Chuyên gia Vũ Tú Thành: Ông Donald Trump đang gây sốc không kém khi ông bước vào Nhà Trắng
Chuyên gia Vũ Tú Thành: Ông Donald Trump đang gây sốc không kém khi ông bước vào Nhà Trắng
V.N thực hiện
Thứ năm, ngày 07/01/2021 13:44 PM (GMT+7)
Ông Vũ Tú Thành, người có nhiều năm theo dõi chính trị Mỹ cho rằng, Tổng thống Donald Trump không muốn tin vào thất bại của mình cũng như trước đây ông không dám tin vào chiến thắng của mình.
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump trong việc người biểu tình tràn vào Quốc hội Mỹ - cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Mỹ?
- Donald Trump đã kịch tính hoá (dramatized) nhiệm kỳ tổng thống của mình và cả nền chính trị Mỹ theo cách không ai có thể tưởng tượng nổi. Ông vào Nhà Trắng trong hoàn cảnh một cuộc bầu cử đầy kịch tính mà chính ông và những người thân cũng bất ngờ với kết quả. Màn trình diễn cuối cùng khi ông rời Nhà Trắng cũng gây sốc không kém khi những cáo buộc gian lận bầu cử của ông đã kích thích đám đông cuồng nộ ủng hộ mình chiếm toà nhà Quốc hội Mỹ để ngăn cản lễ chứng nhận kết quả bầu cử không thuận lợi cho ông.
Nếu cách đây 4 năm ông từng không dám tin vào chiến thắng của mình thì bây giờ ông lại không muốn tin vào thất bại trong cuộc bầu cử lần này, một thất bại được tua đi tua lại bởi chính ông ở hơn chục cuộc kiểm phiếu lại và gần 100 vụ kiện tụng về bầu cử ở tất cả các cấp toà án.
Việc những người biểu tình hung tợn vượt qua hàng rào bảo vệ tràn vào xâm chiếm toà nhà Quốc hội Mỹ đã khiến chính những chính trị gia Cộng hòa trung thành với Trump phẫn nộ (hay lo sợ?) và lên án mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu ông phải kêu gọi người biểu tình chấm dứt bạo lực và các hành động phá hoại để về nhà. Trump buộc phải làm theo, kêu gọi họ "về nhà" và "giữ hoà khí", nhưng vẫn không quên ca ngợi và nhắc họ về "chiến thắng vang dội" của ông.
Tuy nhiên, màn trình diễn cuối cùng này cũng chỉ có tác dụng làm chậm quá trình chứng nhận kết quả kiểm phiếu ở Quốc hội thêm vài giờ, chứ không giúp Trump kéo dài nhiệm kỳ của mình thêm bất kỳ phút nào.
Hành động hôm nay của ông Trump và đám đông cuồng nộ ủng hộ ông đã minh chứng (vindicated) cho tuyên bố chung cách đây 2 ngày của 10 cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đứng đầu là Dick Cheney vốn là một "diều hâu" Cộng hòa khét tiếng, cảnh báo về khả năng Trump có những hành động "điên rồ" và kêu gọi quân đội trung thành với Hiến pháp chứ không phải với một cá nhân nào (ám chỉ Trump).
Báo chí Mỹ gọi việc tấn công vào nhà Quốc hội Mỹ là thách thức với thể chế của Mỹ. Ông nhận xét điều đó thế nào?
- Với việc chính Trump và những chính trị gia ủng hộ ông cũng cảm thấy vụ tấn công biểu tượng thiêng liêng nhất của dân chủ Mỹ là quá đáng và kêu gọi đám đông về nhà, khả năng lôi kéo quân đội phục vụ cho mục đích tại vị của ông chính thức tiêu tan.
Dĩ nhiên trật tự nhanh chóng được vãn hồi ở thủ đô Washington DC với lệnh giới nghiêm được triển khai và các lực lượng địa phương xung quanh và liên bang được điều động tăng cường cho nơi đây. Lực lượng bảo vệ Quốc hội Mỹ đã hành động rất chuyên nghiệp và kiềm chế để tránh thương vong cho người biểu tình, dù điều đó khiến cho một số kẻ quá khích có cơ hội đột nhập toà nhà Quốc hội và làm gián đoạn quá trình kiểm phiếu vài giờ. Những người này sẽ bị trừng phạt, một số đã bị bắt, và Trump sẽ không tại vị đủ lâu để ân xá cho họ khi họ bị đem ra xét xử và kết án.
Nền dân chủ ở Mỹ, và có lẽ trên cả thế giới, cũng như sự kiên nhẫn của những người dân và lãnh đạo Mỹ yêu hoà bình, đã trải qua bài kiểm tra sức bền (stress test) cường độ cao trong suốt 4 năm qua. Bài test đó đã làm bật ra một số khiếm khuyết, nhưng nó cũng chứng minh sức bền của một hệ thống được xây dựng trên những nguyên tắc và giá trị phổ quát đề cao sự tự do và phẩm giá của con người.
