Đại sứ Phạm Quang Vinh: Dù ai nắm quyền, quan hệ Việt - Mỹ vẫn có đà phát triển

Mỹ Hằng thực hiện Thứ năm, ngày 05/11/2020 16:21 PM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng, cách tiếp cận và xử lý các vấn đề Châu Á của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ có khác biệt, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách can dự ở khu vực. Tuy nhiên, quan hệ Việt - Mỹ vẫn tiếp tục có đà phát triển tốt đẹp.
Bình luận 0

Trump chỉ còn "khe cửa hẹp"

Đại sứ nhìn nhận tình hình bầu cử Mỹ đến giờ như thế nào?

- Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: Cho đến sáng nay (5/11) theo giờ Hà Nội, kết quả bỏ phiếu ở Mỹ được cập nhật trên Fox News là 264 phiếu đại cử tri cho ông Joe Biden và 214 phiếu cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Trước đó, các bang Wisconsin và Michigan đã cơ bản thuộc về Biden.

Vẫn còn 5 bang chưa kiểm, trong đó có 4 bang quan trọng: Nevada 6 phiếu, Pennsylvania 20, Georgia 16 phiếu, North Carolina 15, và Alaska chỉ 3 phiếu. Trong 4 bang này thì Biden chỉ cần 1 trong 4 bang đó là thắng. Việc kiểm phiếu đang rất sát sao. Những phiếu còn lại cần kiểm chủ yếu là phiếu bỏ trước, trong đó chủ yếu là phiếu bỏ qua thư - những phiếu này thiên màu xanh nhiều hơn (do người đi bầu sợ Covid-19, không muốn xếp hàng bỏ phiếu trực tiếp, và những người này chủ yếu ủng hộ Biden - PV). Như vậy bất kỳ bang nào báo Biden thắng là ông ấy thắng chung cuộc.

Còn Trump muốn thắng thì 4 bang còn lại đó phải thuộc về ông ấy, với 57 phiếu nữa để có 271 phiếu.

Nevada đang xanh nhạt nghiêng về Biden. Quá trình kiểm phiếu ở Nevada đến 5/11 bắt đầu lại, kéo dài nhất đến 12/11. Khả năng Biden thắng ở đó nhưng kết thúc kiểm phiếu chậm hơn.

Pennsylvania là ngang ngửa, đang thu hẹp dần khoảng cách mà Trump dẫn.

Vấn đề là chỉ còn Georgia và North Carolina cần theo dõi thêm, dù 3 bang này nghiêng hồng, nhưng khả năng sắp tới tới có thể đảo lộn.

Ngược lại Trump vẫn còn cửa nhưng rất hẹp, là bắt buộc thắng cả 4 bang còn lại.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Dù ai nắm quyền, quan hệ Việt - Mỹ vẫn có đà phát triển - Ảnh 1.

Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu năm nay được dự đoán cao kỷ lục, ở mức 67%. Ảnh: BBC.

Hôm qua có lúc tưởng như Trump đã thắng? Nhiều người đã thấy việc lật ngược ưu thế dành cho Biden rất bất ngờ?

- Nếu chỉ theo dõi ngày hôm qua từ đầu giờ bỏ phiếu đến nửa buổi chiều ở Mỹ, với những phiếu bỏ theo cách thông thường thì cực kỳ hồi hộp và kịch tính. Nhưng cần thấy thế này: Dự kiến năm nay có 67% cử tri đi bỏ phiếu - một mức cao kỷ lục,  tức là khoảng 160 triệu  cử tri. Nhưng cần lưu ý, trước ngày 3/11 đã có gần 101,1 triệu người đi bầu, tức là khoảng 63%. Vậy thì ngày 3/11 là chỉ còn chưa đầy 40% đi bỏ phiếu trực tiếp, cộng với 60% đã bỏ phiếu trước đó.

Thứ hai, cũng theo 101 triệu cử tri  bỏ phiếu sớm đó, có trên 60 triệu bỏ phiếu bằng bưu điện, với trên 30 triệu bỏ phiếu trực tiếp sớm. Tỷ lệ lâu nay là cử tri Dân chủ bỏ phiếu bưu điện nhiều hơn,  2/3 cử tri bỏ phiếu qua bưu điện là thuộc phe Dân chủ. Còn người Cộng hòa bỏ phiếu trực tiếp nhiều hơn, nhất là ngày bầu cử.

Từ đó sẽ thấy việc kiểm phiếu bỏ qua  bưu điện có thể gây đảo chiều rõ ràng. Ở Mỹ, việc kiểm phiếu bỏ trước do các bang quy định, có bang kiểm trước ngày bầu cử, có bang đến ngày bầu cử mới kiểm. Nên việc kiểm phiếu  của ngày 3/11 là đồng thời kiểm cả phiếu bỏ trước, cả phiếu bỏ hôm đó. Các phiếu gửi qua bưu điện kiểm lâu hơn do cần kiểm tra phong bì, hình thức, xác nhận cử tri… Nên khi thông tin về phiếu bỏ bưu điện được đưa ra thì gây đảo chiều kết quả là như vậy.

