"Đốt" cả trăm tỷ đồng làm bí, gạo, thịt heo hữu cơ
"Đốt" cả trăm tỷ đồng làm bí, gạo, thịt heo hữu cơ, vẫn chưa biết khi nào sẽ có lời
Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 22/11/2020 13:34 PM (GMT+7)
Vài năm đầu tiên đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, tính sơ sơ Công ty Hải Âu của ông Trần Phong Lan đã "đốt" gần 40 tỷ đồng. Giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường, xây dựng hệ thống, công ty "đốt" tiếp 30 tỷ đồng.
Trong những ngày hoạt động đầu tiên (21 - 22/11) tại một không gian giữa trung tâm quận 1, TP.HCM, phiên chợ "Organic Town - GIS Market", chuyên về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhộn nhịp người tham quan, mua sắm.
Thế nhưng ít ai biết, để có được bó rau, trái bí, thịt heo organic phải trải qua muôn vàn gian nan, thậm chí sau gần chục năm, các doanh nghiệp vẫn đang phải "ôm" lỗ cả trăm tỷ đồng.
"Con đường trước mắt cũng không biết tới đâu"
Ông Trần Phong Lan - Giám đốc Công ty CP phát triển nông nghiệp Hải Âu, một doanh nghiệp nổi lên gần đây với trái bí đậu đạt chuẩn organic của Nhật Bản và được người tiêu dùng đón nhận tốt, nhưng ông thẳng thắn nói về số tiền đã "đốt" trong 7 năm qua, kể từ khi bước chân vào con đường làm nông nghiệp hữu cơ.
"Tôi làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, chỉ riêng khoản đầu tư cho vài năm đầu tiên tính sơ sơ đã đốt gần 40 tỷ đồng. Con đường trồng rồi đưa tới cho khách hàng rất vất vả. Giai đoạn 2017-2018, để đưa được nông sản hữu cơ ra thị trường, xây dựng hệ thống, tôi đã đốt tiếp hơn 30 tỷ đồng. Con đường trước mắt cũng không biết tới đâu", ông Lan ngậm ngùi trải lòng.
Ông Lan cho biết, trong một lần tại hội chợ Thái Lan cách đây khoảng 20 năm, ông hết sức ấn tượng với những trái bí, dưa organic tại đây. Ông bắt đầu nhen nhóm bước chân vào con đường này nhưng khi đã vào rồi mới thấy không dễ.
"Để có đất làm organic, phải để đất khoảng 3 năm không phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, phải đợi đất được chứng nhận. Đây chỉ là chuẩn bị đất thôi chứ chưa đến bước trồng nữa", ông Lan thông tin.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo cũng trải lòng về chuyện làm gạo organic.
Ông Bình kể, năm 2015, công ty quyết định mua 800 ha đất trồng tràm để làm lúa hữu cơ. Đến nay, tổng diện tích làm lúa hữu cơ của Trung An chỉ bằng 1/8 so với diện tích đất tràm đã mua, phần còn lại canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP nhưng tổng số tiền đầu tư đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngay cả ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Công ty CP Vinamit, cũng cho biết một số nông trại theo chuẩn organic đầu tiên của công ty làm từ năm 2003, tức đến nay đã 17 năm nhưng vẫn chưa thể có lời.
Tuy vậy, ông cho rằng, gần đây, thực phẩm sạch, nông sản organic có nhiều điểm sáng hơn đối với chính Vinamit lẫn các doanh nghiệp trong ngành.
Có nên startup nông sản hữu cơ?
Là những tên tuổi lớn, có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp này phải thẳng thắn thừa nhận làm organic không dễ, nếu không muốn nói là một cuộc chơi "đốt tiền". Vì vậy, chia sẻ quan điểm startup, đặc biệt là giới trẻ có nên khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ, các doanh nhân cho rằng nên thận trọng.
"Tôi đã làm giám khảo cho nhiều cuộc thi khởi nghiệp, có nhiều dự án organic nhưng tôi luôn bàn ra với các thí sinh. Không phải tôi sợ các bạn giỏi quá, cạnh tranh với tôi nhưng tôi đi qua rồi tôi hiểu. Các bạn khởi nghiệp vốn nhỏ phải vay mượn, tích cóp để khởi nghiệp nhưng ngành này không dễ có được lợi nhuận nhanh chóng" - ông Trần Phong Lan bày tỏ.
Ông cho rằng thực tế đã có rất nhiều người phải phá sản, ngay cả những người có ý tưởng rất tốt. Nếu chỉ xuất phát với nguồn vốn thấp mà nhảy vào làm organic rủi ro rất cao. "Các bạn khởi nghiệp ý thức được organic là rất tốt nhưng khởi nghiệp bằng ngành này phải cân nhắc kỹ", ông nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - ông Phạm Thái Bình, cho rằng nếu muốn có lời ngay với nông nghiệp hữu cơ là không thể. Ngoài ra, để rút ngắn quá trình thu hồi vốn cần phải đầu tư, xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản, đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, đây lại là một thách thức không hề nhỏ với các startup trẻ, bởi vốn liếng về kinh nghiệm lẫn tài chính còn eo hẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.