Dân Việt

Hậu thực thi Hiệp định ATIGA: Mía đường Sơn La thời hội nhập

Văn Chiến 24/11/2020 09:05 GMT+7
Vị ngọt từ những nương vườn trồng mía trên đất Sơn La 2 thập kỷ qua đã giúp hàng ngàn hộ nông dân ở vùng cao này bứt phá vươn lên, ổn định cuộc sống và tạo bước làm giàu. Nhưng nay, cây mía sau 11 tháng thực thi Hiệp định ATIGA liệu có còn đem lại vị ngọt cho người nông dân trồng mía?

LTS: Loạt bài ghi nhận về những khó khăn của ngành mía đường, của người nông dân trồng mía, doanh nghiệp mía đường trên nhiều vùng miền sau hơn 11 tháng thực thi Hiệp định ATIGA. Và hôm nay là loạt bài về mía đường Sơn La hậu thực thi Hiệp định ATIGA là những sự xáo trộn trong đời sống của người nông dân trồng mía. Từng là một ngành giúp cho không ít người dân của Sơn La vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nay hội nhập với thuế suất thuế nhập khẩu theo Hiệp định ATIGA bằng 5%, cây mía ở Sơn La liệu có còn vị ngọt ngào như trước?

Cây mía là cây trồng chủ lực của Sơn La

Đến với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La những ngày cuối tháng 11, cảm nhận được không khí lao động sôi nổi trong, khẩn trương của Nhà máy chế biến sau một kì nghỉ giữa niên vụ. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường Sơn La, người gắn bó với Công ty từ ngày đầu thành lập, cho biết: Chúng tôi đang khẩn trương làm công tác chuẩn bị cho vụ thu mua, chế biến mới. Quan điểm xuyên suốt của Công ty là không để người dân phải tồn đọng nông sản nên tần suất hoạt động của Nhà máy rất cao. Do đó chúng tôi phải làm công tác chuẩn bị thật tốt để khi mở máy ép dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục, ổn định.

Mía đường Sơn La thời hội nhập - Ảnh 1.

Cây mía từng là cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở Sơn La.

Cuối những năm 90 và đầu năm 2000 vừa qua, cây mía trở thành cây trồng có sức cạnh tranh chủ lực trên đất Sơn La. Ngoài cây ngô lai thì cây mía là cây có sức lan toả nhất. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến Mía đường Sơn La, tâm sự: Ngày trước, cây mía lan toả khắp những địa bàn thuận lợi quanh nhà máy. Lúc cao nhất, diện tích mía lên tới hơn 9.300ha và bán kính vùng nguyên liệu xa nhất chỉ trong khoảng 25km so với Nhà máy. Đi dọc Quốc lộ 6, từ đầu huyện Mai Sơn tới huyện Yên Châu, chỗ nào cũng có thể nhìn thấy những nương mía tươi xanh bạt ngàn. Cây mía ngày ấy từng là điểm tựa để xoá nghèo, vươn lên của hàng chục ngàn hộ nông dân các dân tộc: Thái, Kinh, Khơ Mú, Sinh Mun, Mông, Mường…

Ông Lò Văn Liên, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã Cò Nòi, nơi từng là thủ phủ của cây mía ở tỉnh Sơn La, tâm sự: "Nhà máy mía đường ở ngay sát Cò Nòi nên nông dân trong xã chúng tôi được sự hỗ trợ sản xuất và thu mua nông sản rất thuận lợi. Chừng gần 20 năm về trước thì cây mía là 1 trong 2 cây trồng cho thu nhập cao nhất của vùng này. Cây Ngô lai ngày ấy đứng số 1 và cây mía đứng số 2 cả về diện tích, số hộ tham gia cũng như tần suất tăng trưởng hàng năm. Những năm đó, cán bộ xã ở đây, Nông trường Tô Hiệu ở đây, những hộ có điều kiện khá giả tới những hộ khó khăn đều cố gắng để có ít nhất vài ngàn m2 mía. 