Biden sẽ không khó lường như Trump trong đối ngoại

Nếu ông Biden hay ông Trump thắng cử thì chính sách đối ngoại của họ với Châu Á và Việt Nam có thay đổi không? Nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng như hiện nay?

- Có  thể hiểu là có 2 mô hình chính sách đối ngoại: Thứ nhất là Donald Trump của 4 năm qua. Nếu Trump thắng thì chắc ông ấy sẽ tiếp tục chính sách đó, có thể cụ thể hóa thêm, triển khai thêm.

Còn nếu Biden thắng, cần nhớ ông đã  8 năm là Phó Tổng thống của Obama. Có một chính sách mà ông Obama gắn bó là tái cân bằng sang Châu Á.

Từ 2 mô hình đó có thể nhìn nhận sau bầu cử lần này chính sách với Châu Á sẽ có cái gì giống nhau hoặc khác nhau.  

Nếu Biden lên nắm quyền, có lẽ thấy mấy việc rất rõ mà ông từng nói ra, vừa có phần là giá trị của Đảng Dân chủ, vừa có phần của chính sách tái cân bằng thời Obama. Thứ nhất, ông Biden sẽ nhấn mạnh hệ giá trị dân chủ, nhân quyền, môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch. Thứ hai, Biden cũng nhắc nhiều gần đây là việc tái khôi phục quan hệ và tham vấn với đồng minh, bao gồm cả sử dụng lại các kênh đa phương. Thứ ba là cách tiếp cận, có thể ông ấy sẽ trở lại ngoại giao truyền thống nhiều hơn, sẽ dễ dự đoán, dễ lường trước và có trật tự hơn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Dù ai nắm quyền, quan hệ Việt - Mỹ vẫn có đà phát triển - Ảnh 2.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ông Biden sẽ có cách tiếp cận dễ đoán định hơn. Ảnh: Phạm Hưng.

Để phân tích cụ thể thêm, thì Mỹ luôn nhấn mạnh lợi ích quốc gia và vai trò toàn cầu của nước Mỹ, cái đó là bất di bất dịch dù là người của đảng nào thắng cử. Bên cạnh đó, 3 điểm nói ở trên sẽ có cách tiếp cận, xử lý, ưu tiên có thể khác nhau.

Nếu hình dung một loạt vấn đề đặt ra Biden có gì khác với Trump hiện nay: Ví dụ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - một giá trị mà cả Obama, Biden và Đảng Dân chủ coi trọng, thì khả năng quay lại Hiệp định là có nhiều, nhưng quay lại thế nào thì là việc sau này.

Về chủ nghĩa đa phương: Liệu ông ấy có quay lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không thì tôi nghĩ sẽ có. Phòng chống dịch từng là bất đồng giữa 2 ứng cử viên. Phòng chống dịch và hợp tác quốc tế là chuyện lớn với nước Mỹ.

Nhưng có những chuyện không phải một sớm một chiều mà đảo ngược được. Tình hình Trung Đông đã khác. Việc Israel đã ký hiệp định hòa bình với 3 nước phải tiếp cận thế nào để kết nối việc này với tiến trình hòa bình ngày xưa.

Thêm nữa là chuyện tương quan lực lượng nước lớn với thế giới gồm cả Châu Á - Thái Bình Dương. Phải thấy không chỉ đến thời Trump mà trước đó nước Mỹ đã phải tính toán định vị lại lợi ích chiến lược của mình trong bối cảnh nhiều thay đổi sâu sắc trên chính trường quốc tế và thách thức với vai trò vị trí toàn cầu của Mỹ. Phải nhìn nhận nếu Biden lên thì cần đồng minh hơn hay sử dụng chủ nghĩa đa phương nhiều hơn. Nhưng nước Mỹ thấy rằng Mỹ phải giảm bao cấp bên ngoài, giảm chi tiền bên ngoài cũng như sự can dự các cuộc chiến tranh bên ngoài. Những việc này Trump có thể xử lý khác, Biden xử lý khác nhưng đó là chính sách của cả nước Mỹ, của 2 đảng, không phải chỉ 1 đảng. 

Quan hệ nước lớn trong đó câu chuyện cường quốc số 1 và 2 cạnh tranh chiến lược cũng vẫn là chuyện 2 đảng. Thời gian qua, một số nghị quyết của Quốc hội Mỹ với Trung Quốc liên quan đến cả hai đảng. Sự gia tăng cạnh tranh là có nhưng chuyện hợp tác vẫn còn, người ta gọi hai bên là đối thủ chiến lược chứ không phải kẻ thù, hai bên vẫn hợp tác nhưng cạnh tranh lớn hơn.

