Dân Việt

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn tại nguồn, còn nhiều thách thức

Chấn Đức 04/01/2021 16:39 GMT+7
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong những năm qua, nhưng công tác xử lý chất thải rắn tại nguồn ở trung tâm kinh tế lớn nhất nước này vẫn gặp rất nhiều thách thứ, tại sao?

Rác càng nhiều, thách thức càng phình to

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thống kê: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 9.200 tấn/ngày, chủ yếu từ các khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, chợ...

Hàng năm, tỷ lệ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt tăng khoảng 5% (riêng trong 8 tháng năm 2020 đã tăng gần 10%). Dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên đến 13.000 tấn/ngày.

Theo ông Lê Trương Tuấn Anh - Trưởng phòng quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Một trong những vấn đề bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn tại nguồn, còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một nhà máy xử lý rác ở TP.HCM. Ảnh: T.L

Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành "Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" đã có hiệu lực từ 2 năm qua. Tuy nhiên, do chưa tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm; đến nay, nhiều hộ vẫn chưa chủ động phân loại rác.

Công tác tuyên truyền thiếu hiệu quả khi các ngành, các cấp giảm tần suất tuyên truyền, tỷ lệ người dân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt cũng giảm theo.

Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt gặp nhiều thách thức khi phần lớn người dân có thói quen bỏ chất thải rắn sinh hoạt trước cửa nhà, trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị.

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn tại nguồn, còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Tuyên dương, trao quà tặng thùng đựng rác cho các hộ dân tại phường 7, quận 5, TP.HCM. Ảnh: C.T.V

Nhiều hộ không ký hợp đồng thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thải bỏ rác ra các khu công cộng, kênh rạch, càng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Trong khi đó, hàng loạt bất cập về quản lý lực lượng thu gom rác dân lập, rác phân loại trộn lẫn rác tạp; rồi phương tiện vân chuyển rác lạc hậu, thiếu điểm trung chuyển rác… khiến thách thức trong lĩnh vực này ngày càng phình to, mà chưa có cách tháo gỡ.

Ngoài ra, theo phản ánh của một cán bộ dịch vụ - công ích: Việc chuyển đổi thực hiện phương thức cung ứng dịch vụ vận chuyển rác của TP, từ giao kế hoạch, đặt hàng thông qua hợp đồng sang đấu thầu đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước do chưa có đầy đủ văn bản quy định.

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn tại nguồn, còn nhiều thách thức - Ảnh 3.

Cân rác lấy quà tặng nhằm khuyến khích các hộ dân phân loại rác tại nguồn ở quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: T.L

Các quận, huyện chưa đủ nhân sự chuyên trách để đảm nhận công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm trong hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Theo ông Lê Trương Tuấn Anh, thách thức lớn nhất đối với TP.HCM trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Khi xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp làm phát sinh mùi hôi và rác tồn đọng, không phân hủy.

Trong khi đó, các nhà máy tái chế, xử lý rác hiện chưa đạt chỉ tiêu công nghệ, tỷ lệ tái chế đến năm 2020 chỉ đạt 40%; còn lại là chôn lấp, đốt tiêu hủy. Hoạt động của các nhà máy xử lý rác thành phân compost gặp nhiều trở ngại do thị trường tiêu thụ không ổn định.

Đầu tháng 7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 4758/STNMT-CTR: Đề nghị các quận, huyện và các công ty dịch vụ công ích đến năm 2023 hoàn thành thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa mô hình quản lý hoạt động thải bỏ và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh đô thị.

Gần 29.000 tỷ đồng để xử lý rác trong 5 năm tới

Cuối năm 2020 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về tiến độ triển khai đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn tại TP.HCM từ năm 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2050. Theo đó, để đồ án được thực hiện, TP.HCM cần 28.911 tỉ đồng.

Trong đó, 14.500 tỉ đồng là chi phí chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn (bao gồm chuyển đổi công nghệ 2 nhà máy hiện hữu và đầu tư xây dựng nhà máy mới với công suất 2.000 tấn/ngày); 3.300 tỉ đồng để xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung ở Tây Bắc, Đa Phước và Khu công nghệ môi trường xanh - Long An; 1.250 tỉ đồng để hoàn thiện cơ cấu các điểm trạm trung chuyển, tổ chức lực lượng thu gom…

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn tại nguồn, còn nhiều thách thức - Ảnh 5.

Phần lớn số lượng rác thu gom ở TP.HCM được xử lý bằng chôn lấp, nên gây ô nhiễm môi trường thường xuyên. Ảnh: T.L

Đồ án thể hiện phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu: 80% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Có 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý.

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn tại nguồn, còn nhiều thách thức - Ảnh 6.

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP.HCM đang vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: C.Y.V

Phải đạt 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% bùn bể phốt, bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Dự tính, kinh phí này sẽ được lấy từ nguồn vốn ngân sách, ODA, tín dụng đầu tư, tài trợ, doanh nghiệp, xã hội hóa… Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồ án sẽ được UBND TP HCM trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Nếu được Thủ tướng phê duyệt, đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn tại nguồn sẽ là cơ sở cho TP.HCM triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể về quản lý, xử lý các loại chất thải rắn trong 5 năm tới.