Hỗ trợ nông dân miền Trung khôi phục sản xuất sau mưa lũ: Khuyến nông làm “đầu tàu”, đi đúng hướng

Thiên Hương Thứ năm, ngày 17/12/2020 15:34 PM (GMT+7)
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết như vậy tại buổi Tọa đàm "Tái cơ cấu nông nghiệp miền Trung sau bão lũ - Phát triển nông nghiệp miền Trung theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu", do Bộ NNPTNT phối hợp Báo NTNN tổ chức mới đây.
Bình luận 0

"Để hỗ trợ bà con nông dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi mưa lũ thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức 33 lớp đào tạo, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…, đối tượng đào tạo là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt. Tại mỗi lớp học, chúng tôi đều mời chuyên gia tư vấn, giúp bà con thoát khỏi những lúng túng sau mưa bão".

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết như vậy tại buổi Tọa đàm "Tái cơ cấu nông nghiệp miền Trung sau bão lũ - Phát triển nông nghiệp miền Trung theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu", do Bộ NNPTNT phối hợp Báo NTNN tổ chức mới đây.

In tài liệu phát tận tay bà con

Hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ: Khuyến nông làm “đầu tàu”, đi  đúng hướng - Ảnh 1.

Cán bộ nông nghiệp thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) hướng dẫn bà con giải pháp khắc phục diện tích bưởi thanh trà sau mưa lũ. Ảnh: T.L

"Cùng với hệ thống khuyến nông 30.000 người ở 63 tỉnh, thành phố và sự phối hợp của các báo đài như Báo NTNN, Đài Truyền hình Việt Nam..., chúng tôi tin các giải pháp kỹ thuật mới sẽ nhanh và sớm đến được với người dân".

Ông Lê Quốc Thanh

Ông Lê Quốc Thanh cho biết: Ngay sau khi bão lũ xảy ra, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã cử đoàn cán bộ cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đi kiểm tra, khảo sát tình hình khắc phục sau bão lũ tại các đại phương. 

Bên cạnh việc phổ biến các giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả thiên tai, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông cảnh báo nhiều hơn về những bất thuận của thời tiết, phổ biến những mô hình sản xuất phù hợp sau mưa lũ.

"Đặc biệt, chúng tôi đã kích hoạt hệ thống khuyến nông địa phương, tìm hiểu ngay nhu cầu của bà con sau bão lũ để khắc phục sản xuất một cách hiệu quả, sát với nhu cầu thực tiễn. Theo đó, tại các địa phương, lực lượng khuyến nông đã triển khai tập huấn ngay cho bà con các giải pháp cấp bách khắc phục cây trồng bị ảnh hưởng bởi ngập úng, sa bồi, hướng dẫn bà con cải tạo đất đai, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp sau mưa lũ để nhanh chóng có sản phẩm phục vụ nhu cầu gia đình và đáp ứng thị trường" - ông Thanh nói.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng và in ấn 3 tờ rơi phát đến tận tay bà con. Trong đó tập trung vào hướng dẫn biện pháp khắc phục cấp bách đối với vườn cây có múi; cây hồ tiêu và hướng dẫn bước đầu xử lý các vùng đất bị bồi lấp.

Cụ thể, với những diện tích trồng cây thanh trà tại Thừa Thiên - Huế, có những vườn bị thiệt hại khác nhau thì cách khắc phục phải khác nhau, có vườn phải trồng lại, có vườn chỉ cần duy trì cắt tỉa, sử dụng chế phẩm sinh học... Đối với cây hồ tiêu ở Quảng Trị, tuy không bị ngập nhưng mưa kéo dài nên gây hiện tượng vàng lá, thối rễ, ngay lập tức các chuyên gia và đội ngũ khuyến nông đã tổ chức tọa đàm tại chỗ hướng dẫn bà con giải pháp khắc phục.

Hỗ trợ nông dân miền Trung khôi phục sản xuất sau mưa lũ: Khuyến nông làm “đầu tàu”, đi đúng hướng - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ ba từ phải sang) làm trưởng đoàn khảo sát vùng bưởi thanh trà bị thiệt hại bởi mưa lũ ở Thừa Thiên - Huế.

"Riêng với hơn 2.000ha đất sản xuất bị bồi lắng, qua khảo sát, có nơi bị bồi lấp 5-10cm, có nơi cả mét, có nơi bị bồi cát, nơi thì bị bồi đất sét, sỏi đá… Chúng tôi đã phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tìm hướng xử lý phù hợp với từng vùng bị thiệt hại. Không thể có quy trình canh tác bình thường mà phải có giải pháp khắc phục cụ thể" - ông Thanh lý giải.

Được biết, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang tiếp tục thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ NNPTNT triển khai hỗ trợ nhiều dự án, chương trình hỗ trợ giúp bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, điển hình như khu vực nuôi trồng ven biển ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã có các dự án khuyến nông hỗ trợ hiệu quả.

Nghiên cứu giải pháp lâu dài

"Năm nào các tỉnh miền Trung cũng bị tác động bởi thiên tai nên chúng tôi ưu tiên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức để bà con lựa chọn mô hình nuôi trồng các loại thủy, hải sản phù hợp với khả năng, tiềm lực kinh tế của gia đình theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra bão lũ, thiên tai, chúng tôi liên tục khuyến cáo bà con các giải pháp ứng phó, nhất là đối với các hộ nuôi cá lồng, bè, qua đó cũng giúp bà con giảm bớt thiệt hại" - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết thêm, hiện nay công tác đánh giá, phân loại mức độ đất trồng trọt bị sa bồi, thủy phá sau mưa lũ ở miền Trung rất quan trọng. Đối với những diện tích đất bị ảnh hưởng nhẹ, bà con có thể hoàn nguyên để trồng lúa, nhưng có những loại đất, khuyến cáo nông dân không nên quay lại trồng lúa vì tầng bồi lắng nhiều, nên chuyển sang trồng cây màu. Nhiều địa phương đã triển khai tốt việc chuyển đổi cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ví dụ, với những vùng đất bị vùi lấp sâu bởi đất sét mịn, cát mịn xen kẽ đất hữu cơ, đất sét, ban đầu bà con cần dọn vệ sinh bề mặt, san phẳng rồi cày sâu để đảo lộn các tầng đất bồi lấp, khử độc và cải tạo đất bằng vôi bột cùng phân lân, phân chuồng hoặc vật liệu hữu cơ hoai mục. 

Sau đó, bà con có thể trồng các cây ngắn ngày, sinh trưởng khỏe và lượng sinh khối cao như ngô, khoai lang, lạc để ổn định tầng canh tác. Cũng có thể bổ sung đất màu, đắp thành mô, ụ để trồng cây ăn củ như sắn dây, cây ăn quả xen cây ngắn ngày.

Theo ông Lê Quốc Thanh, sau lũ có những giải pháp tình thế, nhưng sau đó cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài gồm giải pháp công trình và phi công trình để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem