Dân Việt

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: "Tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân là chủ thể doanh nghiệp là tiên phong"

PV 25/12/2020 11:01 GMT+7
Tại Tọa đàm kinh tế Việt Nam 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và Một Việt Nam hùng cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã nêu ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 cận kề.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển nhận định năm 2021 là năm mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội.

Đầu tiên, nghị quyết Đại hội Đảng XIII với sự chuẩn bị đầy đủ cả về văn kiện và nhân sự sẽ là một trong những động lực mới thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên. Niềm tin vào Đảng được củng cố sau công cuộc chống tham nhũng, chống ma túy… tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước.

Quá trình chuyển đổi số đã khởi động trong năm 2020 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021, mở ra cơ hội tiếp theo cho nền kinh tế. Đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, giúp quản lý hiệu quả quá trình logistic vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Qua đó đưa “Nông dân trở thành trí thức, trí thức cũng là nông dân”, theo như quan điểm của Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng. Tiêu biểu như Sơn La hiện đang là trung tâm cây ăn quả lớn của miền Bắc nhờ trình độ sản xuất ngày một cao của nông dân cũng như thị trường cơ cấu nông nghiệp.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói về 3 thách thức của kinh tế Việt Nam 2021  - Ảnh 1.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu tại Tọa đàm kinh tế Việt Nam 2021 do báo Nông thôn Ngày nay - Điện tử Dân Việt tổ chức hôm 25/12

Theo ông Trương Đình Tuyển, cơ hội lớn thứ ba cho nền kinh tế trong năm 2021 là việc 14/16 FTA hiện đã chính thức có hiệu lực, mở ra thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt cho mặt hàng nông sản. 59 dòng thuế giảm xuống mức 0, chủ yếu là các dòng thuế xuất khẩu, tạo điều kiện đặc biệt cho xuất khẩu nông lâm thủy sản. Để tận dụng được lợi thế này, chính phủ cần vào cuộc tạo điều kiện tối ưu cho người nông dân. Ví dụ, với mặt hàng cây gỗ, gỗ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn nhất là gỗ trên 7-8 tuổi. Tuy nhiên, người dân hiện chủ yếu khai thác gỗ ở độ tuổi 4-5 năm, khôn tạo ra hiệu quả kinh tế và giá trị tối ưu. Do đó, nhà nước cần kéo dài chu kỳ vay vốn hoặc có biện pháp hỗ trợ để người dân không chặt gỗ sớm, tạo ra giá trị cao hơn.

Trong khuôn khổ Tọa đàm kinh tế Việt Nam 2021, ông Trương Đình Tuyển cũng chỉ ra nhiều thách thức bên cạnh những cơ hội lớn cho nền kinh tế.

Môi trường kinh tế quốc tế nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung tiếp diễn sẽ gây áp lực cho nền kinh tế trong nước. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào năm sau thay thế Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Dự kiến ông Biden sẽ tiếp tục chính sách cạnh tranh với Trung Quốc nhưng thông qua liên minh với các đồng minh, cách thức cạnh tranh quyết liệt nhưng nhẹ nhàng hơn, trong nhu có cương.

Thách thức lớn thứ hai là hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long và bão lũ lụt, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, thay cây lúa nước ngọt bằng các sản phẩm nông nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn, chuyển dịch tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp. Ông Tuyển nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải giữ 5 triệu ha trồng lúa”, mà nên chuyển dịch sang các cây, con có giá trị kinh tế cao hơn.

Cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường nội địa cũng là bài toán khó cho nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Người tiêu dùng ngày càng thông minh, họ hướng tới các sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, thách thức lớn với nền sản xuất nông nghiệp là chuyển dịch từ sản xuất manh mún sang sản xuất quy mô, chất lượng. 

“Trước đây, người ta đánh giá Trung Quốc là một thị trường dễ tính. Nhưng ngày nay, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn với nhiều tiêu chuẩn chất lượng hơn” - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển nhấn mạnh. Ông Tuyển khẳng định cần xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh, hình thành chuỗi giá trị từ gieo trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

Một tín hiệu đáng mừng là nhiều doanh nghiệp có tiềm năng tài chính và công nghệ như Vingroup, Masan hiện đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp. Nhìn chung, trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân là chủ thể nhưng doanh nghiệp sẽ là những người mở lối tiên phong.