Giảm thiểu rác thải nhựa, ngay bây giờ, từng người dân hãy hành động

Chấn Đức Thứ hai, ngày 28/12/2020 14:04 PM (GMT+7)
Ngày 23/12 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia Chương trình "Đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam", khởi động Chương trình "Hành động quốc gia về nhựa" và Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương". Chưa bao giờ, mọi cấp, ngành, cơ quan nhà nước lại đẩy mạnh công tác chống rác thải nhựa như bây giờ.
Bình luận 0

Thảm họa rác thải nhựa

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn, trong tổng số khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế (chủ yếu tái chế bằng công nghệ thô sơ); còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác.

Người ta thống kê, cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm có khoảng 5.000 tỉ túi nilông được tiêu thụ. Ở Việt Nam, lượng rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày là hơn 2.500 tấn. Đây quả thật, là những con số đáng báo động và đang là vấn đề quan tâm hàng đầu.

Giảm thiểu rác thải nhựa, ngay bây giờ, từng người dân hãy hành động - Ảnh 1.

Hình ảnh điển hình cho thảm họa xả rác thải nhựa ven bờ biển ở miền Trung - Việt Nam. Ảnh: T.L

Theo ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP.HCM (Citenco): "Rác thải nhựa gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường; đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Hơn bao giờ, xã hội cần có giải pháp thật căn cơ để xử lý rác thải nhựa".

Giảm thiểu rác thải nhựa, ngay bây giờ, từng người dân hãy hành động - Ảnh 2.

Rác thải nhựa ở bãi biển tỉnh Bình Thuận . Ảnh: T.L

Với tình trạng sử dụng đồ nhựa ngày càng tăng, Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa (3,27 triệu tấn mỗi năm). Là đối tác với Citenco trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, PGS.TS Lê Hùng Anh (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) - cho biết: "Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 về phát thải rác thải nhựa trên thế giới. Nghiên cứu năm 2018 tại sông Sài Gòn cho thấy có 172.000- 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước, 10-233 mảnh và màng vi nhựa/m3 nước. Có hai nguồn phát thải vi nhựa ra môi trường gồm nguồn sơ cấp do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghệ, in 3D, mỹ phẩm,… nguồn thứ cấp do phân rã từ chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt, sống,…".

Để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Làm gì để giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên đại dương?

Theo Kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2025, phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa. Cụ thể, phải tuyên truyền trong mọi người dân việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Giảm thiểu rác thải nhựa, ngay bây giờ, từng người dân hãy hành động - Ảnh 4.

Trong nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP.HCM đã hợp tác với nhiều đơn vị, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ảnh: C.H

Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương.

Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg.Tích cực xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.

Giảm thiểu rác thải nhựa, ngay bây giờ, từng người dân hãy hành động - Ảnh 6.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quân làm sạch bãi biển, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa trên đại dương. Ảnh: V.Đ

Tháng 12/2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên Hợp Quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đồng thời, trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GF6), sáng kiến về xây dựng quan hệ đối tác về quản lý rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đã được quốc tế hết sức hoan nghênh, ủng hộ.

Nói như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà : "Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam, thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như:

Thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem