Hòa Phát, Hoa Sen và Gang thép Thái Nguyên: Lợi nhuận "chia phe", người hoan hỉ, kẻ sầu bi

Nhật Minh Thứ hai, ngày 26/10/2020 14:15 PM (GMT+7)
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long có lãi quý cao nhất lịch sử, trong khi đó Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ trở lại nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế nghìn tỷ. Ngược lại, lợi nhuận của Gang thép Thái Nguyên “bốc hơi” 87%, nợ vay gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.
Bình luận 0
Hòa Phát, Hoa Sen và Gang thép Thái Nguyên: Lợi nhuận "chia phe", người hoan hỉ, kẻ sầu bi - Ảnh 1.

Tiêu thụ thép trong quý III/2020 đã phục hồi mạnh trong cả 3 mảng thép chính, bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép. (Ảnh minh họa)

Hòa Phát lãi kỷ lục, Hoa Sen trở lại nhóm doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ

Doanh thu trong quý gần nhất của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019.

Đây là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 đã vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Kết quả trên phần lớn phụ thuộc vào mảng sắt thép và nông nghiệp. Trong 9 tháng, sản lượng thép thô của tập đoàn vượt 4 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, còn lại là phôi thép, thép cuộn cán nóng (HRC). Hòa Phát cũng cho biết, thị phần thép của tập đoàn đã lên tới 32,6%.

Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ cũng duy trì tăng trưởng. Sau 9 tháng, sản phẩm ống thép đạt gần 570.000 tấn, tăng 3,5%, còn tôn Hòa Phát tăng tới 150% so với cùng kỳ.

Với lĩnh vực nông nghiệp, mảng kinh doanh này đóng góp khoảng 12% doanh thu và 15% lợi nhuận toàn tập đoàn.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ cũng có một quý khởi sắc với hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,8 lần cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế niên độ tài chính 2019-2020, sản lượng tiêu thụ đạt 1,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ. Doanh thu của Hoa Sen đạt 27.538 tỷ đồng, bằng 98,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 98,4% kế hoạch.

Tập đoàn của ông Lê Phước Vũ ghi nhận 1.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp ba lần so với cùng kỳ và gấp 2,8 lần kế hoạch. Với kết quả kinh doanh khả quan, Tập đoàn Hoa Sen trở lại nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế nghìn tỷ.

Lý giải về đà phục hồi tăng trưởng, HSG cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, Công ty tập trung khai thác lợi thế hệ thống gần 600 cửa hàng tại thị trường nội địa và kênh xuất khẩu đến 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nên tình hình sản xuất, bán hàng tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, HSG đã được Tổng cục Hải quan gia hạn chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan thêm 3 năm kể từ tháng 8/2020. Điều này giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và tiết kiệm chi phí về thủ tục hành chính, góp phần gia tăng lợi nhuận.

Một công ty thép khác, Công ty Đầu tư Thương mại SMC công bố BCTC hợp nhất quý III/2020 với lãi sau thuế đạt 100 tỷ đồng, gấp 2,8 cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt hơn 11.257 tỷ đồng giảm gần 13%. 

Tuy nhiên, nhờ chi phí giảm khiến lợi nhuận sau thuế của SMC đạt hơn 156 tỷ đồng tăng 41%, tương đương EPS đạt 2.506 đồng. Công ty đã thực hiện 74% kế hoạch doanh thu và vượt 30% kế hoạch lợi nhuận.

Lợi nhuận quý III giảm 87%, nợ vay của Gang thép Thái Nguyên gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Hòa Phát, Hoa Sen và Gang thép Thái Nguyên: Lợi nhuận "chia phe", người hoan hỉ, kẻ sầu bi - Ảnh 3.

Lợi nhuận quý III giảm 87%, nợ vay của Gang thép Thái Nguyên gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Trái ngược với các doanh nghiệp trên, Gang thép Thái Nguyên (Tisco) báo lãi sau thuế 415 triệu đồng trong quý III/2020, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, Tisco đã lỗ thuần hơn 2,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, và chỉ có lãi sau thuế nhờ khoản thu nhập khác hơn 3,1 tỷ đồng chủ yếu từ bán xỉ bùn, thép phế liệu...

Lũy kế 9 tháng năm 2020, tổng doanh thu thuần của Tisco đạt gần 7.010 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 24,4 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, giảm 52% và 61%.

Tính tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Tisco đạt trên 9.306 tỷ đồng, chiếm phần lớn là chi phí xây dựng cơ bản dở dang 5.640 tỷ đồng (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Tisco 2).

Đáng chú ý, Tisco đang phải gánh khoản nợ vay lên đến 7.385 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với vốn chủ sở hữu.

So với thời điểm đầu năm, tài sản của Tisco đã giảm hơn 2%, tương đương 200 tỷ đồng, chủ yếu giảm từ khoản phải thu ngắn hạn khách hàng và hàng tồn kho.

Báo cáo ngành thép mới nhất từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, tiêu thụ thép trong quý III/2020 đã phục hồi mạnh trong cả 3 mảng thép chính, bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép.

Trong mảng tôn mạ, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy tổng tiêu thụ sản phẩm này. Các nhà sản xuất Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 530 nghìn tấn trong quý III, tăng 75,6% so với quý liền trước và 65,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ vậy, tiêu thụ tôn mạ đã tăng mạnh 15,2%, từ 952 nghìn tấn trong quý III/2019 lên 1.100 nghìn tấn trong quý III/2020. Trong đó, EVFTA và CPTPP đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn.

Với mảng ống thép, sản lượng bán hàng đã tăng đáng kể 11% so với quý liền trước và 24% so với trong quý III/2019. Nhu cầu tốt từ các hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp đã hỗ trợ tiêu thụ ống thép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem