Giá mía không đủ bù chi phí, giọt nước mắt mặn chát trên cánh đồng mía
Hậu thực thi Hiệp định ATIGA: Giá mía không đủ bù chi phí, giọt nước mắt mặn chát trên cánh đồng mía
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 23/11/2020 07:44 AM (GMT+7)
Mặc dù giá mía tăng hơn năm trước nhưng người dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) - nơi có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL vẫn không có lợi nhuận.
LTS: Hơn 10 tháng bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN theo Hiệp định ATIGA, ngành mía đường Việt Nam thực sự lâm vào khó khăn. Đường nhập khẩu tăng vọt cùng với tác động của Covid-19 khiến cho lượng đường sản xuất trong nước tiêu thụ giảm mạnh, tạo thành tác động kép khiến cho 1/3 nhà máy đường phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp mía đường khác đang đứng trước nguy cơ phá sản. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân trồng mía khi giá mía thì sụt giảm, doanh nghiệp mía khó khăn nên không còn hỗ trợ được nông dân trồng mía. Nhiều vùng nguyên liệu mía bắt đầu thu hẹp lại diện tích, đe doạ trực tiếp đến ngành đường và những nông dân trồng mía.
Làm thế nào để hỗ trợ được người nông dân trồng mía trong môi trường hội nhập là câu hỏi đang được cơ quan quản lý tìm lời giải. Để tìm lời giải này, ngày 1/12 tới Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại dưới sự phối hợp chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới". Để có được một giải pháp thực sự cho ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập, Báo điện tử Dân Việt đã thực hiện loạt bài về ngành mía đường sau 10 tháng thực thi ATIGA để từ đó có kiến nghị về giải pháp sao đời sống người nông dân trồng mía không bị ảnh hưởng, mía ngọt không thành đắng chát như thời gian vừa qua.
Hoà vốn do nhiều nguyên nhân
Những ngày này, người dân ở huyện Phụng Hiệp đang bước vào vụ thu hoạch mía. Cũng như các vụ thu hoạch mía trước, người dân đều không vui vì phần lớn không thu được lợi nhuận dù giá mía có tăng hơn vụ trước.
Khi hỏi về lợi nhuận trồng mía, ông Trần Văn Dũng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp cho hay, ông trồng mía ROC16 được 1,5ha. Gần 1 tháng qua, mía bị ngập nước nên khi nhà máy mía đường ở địa phương bắt đầu có hoạt động thu mua thì ông liền bán.
Tuy nhiên, theo tính toán của ông Dũng, vụ mía này ông tiếp tục không có lợi nhuận dù nhà máy mía đường mua ở mức giá 820 đồng/kg (cùng kỳ năm trước dưới 750 đồng/kg). Nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao, giá thuê nhân công thu hoạch tới 200 đồng/kg, còn năng suất mía thì bị giảm 20% do nước ngập. "Phải chi bán hết mía rồi mà còn dư thì bà con mừng lắm" - ông Dũng nói.
Nông dân Lý Văn Lanh ở ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết, có gần 6ha mía trồng giống ROC 16 và KK 3. Với giá mía thu mua hiện tại thì ông và bà con trồng mía ở cùng địa phương không có lời.
Người nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) - nơi có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn
"Chi phí đầu tư cho vụ mía năm nay tăng hơn năm trước, ước tính hơn 800 đồng/kg. Nguyên nhân là ngoài những chi phí đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, giống mía như mọi năm thì tôi còn tốn thêm một khoản không nhỏ tiền mua xăng, dầu để bơm nước chống ngập từ ruộng mía ra bên ngoài", ông Lanh giải thích.
Nông dân Nguyễn Thị Sương, ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp thì cho biết, nhân công thu hoạch mía ngày càng khan hiếm nên khi vào vụ thu hoạch rộ giá tăng cao. Với giá bán, năng suất và chi phí nhân công thu hoạch như hiện nay, đa phần người dân trồng mía đều không có lãi.
Do chi phí thuê nhân công thu hoạch cao hơn mọi năm, có nơi lên đến 250 đồng/kg hoặc 300 đồng/kg (vào mùa thu hoạch rộ) nên nhiều người nông dân trồng mía đã nghĩ ra cách "dần công".
"Chi phí nặng quá, đặc biệt là giá nhân công thu hoạch. Do đó, buộc lòng anh em trồng mía chúng tôi phải liên kết dần công lại mà làm để có được ít thu nhập, chứ nếu mướn nửa thì còn đâu mà ăn", anh Lâm Trọng Hữu ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp chia sẻ.
Khẩn trương thu hoạch
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha mía bị ngập với mực nước ngập từ 5-40cm, trong đó, thiệt hại dưới 30% là trên 122ha. Hiện nhiều diện tích có hiện tượng đỏ lá nếu không kịp thu hoạch hoặc bán kịp người dân sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: "Ngành nông nghiệp đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía như đề nghị nhà máy đường thu mua mía và thu hoạch một cách tập trung. Ngành nông nghiệp huyện cũng sẽ phối hợp với các địa phương để lo về vấn đề nhân công thu hoạch mía, vận động bà con dần công cho nhau để giải quyết vấn đề thiếu nhân công trước mắt".
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2019-2020, nông dân toàn tỉnh xuống giống được gần 5.400ha mía, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp với hơn 5.000ha; diện tích nhỏ còn lại là ở thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Các giống mía được nông dân trồng phổ biến trong vụ này là ROC 16, một số giống mía thuộc nhóm K và giống Suphan Buri 7.
Ngoài diện tích mía bán cho Nhà máy đường Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 1.500ha (chủ yếu trồng giống mía ROC 16) được người dân thu hoạch bán cho thương lái chở đi tiêu thụ tại nhiều nơi làm nước giải khát.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, Nhà máy đường Phụng Hiệp của công ty này đang khẩn trương thu mua mía của người dân. Đến thời điểm này, Casuco đã ký kết hợp đồng bao tiêu mía cho người dân trên địa bàn tỉnh được hơn 1.000ha. Về giá thu mua mía vào đầu vụ thu hoạch tới đây là 820 đồng/kg, riêng chi phí vận chuyển mía từ rẫy về nhà máy đường sẽ do Casuco chi trả.
Hiện bộ phận chuyên môn của Casuco đang phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương có vùng mía tiến hành rà soát lại những diện tích mía để có kế hoạch ưu tiên thu hoạch, không để người dân tiếp tục gặp khó khăn nhiều do nước ngập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.