Mía đường Sơn La thời hội nhập - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tài, giám đốc Nhà máy Chế biến – Công ty Cổ phẩn Mía đường Sơn La trao đổi với pv báo NTNN về những thăng trầm của cây mía trên đất Sơn La

Những hộ làm ăn lớn có tới cả 7-8 ha mía. Mùa thu hoạch mía ở đây vui như đi hội, bà con đổi công chặt mía cho nhau, nhộn nhịp và vui lắm. Khi cây ngô lai mất dần vị thế thì cây mía cũng bị cạnh tranh khốc liệt bởi các cây ăn quả nên những mặt bằng tốt nhất quanh vùng bây giờ cây mía khó đứng chân được. Nhưng nói gì thì nói, xã Cò Nòi trở thành xã Anh Hùng Lao Động trong thời kì đổi mới; bản thân tôi được phong tặng Anh Hùng Lao động, hay như hàng trăm ngôi nhà xây cao tầng, ô tô, trang trại cây ăn quả thu nhập cao ở Cò Nòi này trong thời kỳ vừa qua, đều có sự đóng góp từ vị ngọt của cây mía đấy".

Đến với bản Nong Te (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La) chúng tôi được "mục sở thị" những nương mía xanh tốt, cây cao, thân mình mập mạp. Đây là một trong những bản "giàu" diện tích mía nhất xã Cò Nòi. Cả bản có hơn 130ha mía. Ông Lò Văn Hào là một trong những người đầu tiên trồng mía ở bản Nong Te. Gia đình ông bắt đầu trồng mía từ năm 1997. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ ông "quay lưng" lại với cây mía. Có thời điểm, giá mía còn 800 đồng/kg nhưng ông nhất quyết không chặt bỏ, trái lại mỗi năm còn trồng thêm một ít.

Mía đường Sơn La thời hội nhập - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân ở Sơn La có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng mía.

"Cây mía giúp gia đình tôi có cuộc sống no ấm hơn..."

Ông Hào cho biết: Những năm đầu trồng mía, thu nhập tuy không cao nhưng đầu ra ổn định. Vào vụ thu hoạch, Công ty đánh cả xe ô tô đến thu mua. Từ năm 2006 trở đi, giá mía tăng dần qua các năm, kéo theo số hộ dân trong bản đăng ký trồng mía cũng tăng đột biến. Được công ty hỗ trợ giống, phân bón... và bao tiêu sản phẩm, bà con dân bản ai cũng vui mừng, phấn khởi, yên tâm trồng, chăm sóc thâm canh diện tích mía của gia đình. Gần 10 năm trở lại đây, cây mía trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con dân tộc Thái ở bản Nong Te.

"Hiện nhà tôi có hơn 3 ha mía, năng suất đạt từ 90 – 100 tấn/ha. Bán cho công ty với giá 850 đồng/kg như hiện nay cũng thu khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phi còn lãi gần 150 triệu đồng. Cây mía đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ấm no hơn..." – ông Hào vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Văn Tài lí giải thêm: Cây mía ở Sơn La không chỉ đơn thuần là một cây trồng cho thu nhập ổn định với nông dân mà nó còn là cứu cánh với nhiều hộ nông dân nghèo, ít vốn sản xuất. Vì thế, mía bây giờ là cây trồng của những hộ dân vùng khó khăn, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Người trồng mía không những giảm được vốn đầu tư mà thời gian chăm sóc cho cây mía cũng không cần nhiều. Do đó, bà con có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm nhiều nghề khác, tăng thêm thu nhập: Đi làm thuê, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Những diện tích đất sản xuất khô cằn, tầng canh tác mỏng, đất bạc màu do rửa trôi… khó có thể đầu tư cây trồng khác nhưng với cây mía thì vẫn được.

"Chúng tôi đầu tư phân bón đã qua khảo nghiệm cho bà con chăm sóc nương mía nên cây mía luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Mặc dù có sự cạnh tranh rất mạnh giữa các cây trồng trên địa bàn Sơn La, song với tính ổn định về đầu ra và thu nhập, diện tích cây mía giảm không đáng kể. Trong gần 2 thập kỉ phát triển, hơn 10.000 hộ dân trong tỉnh vẫn tin tưởng và lựa chọn cây mía g là nguồn sống chính, tuy nhiên diện tích trồng mía ngày càng xa nhà máy hơn, địa hình ngày càng phức tạp hơn" – ông Tài nhấn mạnh.