Đã nhiều năm công tác ở Mỹ, chứng kiến chính thể Mỹ vững mạnh, ông có bất ngờ không khi người Mỹ tràn vào Điện Capitol?
- Đó là việc chưa từng có trong lịch sử Mỹ, dù với các lãnh đạo Cộng hòa, Dân chủ hay Tổng thống Trump. Ngay sau sự việc, lãnh đạo hai đảng lên án, bản thân Tổng thống Trump cũng gửi thông điệp video kêu gọi tôn trọng thể chế ở Mỹ. Sự việc cho thấy dường như có một nước Mỹ phân hóa, phân cực về chính trị, bất bình và đây là giọt nước tràn ly. Mặt khác, đây là sự cảnh báo với Mỹ phải khôi phục lại lòng tin cũng như các thể chế về bình đẳng, bình quyền, lợi ích chia sẻ cho mọi người.
Nếu nhìn lại những ngày qua, tôi rất ấn tượng về quyết định của 2 nhân vật: Thứ nhất, Phó Tổng thống Mike Pence với tư cách Chủ tịch Thượng viện, chủ trì phiên kiểm phiếu, có bức thư trước thềm cuộc họp của Quốc hội, trong đó ông nói sẽ tuân thủ quy định của luật pháp, Hiến pháp. Thứ hai, khi 2 viện Quốc hội họp riêng rẽ, phát biểu của lãnh đạo Thượng viện phe Cộng hòa Mitch McConnell cũng nhấn mạnh việc tuân thủ Hiến pháp và các giá trị của Mỹ. Cả 2 phe Cộng hòa và Dân chủ đều cam kết tuân thủ Hiến pháp, luật pháp và không đảo ngược quyết định của cử tri.
Nhưng còn việc có người bị bắn chết? Liệu sự việc đẩy quá xa?
- Mọi sự xô xát thương vong, kể cả xô xát đều đáng tiếc. Hy vọng nước Mỹ sẽ kiểm soát được mọi việc và thực tế họ đã làm được.
Người tuần hành tràn vào Quốc hội Mỹ là sự quá khích nhiều hơn là sự cổ súy của 2 đảng. Song, tất cả mọi người vẫn tuân thủ các quy chế hiến định. Cả nước Mỹ lên án việc bạo loạn. Đây là chuyện nước Mỹ được cảnh tỉnh cần củng cố thiết chế và luật pháp thế nào.
Nếu nước khác lộn xộn như vậy có khi thiết chế không bền vững nữa. Sức chống chịu của nền dân chủ Mỹ đã được thử thách, nhưng vẫn chứng tỏ được sự bền vững của nó.
Có người nói ông Trump và báo chí Mỹ cũng có trách nhiệm với việc để tình hình "bung ra" như vậy, ông nghĩ thế nào về điều đó?
- Ở đây là việc người ta có quyền dùng tất cả biện pháp mà luật pháp nước Mỹ cho phép để bày tỏ sự bất bình, bày tỏ sự không đồng tình hoặc tìm ra kết quả cuối cùng bầu cử. Chính ông Mike Pence nói rằng, ông hoan nghênh việc sử dụng các biện pháp luật pháp cho phép trong đó có khiếu kiện tại chính phiên họp Quốc hội như giải pháp cuối cùng. Ngay cả ông Trump, sau khi Quốc hội chứng thực kết quả ông Biden thắng, ông Trump đã nói 2 ý quan trọng: Thứ nhất, ông sẽ ủng hộ chuyển giao hòa bình; và thứ hai, tất cả những gì ông "tranh đấu" lâu nay là tìm sự thật lá phiếu, nhằm làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Đó là đặc thù lớn nhất của nước Mỹ. Ở đây là việc bày tỏ bất bình, không đồng tình với những gì xảy ra kể cả việc bầu cử, nhưng nếu bỏ qua luật pháp, xông vào nhà Quốc hội thì có lẽ bản thân ông Trump cũng không mong muốn, thông điệp video ông kêu gọi người biểu tình rút đi cũng thể hiện điều đó. Còn khi luật pháp cho phép khiếu nại lên tòa án bang, Uỷ ban bầu cử bang, Quốc hội thì bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng. Có lẽ nhìn như vậy đúng đắn hơn.
