Dân Việt

Nghịch lý DN ngành thép FDI lỗ nghìn tỷ, tỷ phú Trần Đình Long lãi "khủng"

Quang Dân 06/01/2021 12:30 GMT+7
Nhìn vào tình hình tài chính của một số doanh nghiệp ngành thép có thể thấy bức tranh trái ngược. Bất chấp những ưu đãi lớn cùng với tên tuổi và bề dày kinh doanh đa quốc gia, hai công ty FDI lớn nhất tại Việt Nam lại liên tục báo lỗ "khủng", trong khi các Tập đoàn trong nước lãi kỷ lục.

Doanh nghiệp ngành thép trong nước công bố lợi nhuận khủng 

Đơn cử như với trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong một năm nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và ngành thép dù khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều bất ổn, HSG vẫn ước lãi 1.100 tỷ đồng niên độ 2019-2020, gấp 3 lần cùng kỳ.

Cụ thể, theo công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2019-2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9) HSG cho thấy, lũy kế cả niên độ, sản lượng tiêu thụ tập đoàn ước đạt 1,62 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 27.538 tỷ đồng, giảm gần 2% và hoàn thành 98,4% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ và gấp 2,8 lần so với kế hoạch.

Sự khởi sắc ấn tượng trong niên độ tài chính 2019-2020 là động lực để Tập đoàn Hoa Sen tiếp đà tăng trưởng khi HSG đề ra mục tiêu trong năm tới với doanh thu thuần tăng 20% lên 33.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên 1.500 tỷ đồng, tương đương mức cao nhất từng đạt cách đây 5 năm.

Nghịch lý doanh nghiệp ngành thép FDI lỗ nghìn tỷ, tỷ phú Trần Đình Long lãi khủng - Ảnh 1.

NGUỒN: TỔNG HỢP BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Tương tự Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long thông báo doanh thu quý 3 đạt 24.900 tỷ đồng, tăng tới 62,7% và lợi nhuận sau thuế 3.785 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là kỷ lục lợi nhuận của Hòa Phát từ trước đến nay.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu tập đoàn thép đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, sau 9 tháng, Hòa Phát thực hiện 75,6% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lĩnh vực sắt thép đóng vai trò chủ đạo trong đà tăng trưởng của Hòa Phát. 9 tháng, HPG tiêu thụ 4 triệu tấn thép thô, gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Trước đó, năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát đạt gần 65.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 13% kế hoạch lợi nhuận năm 2019, giảm khoảng 12,7% so với năm 2018. Trong đó, nhóm sản phẩm sắt thép đóng góp lớn nhất với trên 80% doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Một công ty thép khác, Công ty Đầu tư Thương mại SMC công bố BCTC hợp nhất quý 3 với lãi sau thuế đạt 100 tỷ đồng, gấp 2,8 cùng kỳ năm trước. SMC cho biết lợi nhuận tăng mạnh nhờ hoạt động sản xuất, gia công phát triển, năng xuất và sản lượng tiêu thụ tăng mạnh. 

Lũy kế 9 tháng, SMC đạt doanh thu 11.257 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 156 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện 74% kế hoạch doanh thu và vượt 30% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh nghiệp FDI lỗ nghìn tỷ đồng

Trái ngược với bức tranh tài chính đầy gam màu sáng của các tập đoàn sản xuất sắt thép trong nước là tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI của Bộ Tài chính lại cho thấy, cả hai doanh nghiệp FDI lớn nhất ngành sắt, thép đều có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả kinh doanh giảm sút khiến mức đóng góp vào ngân sách rất hạn chế. 

Nghịch lý doanh nghiệp ngành thép FDI lỗ nghìn tỷ, tỷ phú Trần Đình Long lãi khủng - Ảnh 3.

Nhà máy Fomorsa Hà Tĩnh.

Formosa được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế và thuê đất. Doanh nghiệp này được thuê diện tích đất rộng lớn gần 3.300 ha trong thời gian 70 năm (dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm) với giá 4,455 triệu USD, tương đương hơn 96,22 tỉ đồng (mức giá này quá thấp coi như bằng không do đó Formosa đã trả ngay 1 lần). Doanh nghiệp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại. Trường hợp nếu dự lỗ, Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định.

Với Fomorsa Hà Tĩnh, tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của công ty là trên 286 nghìn tỷ đồng. Nợ phải trả gần 186 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là trên 64,3 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn là trên 121 nghìn tỷ đồng. Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế trên 25,3 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu của công ty này năm 2019 là trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2018 nhưng năm 2019 vẫn lỗ tới hơn 11,5 nghìn tỷ đồng. Con số này gấp 4,2 lần so với mức lỗ 2.727 tỷ đồng của năm trước đó. Bên cạnh đó, năm 2019 Fomorsa Hà Tĩnh chỉ nộp ngân sách nhà nước 51,6 tỷ đồng.

Còn đối với Công ty CP thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lỗ lũy kế của công ty này là hơn 8.900 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này báo lỗ là 2.780 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.094 tỷ đồng của năm trước. Số nộp ngân sách năm 2019 là 41 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho rằng, đối với hai doanh nghiệp này, mặc dù hai năm liền tình hình tài chính bị tác động do giá sắt, thép toàn cầu trong xu hướng giảm, tổng doanh thu của hai doanh nghiệp vẫn tăng từ 77.456 tỷ đồng lên 82.741 tỷ đồng, còn nộp ngân sách lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các DN FDI của Bộ Tài chính cho thấy, số lượng DN có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 báo lỗ là 12.455 DN, chiếm tỷ lệ 55% DN có báo cáo, với trị giá lỗ là 131.445 tỷ đồng.

Tổng tài sản của các DN báo lỗ năm 2019 là 2.002.328 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tổng tài sản của các DN báo lỗ năm 2018; Doanh thu của các DN báo lỗ năm 2019 là 846.894 tỷ đồng, tăng 12,7% so với doanh thu của các DN báo lỗ năm 2018.

Đến hết năm 2019, có 14.822 DN có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính, chiếm tỷ lệ 66% DN có báo cáo, với tổng trị giá lỗ luỹ kế trên BCTC là 520.742 tỷ đồng, bằng 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu (tăng 26% về số lượng DN có lỗ luỹ kế và tăng 23,1% về trị giá lỗ luỹ kế so với năm 2018).

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các DN FDI nhìn chung vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của DN; các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực vẫn còn âm, nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng những ưu đãi được hưởng. Số DN FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số DN; nhiều DN có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Ngoài một số dự án FDI có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách tốt, tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định thì vẫn tồn tại nhiều dự án đầu tư có hiệu quả chưa cao, mức độ đóng góp ngân sách thấp.

Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở một số DN FDI. DN luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.