Ngay sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Hiệp định RCEP không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.
Thay vào đó nội dung quan trọng là vị trí trung tâm của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Khi chưa có RCEP, Việt Nam cũng đã có 5 FTA liên quan các thị trường 14 nước này.
Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhờ RCEP có thể đáp ứng các điều kiện về xuất xứ một cách dễ dàng để hưởng thuế suất ưu đãi, đặc biệt với các FTA song phương, đa phương lớn mà Trung Quốc chưa tham gia.
Vị tư lệnh ngành Công Thương cũng cho rằng, Hiệp định RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỉ USD.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
Đồng thời, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam...
Đối với nhóm hàng công nghệ thông tin (CNTT), ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, hiện tại, thuế nhập khẩu linh phụ kiện máy tính, vi mạch... từ nhiều nước về Việt Nam hoặc giữa các nước khác nhau đều gần như bằng 0%.
Do đó, nhóm hàng CNTT nói chung của Việt Nam xuất hay nhập khẩu không bị vướng mắc về thuế quan. Ngoài ra, đối với các nước Nhật, Hàn, Việt Nam đã có hiệp định song phương với đầy đủ ưu đãi mà RCEP cũng không qua mặt hơn.
Trong trường hợp tính gộp xuất xứ, doanh nghiệp tại Việt Nam mua linh kiện từ các nước thành viên tham gia RCEP về lắp ráp, sản xuất rồi xuất khẩu sang các nước này thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh lợi thế xuất khẩu, ông Tân cũng cho rằng, với RCEP, các công ty sản xuất sản phẩm máy tính, ti vi tại Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh nhiều hơn. Nguyên nhân là do theo lộ trình, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc như máy tính, ti vi... thuế cũng sẽ đều giảm mạnh về còn 0%.
Về phía Trung Quốc, các lãnh đạo nước này đều khẳng định, RCEP sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất toàn khối.
Trả lời báo chí ngay sau khi ký kết RCEP, ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Hiệp định RCEP sẽ giúp Trung Quốc mở rộng không gian thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng trong nước, có lợi cho việc duy trì ổn định thương mại đối ngoại và đầu tư nước ngoài, hỗ trợ đắc lực cho "cục diện phát triển mới" lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau của nước này.
Mặc dù các thông tin chi tiết về Hiệp định RCEP vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, theo tuyên bố chung của ASEAN, RCEP đưa đến thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối.