Khi hoa hậu lộ comment "vờ cờ lờ"...

Phan Mỹ Hà Thứ ba, ngày 24/11/2020 19:40 PM (GMT+7)
Chuyện tân hoa hậu Đỗ Thị Hà bị "soi" những bình luận viết tắt kiểu "vcl, dm, vl…" trên FB cá nhân khiến nhiều người phản đối cô. Tuy nhiên, từ góc nhìn của giới trẻ thì dường như chúng ta phải chấp nhận nó như một thực tế, và rộng hơn, như một hậu quả từ ứng xử của người lớn.
Bình luận 0

Dường như bây giờ ở bất cứ nơi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp những câu nói tục chửi thề. Người thường xuyên sử dụng phần đông là các bạn trẻ, thậm chí các bạn nhỏ mới đầu cấp một. Không chỉ cánh nam giới, mà nhiều bạn nữ cũng hưởng ứng "phong trào" này một cách nhiệt tình.

Những tiếng chửi thề đôi khi được biến tướng đi cho "nhã" hơn, kiểu "định mệnh", "đậu xanh", nhưng người nghe biết ngay nghĩa chính xác của từ đó và ý người đó muốn diễn đạt - tức là chửi thề đã thành "quen tai" từ mạng xã hội cho đến đời thực rồi. Những cụm từ viết tắt từ các từ bậy, từ tiếng chửi thề không còn xa lạ trên mạng xã hội. Một fanpage trên Facebook có tên "Chửi thuê" chuyên dùng những câu chửi thề có tới hơn 2 triệu lượt thích và theo dõi. Mỗi bài viết có đến hàng chục ngàn lượt thích, và hàng trăm lượt chia sẻ. 

Tôi ngồi bắt chuyện với một cô bé học cấp ba, hỏi bạn ấy cảm nhận như thế nào khi  ở lứa tuổi của bạn ấy dùng những câu chửi thề hoặc dùng từ đệm nhiều như vậy, bạn ấy nói rằng: Chị quan tâm làm gì, bọn em nói "đẹp vãi xxx" thì cũng chỉ như là "rất đẹp" thôi...

Các bạn học sinh bây giờ, không dùng từ đệm trước mặt ông bà, bố mẹ và những người lớn tuổi mà thôi, nhưng trong các nhóm chat, hay nói chuyện riêng với nhau, thì buông ra không thiếu từ gì, cứ thử tình cờ đọc một đoạn chat của con mà xem. Ngay cả ở trong trường, khi không có mặt thầy cô cũng vậy, chứ không phải chỉ ra khỏi cổng.

Chị bạn tôi bảo, từ hồi con chị học lớp Ba, chị đã phải nói chuyện với con về từ bậy. Ở trường cấp một, có những bạn dùng những từ đệm, con thắc mắc, chị đã phải nói để  con biết rằng, trên đời có những từ như thế, nó là một phần của ngôn ngữ, nhưng người ta cần phải dùng đúng lúc, ví dụ như khi rất bức xúc, tức giận, khi đã lớn, còn trẻ con thì không nên dùng. Giờ con chị học lớp 8, cơ bản là không dùng từ đệm. Tất nhiên là sẽ dùng "vãi", nhưng "vãi" gì thì không nói tiếp.

Ngày xưa, hồi mới ra trường đi làm, tôi cũng ghét những người nói bậy, thậm chí tỏ thái độ khó chịu khi nghe mọi người xung quanh đệm đủ thứ. Tôi không quen, nhưng rồi cũng phải chấp nhận và nhìn nó một cách hài hước hơn. Biết làm sao được, thà chúng ta nhìn nó một cách hài hước còn hơn là để mình lúng túng ngớ ngẩn trong nhiều tình huống xung quanh. Và đành coi đó như nó là một phần của cuộc sống xung quanh.

Khi hoa hậu lộ comment "vờ-cờ-lờ" - Ảnh 2.

Một bức ảnh chế về biến thể của các từ đệm viết tắt đang được lan truyền trên mạng xã hội như một sự thể hiện hài hước về vẻ phong phú của ngôn ngữ.

Tôi rất không thích các cháu cấp 1,2, cả cấp 3 nữa nói bậy. Nhưng khi người lớn còn buông đủ thứ, thì đừng trách trẻ con. Bất cứ ở đâu ngoài đường, ngồi quán nước, trong siêu thị, đang lái xe, kể cả trong cơ quan, người lớn cũng buông ra đủ thứ, trách trẻ con thế nào. Ít nhất, các bạn trẻ không nói công khai trước mặt người lớn, cũng là một sự tôn trọng người lớn rồi.

Và các bạn ấy viết tắt, tuy rằng chúng ta ai cũng hiểu nó có nghĩa gì, nhưng tạm thời chấp nhận là "vãi lúa" đi, "đạp con mèo" đi, cho đời dễ chịu. Nếu các bạn ấy biết là chỉ nên dùng từ bậy đó trong bối cảnh nào, thì cũng đã là tốt. Ít nhất là các bạn ấy biết cái gì, ở đâu là hợp lý.

Nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề, và nhất là tự sửa mình, sửa môi trường ô nhiễm từ không khí đến văn hoá thẩm mỹ xung quanh, hơn là bới móc từng cái còm, từng cái tút ra mà dạy dỗ. Nhất là sau khi cuộc thi hoa hậu kết thúc, thì trên Facbook có những người trong đăng đàn lên án, bới móc những comment rất cũ của em ấy để chỉ trích, tôi thấy buồn cười. 

Trong cuộc sống này, ai cũng sẽ có một thời nông nổi. Quan trọng là sau khi đăng quang, em ấy sẽ hoàn thiện bản thân hơn, cẩn thận lời ăn tiếng nói hơn. Đứng ở góc nhìn của một người làm báo như tôi, bảo là tôi bao dung hoặc tôi dễ tính cũng được.

Tôi không bao giờ cổ xuý cho hành động nói tục, chửi thề. Cũng không ủng hộ những điều đó. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn có những chia sẻ về góc nhìn nhận vấn đề của một người trẻ tuổi mà thôi. Bởi vốn dĩ trước khi là hoa hậu, Đỗ Thị Hà cũng chỉ là đứa trẻ thế hệ 2k, cũng là một người bình thường trong hàng triệu đứa trẻ 2k bình thường,  hồn nhiên và sống thật vậy là đáng quý. Đừng bới móc những gì đã qua để đánh giá nhân phẩm của một con người hiện tại.

Cũng có thể, giới trẻ bây giờ nói bậy, chửi thề là do các em thấy người xung quanh nói nhiều, lại không được ai nhắc nhở rằng việc đó là sai trái, nên cứ quen miệng học theo. Nói tục, chửi bậy chắc chắn phản ánh một phần nào đó về văn hóa của mỗi người, nhưng không thể vì thế mà kết luận rằng các em có tư tưởng bệnh hoạn, thiếu đạo đức. Hiện tượng này là do thói quen đa phần không thuộc về bản chất, ý thức của các em học sinh. Tuy nhiên, để bỏ hoàn toàn thói quen "dân dã" này sẽ cần một thời gian thay đổi, nếu chúng ta thực sự muốn hạn chế những phát ngôn không đúng lúc đúng chỗ kiểu đó.

Theo giới nghiên cứu, sở dĩ thế hệ ngày xưa không có nhiều người có thói quen nói tục, chửi bậy là vì con người thời ấy được giáo dục kỹ lưỡng, cả ở trong và ngoài gia đình. Xã hội gồm đa số gia đình gia giáo, tôn ti trật tự, phận vị, thứ bậc rất rõ. Người dưới không được văng tục, hỗn hào, quát nạt người trên. Các bậc cha mẹ hằng ngày rèn con vào khuôn phép, từ cách ăn đến tác phong sinh hoạt, khuôn thước ứng xử. Thầy cô giáo thực sự là những tấm gương mẫu mực… Ngày nay, cuộc sống hiện đại, nhịp sống nhanh, gấp gáp, con người chịu nhiều áp lực hơn và trong nhiều trường hợp, việc nói tục  chửi bậy còn là cách để giảm stress.

Trong buổi trả lời phỏng vấn, Đỗ Thị Hà cũng đã giãi bày cho những comment của mình trên trang cá nhân : "Tôi đã nói những lời này khi còn là một cô bé ngây ngô, không biết kiểm soát về phát ngôn. Tôi biết mình chưa hoàn hảo, tuy nhiên, ngay khi bắt đầu bước vào Hoa hậu Việt Nam, tôi đã ý thức việc phải giữ gìn lời ăn tiếng nói". Đỗ Thị Hà cho biết cô đã "dọn dẹp" trang cá nhân của mình khi đi thi hoa hậu. Tuy nhiên, cô không khóa Facebook vì không nghĩ sẽ đăng quang. Ngoài ra, cô nghĩ những bức ảnh lưu niệm thời đi học của mình không có gì nhạy cảm.

Với tôi mà nói, tục hay không thì cũng tùy theo quan niệm của mỗi người, ở mỗi vị trí, góc nhìn khác nhau. Tùy vào từng hoàn cảnh và điều đó không thể hiện được gì về bản chất của mỗi người. Có nhiều người nói bậy nhưng không làm bậy, cũng có những người chẳng bao giờ thốt ra một lời bậy bạ nhưng tâm lại rất bậy bạ. Chúng ta đừng dựa vào đó để phán xét, đánh giá người đối diện. Hãy có cái nhìn vị tha, hãy tự hoàn thiện bản thân của mình trước khi lên mạng chỉ trích một người khác.

Và cuối cùng, tất cả những thứ từ đệm từ bậy đấy, đối với tôi, không đáng lên án bằng những bình luận đầy kỳ thị giới tính mà người lớn buông ra với cô hoa hậu, kiểu ngực lép, răng hô, tăng giá... Những bình luận không chỉ cho cô hoa hậu, mà cho bất kỳ cô bạn nào, người phụ nữ nào đăng ảnh lên Facebook, một kiểu đùa nhả nhớt mà lâu này dễ bị bỏ qua, khi người ta cho mình quyền được đem người khác ra làm trò đùa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem