Nhiều dự án khuyến nông giúp nhà nông tăng thu nhập
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây, năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quản lý tổng số 113 dự án khuyến nông Trung ương với tổng kinh phí 181,34 tỷ đồng.
Tại hội nghị, một số cá nhân, tập thể của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), Huân chương Lao động hạng Ba (ông Lương Tiến Khiêm - Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Phòng Thông tin, Tuyên truyền…
Trong đó, phải kể đến những dự án có kết quả nổi bật như mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh ĐBSCL với quy mô 500ha, cung cấp trên 2.500 tấn giống lúa chất lượng phục vụ chương trình xuất khẩu gạo.
Dự án trồng mới, thâm canh vùng nguyên liệu chanh leo và dứa thực hiện tại tỉnh Gia Lai với quy mô 14ha chanh leo và 5ha dứa. Dự kiến năm 2021, năng suất chanh leo sẽ đạt 45 tấn/ha.
Toàn bộ sản phẩm chanh leo và dứa được Công ty CP thực phẩm Đồng Giao thu mua, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu đi các nước EU và Trung Quốc.
Dự án xây dựng và phát triển mô hình sản xuất điều bền vững, triển khai tại Bình Phước và Lâm Đồng với diện tích 300ha. Kết quả, các vườn điều trồng mới đạt tỷ lệ sống trên 98%, không sâu bệnh hại, khả năng cho bói sau 18 tháng trồng. Với mô hình thâm canh, năng suất điều tăng từ 15 - 20% nhờ hạn chế được tối đa sâu bệnh hại…
Về lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án Nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo quy trình VietGAHP tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Sản phẩm mật ong tại các mô hình đáp ứng theo TCVN 12605:2019, không có dư lượng kháng sinh và các hóa chất tồn dư. Các cơ sở nuôi ong đều được đánh giá công nhận VietGAHP để truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, sản phẩm mật ong hữu cơ đã được Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt thu mua với giá cao hơn thị trường 20.000 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nuôi ong...
Trong lĩnh vực thủy sản, một số dự án mang tính đột phá như ứng dụng giải pháp công nghệ mới về khai thác và bảo quản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của đội tàu khai thác hải sản xa bờ, được thực hiện tại các tỉnh Khánh Hòa, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận với quy mô 10 tàu.
Dự án đã giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm lên tới 30 ngày, hiệu quả sử dụng nước đá đạt 90%, tạo ra bước đột phá mới trong việc bảo quản hải sản trên tàu cá. Theo đó, hầm bảo quản sử dụng công nghệ mới (CPF) giữ nhiệt tốt đã giúp thời gian tàu cá bám biển dài hơn do lượng đá tiêu hao ít hơn, sản phẩm khai thác có chất lượng tốt hơn và hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều so với hầm bảo quản truyền thống…
Chú trọng liên kết tiêu thụ
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, điểm đột phá của lĩnh vực khuyến nông thời gian qua chính là các mô hình đều gắn với chuỗi liên kết sản xuất, có vai trò bao tiêu của doanh nghiệp, HTX, qua đó giúp bà con nông dân yên tâm tham gia sản xuất, mô hình mang tính bền vững và dễ nhân rộng.
Điển hình như dự án chuyển giao gói kỹ thuật đồng bộ cho sản xuất 360ha lúa chất lượng Japonica tại một số tỉnh miền Bắc, hơn 80% sản lượng lúa được liên kết tiêu thụ, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn ngoài mô hình từ 25-35% (tương đương lãi thuần 4 - 4,5 triệu đồng/ha).
Dự án chăn nuôi gà theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã xây dựng được 9 mô hình tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, quy mô 63.400 con, đã ký được 13 hợp đồng liên kết liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân có đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế tăng 16 - 17%... Các dự án đã góp phần thực hiện tiêu chí số 10 về nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị trong thời gian tới, công tác khuyến nông cần tiếp tục đổi mới, cần đi vào chiều sâu, không chỉ làm mô hình "cho cần câu", mà còn dạy cả "cách câu cá" cho nông dân, truyền lửa, sự tự tin, động lực và khát vọng làm giàu cho nông dân…
Mô hình khuyến nông cần chú trọng hiệu quả cuối cùng, lan tỏa được ra sản xuất, tránh tình trạng hết dự án là hết mô hình, không mở rộng lan tỏa được ra thực tế. Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông cần đi sâu vào quan điểm "hệ sinh thái", suy nghĩ về hình thức du lịch nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khuyến nông...
Nghiên cứu thu hút nguồn lực, hợp tác công - tư, cơ cấu lại hình tức tổ chức bộ máy, hình thức hoạt động của toàn hệ thống theo hướng tinh gọn nhưng hiệu quả hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, bên cạnh việc bám sát các nhiệm vụ thường xuyên, năm nay Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức hoạt động để công tác khuyến nông ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn.
Theo đó, các hoạt động từng bước gắn với các dịch vụ khuyến nông tư nhân của khối doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp; tăng cường hợp tác đầu tư công - tư; các dự án đều phải gắn với thực tiễn sản xuất, nhu cầu thị trường; công tác đào tạo gắn với thực tiễn, giúp bà con nông dân dễ tiếp thu…