Tôi không đi tìm sự đúng - sai; mà điều tôi đau đáu là: Vì sao một học sinh được chính các thày, cô giáo nhận xét trong học bạ là "ngoan hiền lễ phép", nhiều năm liền có học lực giỏi, thậm chí là đứng đầu lớp lại phải chọn làm điều cay đắng là tự vẫn khi sụp đổ niềm tin vào chính những người mà "em từng rất hâm mộ".
Tôi đọc về quá trình xoay quanh mối quan hệ giáo viên và học sinh.
Tôi suy xét các "sai lỗi" mà nhà trường đưa ra để phán xét, kỷ luật.
Tôi đã lắng nghe em học sinh cất lên tiếng nói phản biện.
Qua tất cả những bước này cùng những lời văn, con chữ của nhà trường, giáo viên và học sinh… thì thấy em học sinh đến khi chọn cái chết vẫn mang trong mình quá nhiều ẩn ức.
Nếu theo chiều thông tin từ phía nhà trường thì ẩn ức ấy bắt nguồn từ sự việc rất đơn giản: Em học sinh đi xe máy phân khối lớn, mặc áo dài mỏng lộ nội y. Từ sự việc này, em đã bị cô giáo trách mắng, nhà trường áp dụng các biện pháp kỷ luật.
Do không "tâm phục khẩu phục" với cách hành xử của nhà trường và giáo viên, em học sinh này "vi phạm" thêm một lỗi khác là sử dụng điện thoại để "ghi âm lén" lời cô giáo với mục đích dùng để phản biện nhà trường và cô giáo.
Tiếp theo đó, em học sinh này đã dũng cảm cất lên tiếng nói phản biện. Nhưng đáng tiếc thay, nhà trường và giáo viên đã không lắng nghe. Thay vào đó, nhà trường và giáo viên tiếp tục áp đặt các biện pháp kỷ luật cứng rắn, khắt khe hơn.
Đây chính là giọt nước tràn ly, đẩy em học sinh vào bước đường cùng.
Thật may, em học sinh ấy đã không chết.
Lời phản biện của em học sinh ấy đã gióng lên và xã hội lắng nghe.
Tôi không dám kết luận lời phản biện của em học sinh ấy là đúng hay sai. Nhưng hãy xem xét những kết luận sau phản biện - kết luận ấy đến từ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh An Giang trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo và UBND tỉnh An Giang. Báo cáo có nội dung đại ý: Nhà trường, hiệu trưởng và giáo viên có sự nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp với quy định hiện hành, không đúng với quy định của ngành, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh…
Ngoài ra, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh An Giang nhận định nhà trường sai sót khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành.
Từ một đốm lửa nhỏ, chính nhà trường và giáo viên đã gây ra đám cháy lớn: Một em học sinh suýt nữa đã phải trả giá bằng cái chết. Hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường đã bị đình chỉ công tác, cô chủ nhiệm bị lên án vì sự vô cảm… Xót xa hơn thế là niềm tin học trò và cộng đồng đối với một phận giáo viên, trường học - thậm chí là đối với ngành giáo dục đã thêm một lần nữa bị xói mòn và lung lay.
Mới đầu năm học, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có một thông tư về giáo dục tiểu học, trong đó đáng chú ý là quy định không được phê bình học sinh công khai trước lớp, trước trường. Tôi không rõ liệu các cấp học lớn hơn có những quy định tương tự hay không. Và nếu có một quy định như thế, liệu nó đã đủ sức khiến thầy cô thay đổi, hay chỉ như một quy định trên giấy?
Giáo dục không cần sự ép buộc, sự sợ hãi, mà cần sự thuyết phục, cần lòng tin. Nhất là với lứa tuổi vị thành niên đầy biến động.
Hai chữ "sụp đổ" trong bức thư tuyệt mệnh đã thực sự là hồi chuông cảnh báo.
Có lẽ sau đây, việc đúng - sai sẽ có các cơ quan chức năng xử lý.
Nhưng tôi cho rằng có một việc vô cùng quan trọng và ý nghĩa đó là: Khôi phục niềm tin.
Liệu có cách nào để xây dựng lại niềm tin với giáo viên, nhà trường và ngành giáo dục trong chính trái tim của em học sinh vừa tìm đến cái chết vì hình tượng "người hâm mộ" sụp đổ?
Tôi tin là có và nền tảng cho niềm tin ấy nằm ngay trong 2 chữ "Giáo dục".
Khi trao đổi về vấn đề này, một anh bạn người nước ngoài nói với tôi đại ý rằng: Quan điểm giáo dục tiến bộ rất đơn giản:
Học sinh dốt. Dốt thì mới phải học, chứ học sinh giỏi rồi thì đi học làm gì.
Học sinh làm bài sai hoặc làm điều sai. Vì học sinh sai mới cần đến giáo viên, nhà trường cùng gia đình giáo dục, dạy dỗ; chứ đúng hết rồi thì cần giáo viên và nhà trường làm gì.
Nói như vậy để thấy rằng: Vai trò của giáo viên, nhà trường quan trọng và giá trị đến nhường nào trong sự nghiệp trồng người.
Sẽ không dễ dàng khi sau đây em học sinh ấy tiếp tục đến trường. Nơi ấy đang có những giáo viên mà em từng phải lấy cái chết để cất lên tiếng nói phản biện về cách hành xử không phù hợp.
Có một câu ngạn ngữ: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Em học sinh ấy phải đứng dậy từ chính nơi em khụy xuống. Và đương nhiên, nhà trường và giáo viên cũng phải khôi phục và xây dựng lại niềm tin từ chính nơi trái tim em học sinh sụp đổ.
Nhưng tôi cho rằng sẽ cần nhiều hơn thế. Ngay cả nếu việc em học sinh chọn cái chết là sự bồng bột thì hơn ai hết, nhà trường và thầy cô cần dang rộng vòng tay bao dung và chân thành để đón nhận lại em.
Như con chim đã bị trọng thương và sợ hãi cành cong, nếu giáo dục mà không có lòng vị tha và nhân ái thì niềm tin ấy sẽ bay đi mãi.
Điều cần thiết ở đây không chỉ là một cách hành xử, mà phải là một quan điểm giáo dục. Nghiêm khắc nhưng không phải dọa nạt, hình phạt nhưng phải xuất phát từ sự xây dựng, yêu thương, chỉ có thế mới khuyến khích học sinh tự tin, trưởng thành bằng phẩm cách. Và niềm tin vào giáo dục mới không "sụp đổ", xói mòn.