Việt Nam tham gia RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, nông sản hưởng lợi gì?
Việt Nam tham gia RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, nông sản hưởng lợi gì?
Khánh Nguyên
Chủ nhật, ngày 15/11/2020 18:25 PM (GMT+7)
Hôm nay, 15/11, Việt Nam chính thức ký kết và tham gia một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 15 nước tham gia. RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, trong đó có xuất khẩu các loại nông sản nhiệt đới.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác.
Cụ thể, RCEP có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Theo đánh giá, RCEP tạo nên một thị trường quy mô 2,2 tỷ người, GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand).
Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 26,9% tổng lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt hơn 9,8 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, cụ thể như hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD giảm 25,9%. Việc tham gia RCEP có thể thúc đẩy xuất khẩu các nông sản thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này.
Ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, người tiêu dùng của khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều quốc gia trong khối có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều coi trọng các thị trường nội khối ASEAN.
Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường ASEAN rất nhiều chủng loại hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản…). Hiện, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất.
Trong 5 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt gần 60 triệu USD, tăng đến 144% so với cùng kỳ năm 2019.
ASEAN cũng đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, năm 2019 xuất khẩu gạo ASEAN đạt 1 tỷ USD, trong đó Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong 9 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, đạt 1,81 triệu tấn và 843,48 triệu USD, giảm 3,9% về khối lượng nhưng tăng 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Singapore cũng tăng mạnh.
Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng mạnh. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,44 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nhóm hàng xuất sang Nhật thì nông thủy sản là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất với kim ngạch xuất khẩu 567,5 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, cà phê tăng 15%, hàng rau quả tăng 26,4%, hạt điều tăng 52,4%...
Với việc tham gia RCEP, hàng rào thuế quan giữa các quốc gia thành viên sẽ được giảm bớt, các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng dễ dàng hơn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường trong RCEP.
Đồng thời, RCEP sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng khiến áp lực cạnh tranh của nông sản Việt trở nên căng thẳng hơn bởi nhiều đối tác trong khu vực cũng có những sản phẩm tương đồng, thậm chí có thể phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.
Để không mất lợi thế ở RCEP, điều cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội mà RCEP mang lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.