Hiệp định RCEP: Triển vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực
Hiệp định RCEP: Triển vọng bành trướng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực
Thứ ba, ngày 17/11/2020 16:51 PM (GMT+7)
Việc ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP (không có Mỹ) có thể được xem là một chiến thắng mang tính biểu tượng của Trung Quốc. Nhưng lợi ích kinh tế trực tiếp từ hiệp định này với Bắc Kinh là không đáng kể, nhưng đem lại triển vọng bành trướng trong khu vực.
Lợi ích từ RCEP không đủ cho Trung Quốc bù đắp thiệt hại từ chiến tranh thương mại
Hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do các nước ASEAN đề xuất khởi xướng vào năm 2012 nhưng thường được Bắc Kinh xem là thỏa thuận thương mại đối trọng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mặc dù tư cách thành viên quan trọng của RCEP có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng các nghiên cứu chỉ ra hiệp định này không đủ để Trung Quốc bù đắp những thiệt hại quá lớn mà cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ gây ra.
Hồi tháng 6/2020, các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra “Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành nước hưởng lợi lớn nhất từ RCEP”, nhưng những lợi ích này vẫn không thể bù đắp được các thiệt hại từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, phân tích này cho thấy Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người thực tế của Trung Quốc khoảng 0,4% từ nay đến năm 2030, nhưng chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ khiến con số này giảm tới 1,1% nếu căng thẳng tiếp tục duy trì ở mức độ như hiện tại.
“Tuy nhiên, còn quan trọng hơn cả lợi ích kinh tế là tác động của RCEP với triển vọng bành trướng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Các hiệp định CPTPP và RCEP không có Mỹ và Ấn Độ sẽ giúp Trung Quốc loại bỏ các ảnh hưởng đối trọng và tác động đến chính sách kinh tế ở khu vực Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung”.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái bởi các nhà phân tích tại Đại học Queensland (Úc) cũng cho thấy RCEP sẽ chỉ làm tăng khoảng 0,08% GDP Trung Quốc vào năm 2030, trong khi chiến tranh thương mại có thể lấy đi của nước này 0,32% GDP nền kinh tế.
RCEP mang đến lợi ích cho Trung Quốc trên nhiều mặt trận
Tuy nhiên, bà Renuka Mahadevan, phó giáo sư tại Đại học Queensland - đồng tác giả của báo cáo này cho biết RCEP có thể mang đến cho Trung Quốc một số lợi ích khác bên ngoài những con số tăng trưởng như vậy. “Tôi nghĩ nó (RCEP) sẽ mang đến lợi ích cho Trung Quốc trên nhiều mặt trận. Nó giúp Trung Quốc hội nhập nhiều hơn với phần còn lại của Châu Á. Chúng ta cần xem xét cả những lợi ích có thể được tạo ra trong dài hạn”.
Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), một tổ chức được hậu thuẫn bởi chính phủ Bắc Kinh thì tỏ ra lạc quan hơn đôi chút về triển vọng của RCEP với nền kinh tế Trung Quốc. CASS ước tính trong vòng 10 năm tiếp theo, RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thực tế quốc gia thêm khoảng 0,22% và kim ngạch xuất khẩu quốc gia thêm 11,4% nếu lộ trình tự do hóa thương mại diễn ra theo kế hoạch.
Hai nhà kinh tế học Shen Minghui và Li Tianguo nhấn mạnh trong báo cáo của CASS: “RCEP không chỉ cải thiện môi trường ngoại thương mà còn cung cấp động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Trung Quốc”.
Liang Yixin, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc, trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin thì ước tính RCEP sẽ thúc đẩy sản lượng kinh tế quốc gia tăng 0,04% và kim ngạch xuất khẩu tăng 1,95% trong giai đoạn năm 2025.
Nick Marro, trưởng nhóm nghiên cứu thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit thì nhận định lợi ích trực tiếp với nền kinh tế Trung Quốc từ RCEP có thể là cận biên, nhưng cần theo dõi “một số diễn biến thuế quan và thương mại thú vị ở Đông Bắc Á”. “Chúng ta đang chứng kiến lần đầu tiên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau theo một hiệp định thương mại tự do”. Theo ông Marro, sự liên kết 3 thị trường này có ý nghĩa quan trọng hơn là lợi ích kinh tế trực tiếp từ hiệp định thương mại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.