Nghệ An: Giống lợn đen đặc sản cả xã chỉ nuôi 1.000 con
Nghệ An: Giống lợn đặc sản gì mà cả xã chỉ nuôi được hơn 1.000 con, giá cao không có mà bán?
Thứ hai, ngày 28/12/2020 07:52 AM (GMT+7)
Lợn đen địa phương là đặc sản của miền Tây Nghệ An vẫn trong tình trạng khan hiếm. Hiện giá bán loại lợn đặc sản neo ở mức cao, từ 130.000 đến 200.000 đồng/kg hơi nhưng bà con không có nhiều để bán.
Ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm qua và chậm tái đàn, nên giống lợn đặc sản của miền Tây Nghệ An đến thời điểm này vẫn đang hiếm. Giá bán lợn đen đang ở mức cao.
Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cho biết: Thời điểm cuối năm 2020 này, giá lợn đen địa phương vẫn neo ở mức giá 200.000 đồng/kg (loại lợn dưới 30 kg), 130.000 đồng/kg (loại lợn trên 30 kg), nhưng không có mà mua. Hiện đàn lợn đen địa phương trên địa bàn xã chỉ còn hơn 1.000 con.
"Đối với bà con vùng cao này, cuối năm thường 3 - 4 hộ chung nhau mổ 1 con lợn đen địa phương, chia thịt ăn Tết, nên số lượng lợn thịt sử dụng trong dịp Tết khá nhiều. Do vậy, với đàn lợn như hiện nay, sẽ khan hiếm trong dịp Tết vì trong số lợn đó có cả lợn nái và lợn sữa" - ông Và Chá Xà băn khoăn.
Ông Nguyễn Công Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết: Thời điểm cuối năm này, Kỳ sơn có khoảng 21.000 con lợn, giảm khoảng gần 4 nghìn con so với thời điểm chưa có dịch tả lợn châu Phi (cuối năm 2018). Những xã có đàn lợn đen địa phương nhiều là Mường Lống, Tây Sơn, Na Ngoi. Như vậy, tình trạng khan lợn đen địa phương trong dịp cuối năm dễ sẽ xảy ra.
Trên địa bàn huyện Tương Dương thời điểm này, loại lợn đen địa phương cũng bán với giá từ 130.000 đến 190.000 đồng/kg lợn hơi.
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho biết: Hiện nay, đàn lợn của địa phương còn khoảng hơn 20.000 con, trong đó lợn nái khoảng 5%. So với thời điểm chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn của địa phương hiện nay giảm 3.000 con.
Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, do nhu cầu thực phẩm thịt lợn tăng cao, nên trên địa bàn Tương Dương sẽ khan hiếm lợn, dự báo giá lợn đen địa phương sẽ ở mức cao.
Theo một số thương lái buôn bán lợn cho biết, lợn được nuôi ở những bản, xã càng xa trung tâm huyện thì giá càng đắt. Nguyên nhân, do ở vùng sâu, vùng xa bà con nuôi giống lợn bản địa, trọng lượng nhỏ, chậm lớn, nên chất lượng thịt ngon hơn.
Quan sát tại các phiên chợ trên địa bàn Kỳ Sơn, Tương Dương... cho thấy, lượng thịt lợn bày bán ở đây chủ yếu vẫn là lợn trại vận chuyển từ xuôi lên, hoặc giống lợn ngoại, vận chuyển từ xuôi lên nuôi ở vùng cao, rất ít khi có thịt lợn đen địa phương mổ bán.
Tại lò giết mổ tập trung của huyện Kỳ Sơn cho thấy, hầu hết số lợn được nhốt tại các ô chuồng chờ giết mổ là lợn trại, trọng lượng lớn, do những người chuyên giết mổ lợn trên địa bàn các xã lân cận đưa vào. Những người chuyên giết mổ lợn cho biết, lợn đen địa phương thỉnh thoảng mới mua được ít con, không đủ cung ứng thịt cho người dân, nên phải mua lợn trại về giết mổ để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trên địa bàn.
Lợn đen địa phương là đặc sản của miền Tây Nghệ An, bởi bà con nuôi theo hình thức thả rông là chủ yếu, không sử dụng thức ăn công nghiệp, nên thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có điều kiện kinh tế ở miền xuôi tìm mua lợn đen ở vùng cao về mổ thịt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.