Ông nhận xét thế nào về 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, nếu nói ngắn gọn?
- Nhìn một cách khách quan, trong thời gian qua, khi ông Trump thắng cử, người ta đều nhận xét rằng những gì ông ấy đã hứa thì ông đều quyết tâm làm. Thứ hai, trước khi đại dịch thì rõ ràng kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng gần 3%, công ăn việc làm quay lại. Năm 2019, con số thống kê tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ thấp nhất 50 năm qua. Thứ ba, trong chính sách đối ngoại, dù ông nói lợi ích Mỹ trên hết, nhưng ông vẫn theo đuổi 2 vế, một vế là vai trò và lợi ích của Mỹ, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh và đối tác.
Trump có nhiều di sản đối ngoại, dù rằng có thể gây tranh cãi: Chuyện cạnh tranh nước lớn Mỹ - Trung thể hiện ông muốn xây dựng quan hệ có đi có lại, hai bên cùng có lợi. Trung Đông cũng là cách nhìn khác. Chuyện gắn kết Châu Á - Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương thành chính sách Thái Bình Dương tự do và rộng mở… Người ta có thể nhìn nhiều chiều khác nhau, nhưng những di sản đó tiếp tục tồn tại mà tổng thống mới của Mỹ không phải một sớm một chiều có thể bỏ ngay, có chăng phải có sự thừa kế và lựa chọn nhất định.
Còn những thất bại của ông thì có 2 việc lớn. Thứ nhất, một nước Mỹ bị lâm vào khủng hoảng đại dịch như vừa rồi thì rõ ràng tổng thống đương nhiệm phải có vai trò trách nhiệm. Covid-19 là điều chưa từng xảy ra và đã ảnh hưởng nhiều nước, kể cả nước Mỹ có tiềm lực lớn nhất về tài chính lẫn y tế cũng bất ngờ lúng túng không xử lý được, làm chìm thành quả 3 năm cầm quyền trước đó. Thứ hai, một nước Mỹ bị phân hóa thì ông Trump dù đề ra khẩu hiểu chống tha hóa chính trị nhưng chưa đoàn kết được nước Mỹ.
Song, việc nước Mỹ bị phân cực thì rõ ràng không phải đến thời Trump mới phân cực, mà điều đó tồn tại tiềm ẩn từ lâu. Đến bầu cử lại có cả yếu tố đảng phái giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nói đến sự phân cực, hãy nhìn lại lịch sử nước Mỹ, những câu chuyện về sắc tộc, bất bình đẳng, thu nhập… là có, là quá trình tiến dần lên trong lịch sử của họ. Đến những năm 1960 mới có các phong trào dân quyền, nhân quyền, trước đây những câu chuyện phong trào da màu, bình đẳng giới, nữ quyền… là thực tiễn chứ không phải đến thời ông Trump mới có.
Nước Mỹ sẽ cần làm gì để khôi phục lòng tin trong nhiệm kỳ của Tổng thống mới?
- Đầu tiên Tổng thống mới sẽ phải đưa nước Mỹ khỏi đại dịch, chắc chắn đó là việc trước hết phải làm. Thứ hai, những gì đem lại phúc lợi và bình đẳng cho người dân rõ ràng họ phải xử lý lại. Trong lòng nước Mỹ còn những câu chuyện chuyện cảnh sát bắn chết người da màu, phân biệt chủng tộc, khoảng cách thu nhập…
Muốn làm gì thì làm, nước Mỹ là nền chính trị dựa trên 2 đảng chính là Cộng hòa và Dân chủ. Nếu 2 đảng tiếp tục tranh cãi mà không hợp tác thì nước Mỹ còn chia rẽ. Họ phải xử lý lại những việc đó - đó là bài học của năm 2020 này.