Cũng giống như Covid-19 khiến thế giới chao đảo nhưng đã đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và gia tăng nhanh chóng số lượng các loại vắc xin được điều chế, Trump và chủ nghĩa Trump đã làm gia tăng sự quan tâm đến chính trị của người dân để bảo vệ những quyền căn bản của mình.
Sự cố này liệu có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử?
- Cuộc họp của 2 viện Quốc hội Mỹ nhằm chứng nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri theo danh sách đã được Hội đồng bầu cử 50 bang chứng nhận và gửi cho Quốc hội Liên bang. Về lý thuyết, các nghị sỹ Cộng hòa (gồm 6 Thượng nghị sĩ và hơn 100 Hạ nghị sĩ) có thể phản đối kết quả phiếu đại cử tri của từng bang, nhưng do Đảng Dân chủ chiếm đa số Hạ viện nên mỗi sự phản đối đó sẽ nhanh chóng bị bác bỏ (mà không phụ thuộc vào quyết định của Thượng viện, dù Thượng viện cũng chắc chắn sẽ bác bỏ tất cả các phản đối, vì chỉ có 6 Thượng nghị sĩ phản đối kết quả bầu cử). Số nghị sỹ Cộng hòa lúc đầu đăng ký phản đối kết quả bầu cử cao hơn nhưng ngay sau vụ bạo loạn nói trên, hơn nửa số Thượng nghị sỹ đó đã đổi ý, lên án bạo lực và chuyển sang ủng hộ kết quả bầu cử. Hàng chục thành viên Hạ viện phe Cộng hòa cũng làm như vậy.
Hiện có 6 bang Trump muốn phản đối kết quả bầu cử. Trong những cuộc bầu cử sít sao trước đó, sự phản đối chỉ cần tập trung vào 1 bang, thậm chí 1 hạt (county). Thời gian xử lý khiếu nại cho mỗi bang tối đa là 2 giờ. Vì vậy, lẽ ra trưa nay giờ Việt Nam là kết thúc thủ tục chứng nhận Biden thắng cử.
Một số người ủng hộ Trump bám vào lập luận của các luật sư của ông là Phó Tổng thống Mike Pence có thể không công nhận kết quả kiểm phiếu hoặc chí ít cũng câu giờ (đến 17/1?) bằng cách đặt câu hỏi cho các bang về sự chắc chắn của họ về kết quả kiểm phiếu đại cử tri ở mỗi bang.
Sự thật là với tư cách chủ trì phiên họp (là Phó Tổng thống hoặc Thượng nghị sĩ có thâm niên lâu nhất), Pence chỉ công bố kết quả được một người thông báo do Quốc hội cử ra mang đến cho ông sau khi hòm phiếu của mỗi bang được mở và phiếu đại cử tri được kiểm đếm.
Ông không có quyền đặt câu hỏi nào cả. Thậm chí, những lời ông nói cũng được viết sẵn và lặp đi lặp lại trong các lễ chứng nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri trước đây. Không có câu nào trong số đó là câu hỏi cả. Vai trò của người chủ trì trong buổi lễ này cũng giống như vai trò Linh mục trong chứng nhận hôn lễ, chỉ mang tính thủ tục và chỉ được thực hiện một số động tác và phát ngôn đã được quy định sẵn, chứ không có quyền quyết định gì cả.
Pence có thể từ chối không đọc kết quả, tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã có phương án dự phòng là cử chủ trì thay thế (là Thượng nghị sĩ có thâm niên lâu nhất) trong trường hợp Pence không thực hiện được chức năng của mình. Mà Thượng nghị sĩ có thâm niên cao nhất hiện nay là Patrick Leahy của Đảng Dân chủ. Nên về mặt kết quả, buổi lễ chứng nhận sẽ chẳng có gì bất ngờ.
Những bất thường có thể xảy ra là về thời gian kéo dài hay một số phát ngôn phá đám của các nghị sỹ Cộng hòa. Tuy nhiên, các nghị sỹ không có quyền phát biểu gì trong lễ kiểm phiếu cả, nếu hành động quá mức họ có thể bị lãnh đạo Quốc hội ra lệnh cho bảo vệ đưa ra ngoài. Toàn bộ buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp qua kênh truyền hình quốc hội C-SPAN.
Nên về cơ bản, Trump sẽ không còn việc gì để làm liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống nữa. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn có thể cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ ở bang Georgia nhưng điều đó cũng không thay đổi kết quả bầu cử tổng thống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.