Đó là những con số được Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin tại buổi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2021 tại Hà Nội.
Tại buổi kiểm tra thực tế chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn và làm việc với UBND TP.Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn của HTX Hoàng Long tại huyện Thanh Oai.
Hà Nội đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi
Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Hà Nội ước khoảng 292.000 tấn gạo, 56.000 tấn thịt lợn, 19.000 tấn thịt gà, 18.000 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315.000 tấn rau củ, 15.000 tấn thủy hải sản, 18.000 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây.
Chia sẻ với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long cho biết, thời điểm hiện tại, số đầu lợn của trại luôn giữ ổn định trên 4.000 con (lợn nái trên 500 con, lợn thịt 3.600 con/lứa).
Hiện nay, HTX Hoàng Long có trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học. 100% sản phẩm bán ra được sơ chế, chế biến đóng gói mang thương hiệu "Chuỗi thực phẩm A-Z".
Hàng ngày, chuỗi cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Riêng dịp Tết Nguyên đán tới đây, HTX Hoàng Long sẽ tăng số lượng lợn xuất chuồng lên 70%, tương đương 5 tấn thịt/ngày.
Ông Long tiết lộ, năm 2020 HTX Hoàng Long xuất bán khoảng 10.000 con lợn, tương đương khoảng 1.300 tấn thịt lợn, doanh thu đạt 80 tỷ đồng.
Từ hiệu quả hoạt động sản xuất theo chuỗi của HTX Hoàng Long nói riêng và các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn của TP.Hà Nội triển khai thời gian qua, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho hay, thành phố rất khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi.
Toàn thành phố hiện có 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm, ngoài ra còn có hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Theo ông Tường, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân, song sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… mới đáp ứng 60 - 90%.
Theo đó, Hà Nội đã tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố đưa nông sản, thực phẩm an toàn về thị trường Thủ đô tiêu thụ. Đơn cử như tỉnh Hòa Bình cung ứng 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn quả có múi, 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn gà, 500 tấn thịt bò, 1.500 tấn cá sông Đà…
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, về nguồn cung nông sản thực phẩm, Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các sở, ngành sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, thành phố đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp tết, với mức tăng trung bình từ 7 - 22% so với Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn Hà Nội năm nay đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết năm 2020.
Đủ cung nhưng phải đảm bảo an toàn
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm của Hà Nội. Thành phố đã bảo đảm tốt an toàn thực phẩm (ATTP), rà soát chuỗi từ sản xuất đến sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn bị đủ phải gắn liền với kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế, tại Hà Nội vẫn còn tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phân phối ở chợ cóc, chợ tạm, gây mất ATTP.
"Hà Nội cần rà soát an toàn thực phẩm từ gốc, đặc biệt là các chuỗi; mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm" – ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tạ Văn Tường cho biết, để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, hậu kiểm chất lượng ATTP.
Từ ngày 15/12 đến nay, ngành nông nghiệp đã lấy 42 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm giám sát chỉ tiêu ATTP tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 2 mẫu thịt vi phạm về chỉ tiêu Salmonella.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NNPTNT cũng đã kiểm tra tại 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 25 cơ sở; phát hiện 6 cơ sở vi phạm, phạt vi phạm hành chính với số tiền 22,25 triệu đồng.
Trạm chăn nuôi và thú y của 30 quận, huyện, thị xã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện kiểm tra 1.526 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và xử lý 41 trường hợp vi phạm.