Nhiều mô hình hiệu quả cao
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sản xuất NNHC đang là mục tiêu hướng đến của nông nghiệp nhiều nước nói chung và cũng là tương lai cần đạt được của nông nghiệp Việt Nam. Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109 về NNHC...
Nhận thức được vai trò của sản xuất NNHC, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã thúc đẩy sản xuất NNHC thông qua các mô hình trình diễn, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền.
Đơn cử như trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị thực hiện tại Sơn La, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên - Huế đã cho hiệu quả cao hơn lúa canh tác thông thường 12,8%.
Mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ thực hiện tại Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng và Đồng Nai, cho hiệu quả cao hơn 10 - 15% so với mô hình thông thường.
Mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thực hiện tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh cho hiệu quả cao hơn 15 - 20% mô hình thông thường. Hay mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên, cũng cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 25%.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia còn phối hợp các địa phương thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ sinh học bằng chế phẩm Biotech Japan EM và ứng dụng vào sản xuất, giúp hiệu quả kinh tế của mô hình tăng hơn 10%. Đặc biệt, mô hình trồng cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm triển khai ở Bắc Kạn, Cao Bằng cho doanh thu rất cao, 350 triệu đồng/ha/năm…
Trong chăn nuôi, khuyến nông Việt Nam đã chuyển giao các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên các đối tượng như lợn, bò sữa, dê, gà… Trong đó, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Nam Định và Quảng Bình với quy mô 1.040 con.
Mặc dù dự án thực hiện trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát, song hiệu quả mô hình rất cao. Tỷ lệ lợn nuôi sống đạt 100%, chất lượng thịt được nâng lên, giá bán cao hơn thịt lợn nuôi truyền thống từ 20-30%.
Các đại biểu tại diễn đàn đều đánh giá rất cao mô hình phát triển NNHC của Tập đoàn Quế Lâm và khẳng định, với quy mô phát triển trên cho thấy, nhận thức về nền NNHC đã góp phần làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra còn có các mô hình nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo quy trình VietGAP, triển khai ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; chăn nuôi gà VietGAPH gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; chăn nuôi lợn bản địa với các giống lợn Lũng Pù, Mán, Mường Khương...
Thành công về kinh tế, môi trường...
Theo lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, con đường mà Quế Lâm lựa chọn là luôn song hành, ủng hộ chủ trương của ngành nông nghiệp đưa ra: Một nền NNHC, nông nghiệp chia sẻ, không ai bỏ lại phía sau, và một nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì.
Theo đó, Quế Lâm luôn đổi mới công nghệ và các giải pháp để thích ứng với từng điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong trồng trọt, Quế Lâm đã hợp tác với các địa phương Sơn La, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Sóc Trăng, Long An, với các cây trồng chủ yếu như lúa đặc sản, thanh long, na, măng tây, hành tím, bưởi da xanh, lúa nếp, hồ tiêu, bơ, ngô, đậu tương, chè, cà phê…
Trong chăn nuôi, Quế Lâm hợp tác với các địa phương Sơn La, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đồng Nai, Long An với các loại vật nuôi chủ yếu gồm lợn và một số loại gia súc, gia cầm.
Năm 2020, Quế Lâm đã cùng với các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hữu cơ đa dạng trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi, tới nhiều địa phương trên cả nước.
Đã có 17/63 tỉnh, thành trên cả nước áp dụng trọn gói quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và hữu cơ trên nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây rau màu, cây công nghiệp có giá trị và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi tỉnh lại có nhiều huyện, thị, xã, thôn và có hàng trăm hộ dân tham gia, bước đầu ghi nhận thành công cả về mặt kinh tế, môi trường, thương mại, an ninh lương thực và thực phẩm.