Dân Việt

Cao Bằng: Trồng loài cây chưng cất ra thứ tinh dầu thơm ngào ngạt, nông dân vùng biên giới này giàu hẳn lên

Chiến Hoàng 02/01/2021 06:32 GMT+7
Trồng cây hồi chỉ chừng 3 năm, nông dân xã vùng biên Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đã có thể thu hoạch cành lá của cây hồi, chưng cất cho ra thứ tinh dầu hồi thơm ngào ngạt. Nhờ trồng cây hồi, người dân nơi đây khá giả lên trông thấy, xây sửa nhà cửa khang trang.

CLIP: Làm giàu từ cây hồi, chưng cất tinh dầu hồi thơm ngào ngạt ở xã vùng biên Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Chúng tôi đã nghe nhiều về giống hồi cho lá tại xã Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), tuy nhiên thật khó hình dung tại đây lại có nhiều hồi đến vậy. Đâu đâu cũng là hồi, đồi nối đồi bạt ngàn, mướt mắt.

Cao Bằng: Trồng thứ cây cho dầu thơm nức, bản vùng biên nơi đây nhà nào cũng khá giả - Ảnh 1.

Những rừng cây hồi cho lá xanh lút mắt tại xóm Nà Luông, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Anh bạn đi cùng chúng tôi bảo, bà con xã vùng biên Cốc Pàng thoát nghèo, khá giả lên đa phần là nhờ cây hồi cả đấy! Khác với cây hồi ở Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số nơi, cây hồi ở Cốc Pàng là giống hồi cho lá, chỉ chừng 3 năm cây đã cho thu hoạch. Giống hồi cho lá này không cao, chỉ tầm ngực người trưởng thành.

Dẫn chúng tôi vào xóm giáp biên Nà Luông, nơi có diện tích hồi cho lá có lẽ lớn nhất xã Cốc Bàng, người dẫn đường cho hay, từ ngày có cây hồi, dân ở đây giàu lên trông thấy.

Cao Bằng: Trồng thứ cây cho dầu thơm nức, bản vùng biên nơi đây nhà nào cũng khá giả - Ảnh 2.

Đường vào xóm Nà Luông tuy chỉ là đường đất nhưng khá rộng, xe to có thể tránh nhau dễ dàng.

Từ trung tâm xã đến xóm Nà Luông chừng 10km, dọc hai bên đường là bạt ngàn những rừng hồi đang bắt đầu đâm chồi, nảy lộc. Đường vào Nà Luông chỉ là đường đất đỏ nhưng đủ rộng để 2 ô tô tải tránh nhau.

Dọc đường, mùi hương thường trực là hương hồi, thứ hương thơm ngào ngạt ấy cứ theo gió lan khắp xóm trên, mường dưới. Trong cái buốt lạnh của núi rừng Bảo Lạc khi đón đợt rét đậm rét hại, chúng tôi bắt gặp vợ chồng Nông Văn Cấn mồ hôi nhễ nhại, tay thoăn thoắt đưa cành lá hồi cho vào lò chưng cất.

Hai vợ chồng mặt mày lem luốc vì tro bụi, cạnh lò là 3 can tinh dầu hồi thành phẩm vừa được anh Cấn chắt ra. Anh Cấn cho biết, mỗi mẻ hồi phải đun mất 1 ngày rưỡi, mỗi can tinh dầu hồi 30 lít có giá khoảng 12 triệu đồng.

Cao Bằng: Trồng thứ cây cho dầu thơm nức, bản vùng biên nơi đây nhà nào cũng khá giả - Ảnh 2.

Nguyên liệu đốt được tận dụng từ chính những cành lá hồi sau khi đã chưng cất lấy tinh dầu hồi.

Củi được vợ chồng anh Cấn cho vào lò đốt cũng khá đặc biệt, ngay cả khói bốc lên từ lò cũng ngào ngạt hương hồi bởi vợ chồng anh tận dụng lá, cành hồi đã qua chưng cất làm nguyên liệu đốt.

Anh Cấn chia sẻ, hai vợ chồng chưa có lò, phải mượn lò của người quen để chưng cất. Trung bình mỗi lò hơi chưng cất tinh dầu hồi có giá những 120 triệu đồng. Tranh thủ chủ lò tắt lửa vì đã chưng cất xong thì mượn lại thôi.

Cao Bằng: Trồng thứ cây cho dầu thơm nức, bản vùng biên nơi đây nhà nào cũng khá giả - Ảnh 4.

Anh Nông Văn Cấn cho biết, khi chưa làm hồi, gia đình rất khó khăn.

"Nhà tôi trồng không nhiều, mỗi năm được thu hoạch lá, cành một lần. Đủ cho khoảng 3-4 lò. Mỗi lò cũng được gần 50 lít. Làm hồi tuy có vất vả nhưng giá trị kinh tế cao. Trước đây chưa làm hồi, kinh tế gia đình khó khăn lắm", anh Cấn nói.

Nhà anh Nông Văn Cấn sau mấy vụ thu hoạch đã có tiền xây nhà, ngôi nhà 2 tầng khang trang đang được hoàn thiện. Tại Nà Luông này, những năm gần đây nhà xây đã mọc lên rất nhiều, chủ yếu nhà 2 tầng với diện tích mặt sàn từ 100 - 130m2, và quan trọng, tiền xây nhà là nhờ trồng hồi mà có.

Cao Bằng: Trồng thứ cây cho dầu thơm nức, bản vùng biên nơi đây nhà nào cũng khá giả - Ảnh 4.

Ngoài trồng hồi chưng cất tinh dầu hồi, ông Lưu Văn Hẻn còn ươm bán cây hồi giống.

Ông Lưu Văn Hẻn, trưởng xóm Nà Luông cho biết, tổng diện tích cây hồi cho lá của xóm Nà Luông hiện là 300ha. Thu nhập của người dân xóm Nà Luông từ cây hồi là chính.

"Bà con xóm Nà Luông thoát nghèo và làm giàu nhờ cây hồi. Cả xóm có 72 hộ thì chỉ còn có 12 hộ nghèo. Tinh dầu hồi hiện đang có giá 480.000 đồng/lít. Nhà tôi có 3ha trồng cây hồi, trung bình mỗi năm cũng chưng cất được gần 200 lít tinh dầu hồi", Trưởng xóm Nà Luông cho biết thêm.

Cao Bằng: Trồng thứ cây cho dầu thơm nức, bản vùng biên nơi đây nhà nào cũng khá giả - Ảnh 8.

Nhờ trồng hồi, nhiều hộ dân xóm Nà Luông đã có tiền xây nhà khang trang.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Chu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng cho biết, trên địa bàn xã, hầu như nhà nào cũng trồng cây hồi. Cây hồi cho thu nhập cao, mấy năm gần đây đầu ra rất ổn định.

"Đặc biệt là những xóm giáp biên, kinh tế hộ gia đình khá lên trông thấy, có thể kể đến các xóm như Nà Luông, Nà Mìa… tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, cùng với đó, các xóm giáp biên xuất hiện nhiều nhà xây khang trang hơn. Các xóm giáp biên nhờ trồng sắn, trồng hồi mà phát triển hơn nhiều xóm phía trong", Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng nhận định.