị dội chợ, ùn ứ tại vườn rất nhiều.
Tại một số nhà vườn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhãn đã chín, chưa kịp xuất bán nên dần dần bị thối, hư hỏng ngay trên cây.
Để tìm hiểu về giá nhãn, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã tới một số vườn để tham khảo. Tại đây, nhiều nhà vườn vẫn đang cố gắng xuất nhãn đi dù là giá thấp tận đáy.
Cụ thể, giá nhãn xuồng cơm vàng hiện giảm còn khoảng 29.000 đồng – 32.000 đồng/kg, nhãn da bò còn khoảng 7.000 đồng/kg. Các loại nhãn khác như Ido, thanh nhãn… cũng ở mức khoảng 14.000 đồng - 18.000 đồng/kg.
Riêng nhãn xuồng bắp cải do là hàng hiếm, khó trồng, khó chăm sóc, sản lượng không còn nhiều nên vẫn được giá cao, khoảng 80.000 đồng – 90.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hoàng Tư, ngụ huyện Châu Đức, (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nói rằng năm nay mưa nắng thất thường nên sản lượng nhãn của gia đình ông bị sụt giảm khoảng 40% so với những mùa vụ trước. Mất mùa kèm theo mất giá khiến gia đình ông mất luôn thu nhập và lỗ nặng, không đủ tiền chi trả khoản nợ ngân hàng đã vay để đầu tư cho vườn nhãn.
“Tình trạng mất mùa, mất giá càng đẩy nông dân chúng tôi vào cảnh khổ. Giá nhãn ở mức này đúng là tính ra huề vốn, có khi còn lỗ vì công chăm sóc, thuê nhân công… cũng tốn rất nhiều. Đặc biệt, giờ muốn xuất nhãn để bán cũng phải thuê cả 20 người vừa hái vừa đóng thùng, cân vận chuyển ra xe tải lớn cho lái buôn, khổ trăm bề. Mong là dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi để đời sống bà con nông dân ổn định lại, hàng hoá xuất khẩu bình thường cho bà con sớm gỡ lại được vốn, tiền hao hụt trong năm nay”, ông Tư chia sẻ thêm.
Trong khi đó anh Văn Đông, người trồng nhãn nhiều năm nay tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đợt này, vườn nhãn gia đình anh bị mất mùa. Sản lượng nhãn thu tại vườn giảm mất một nửa so với cùng kỳ.
Do đó, sau khi trừ hết mọi chi phí, vụ nhãn này gia đình anh chỉ thu về 60 – 70 triệu đồng.
“Cả nhà chăm sóc mấy vườn nhãn nhưng năm nay xem như mất hết. Tôi nhẩm tính mấy vườn nhãn của gia đình đang thất thu khoảng 400 triệu – 500 triệu đồng cho vụ nhãn này. Sơ sơ là mất con xe hơi bé bé hạng A rồi nhưng đành chấp nhận vì tình trạng chung. Đầu năm đến giờ toàn thấy mất, lỗ, chưa thấy trúng.
Dịch Covid-19, mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, mưa to gió lớn, lốc ở đây cũng làm nhãn mất sản lượng. Nhà tôi giờ mới bán được vườn ở sau nhà, còn vườn ở xa hơn xe chưa vào mua, đang thối rữa trên cây từng ngày, đứng ngồi không yên. Chỉ mong năm sau mưa thuận gió hòa để bà con làm ăn lại được, có tiền trả nợ”, anh Đông buồn bã nói.
Ngoài ra theo đánh giá chung của nông dân, đợt này sức tiêu thụ nhãn kém ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguyên nhân chính do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bão lũ ở miền Trung. Nhãn xuất nội địa đi các tỉnh miền Trung rất nhiều nhưng năm nay miền Trung bão lũ liên tục, nhu cầu tiêu dùng thấp dần, dẫn đến nhãn lại mất giá.
Hơn nữa, diện tích trồng nhãn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang được mở rộng, đợt này các nhà vườn đồng loạt thu hoạch nên cung vượt cầu.
Ông Mai Thanh Luân, người chuyên thu mua nhãn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, năm nay là năm khó khăn chung của cả nông dân lẫn thương lái.
Giá nhãn lên xuống thất thường và giảm tận đáy và ít tăng giá cao như mọi năm. Đầu ra nhãn vụ này cũng không mấy thuận lợi do vừa dịch Covid-19 vừa bão lụt ở miền Trung nên đường đi của nhãn rất vất vả.
“Người tiêu dùng nhu cầu ít lại nên khi thu mua, chúng tôi cũng đặt yêu cầu cao hơn, dẫn đến hàng ứ đọng nhiều, giá mua vào thấp. Hơn nữa, không phải mỗi nhãn mà tất cả các mặt hàng trái cây tươi sức tiêu thụ đều giảm vì nội địa cũng hạn chế, xuất khẩu càng hạn chế.
Năm nay, nhãn cũng không được đẹp như cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài rồi lại mưa liên tục khiến trái nhỏ, chất lượng kém hơn nên tỷ lệ trái loại 1 ít, chủ yếu các loại thấp hơn”, ông Luân nhấn mạnh.
Trước những vấn đề liên quan đến giá cả, ứ hàng trái cây tươi, hiện nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra nhiều phương án để giúp trái cây tươi của địa phương có nhiều lối đi hơn.
Tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... Ngoài ra còn định hướng về các loại trái cây sấy, nước ép trái cây, các loại mứt... để giảm tình trạng ùn ứ hàng hoá.