Về quan hệ với Trung Quốc, nếu xem xét trong các nước lớn đâu là đối thủ hàng đầu, thách thức hàng đầu thì Trung Quốc  không chỉ là chuyện cá nhân của 2 ứng cử viên  hay 2 đảng mà là chuyện của cả nước Mỹ. Thời Obama đã tính đến điều chỉnh chính sách. Nước Mỹ đã nhìn nhận một Trung Quốc theo cách khác, mà Trung Quốc bây giờ cũng đã khác sau khi rút bớt chính sách giấu mình chờ thời.

Nhưng cách làm với Trung Quốc của ông Biden sẽ khác hơn: Có lẽ ông vẫn sẽ theo cách ngoại giao truyền thống. Ông từng nói: Vẫn sẽ tiếp tục đấu với Trung Quốc về công nghệ, song thái độ cứng rắn vấn đề này hay vấn đề khác thì cũng phải thực hiện theo luật pháp quốc tế. Ông cũng tuyên bố sẽ tham vấn đồng minh trong việc xử lý thuế với Trung Quốc hiện hành thế nào. Rõ ràng ông sẽ chia sẻ nhiều hơn với đồng minh.

Tóm lại, thách thức với Trung Quốc là chuyện của cả nước Mỹ. Vấn đề quản trị, cạnh tranh và hợp tác này theo cách của  Biden sẽ giống ngoại giao truyền thống nhiều hơn, không khó lường và bất ngờ như Trump. Nhưng nếu đặt dấu hỏi trực diện đối đầu Mỹ - Trung như thế nào thì phải chờ.

Về Châu Á - Thái Bình Dương: Mỹ rất cần Châu Á - Thái Bình Dương, dù ai lên thì đây vẫn là khu vực quan trọng, Mỹ không thể không can dự, không hợp tác. Đây là khu vực địa chiến lược quan trọng, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở đây. Việc chuyển cục diện địa chiến lược từ đông sang tây ở đây, động lực phát triển kinh tế thế giới ở đây. Có lẽ  cách làm của Biden gần hơn và cập nhật với câu chuyện tái cân bằng thời Obama mà ông làm Phó Tổng thống. 

Nhưng bây giờ nước Mỹ đã khác, ví dụ ngay trong chiến lược tái cân bằng. Một trong những thành tố quan trọng trong tái cân bằng của Obama là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trump không chỉ chống sự can dự của Mỹ với TPP. Nhìn lại bầu cử 2016, ngay cả nếu Hillary lên sau bầu cử thì TPP cũng có thể không còn nữa, khi nước Mỹ nhìn nhận lại sự chuyển đổi sang bên ngoài. Bộ khung có thể gần với truyền thống. Nhưng Châu Á - Thái Bình Dương thay đổi, cục diện thế giới thay đổi, Mỹ định vị lại cách tiếp cận với Trung Quốc và Nga thì phải có gì mới và cập nhật. Trong tranh cử, khi hai bên tập trung vào vấn đề dịch bệnh và nội bộ thì việc này chưa rõ. Nhưng Mỹ cần Châu Á - Thái Bình Dương, sẽ can dự ở đây, song cập nhật ra sao thì phải chờ.

Dù muốn hay không, trong thời gian qua  qua niềm tin vào nước Mỹ đang bị thách thức: Chuyện có những cam kết trước đây không được thực hiện bao  gồm cả tái cân bằng, người ta vẫn nói chiến lược tốt, nhưng chưa thấy hành động của Mỹ lấp  đầy; hai là khi chuyển giao chính quyền thì có nhiều thay đổi. Như vậy, Biden đứng trước thách thức cập nhật chiến lược mới của Mỹ khi nước Mỹ, thế giới  và Châu Á - Thái Bình Dương thay đổi.

Giữa chiến lược tái cân bằng của Obama và chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Trump trên thực tế có những song trùng về lợi ích giữa hai đảng, vậy thì giữ lại cái gì. Tầm nhìn và chiến lược này vẫn chưa thể hiện rõ.

Đối ngoại là điều quan trọng, nhưng có 2 nhiệm vụ mà bất kỳ Tổng thống nào cũng phải dồn vào đầu tiên sau khi nắm quyền: Nước Mỹ đứng trước đại dịch và cần phát triển kinh tế. Đó là bài toán bắt buộc mà ai lên người dân cũng trông đợi. Thứ hai là nước Mỹ phân hóa, sau mỗi cuộc vận động chính trị  như thế này càng phân hóa, thì đoàn kết nước Mỹ ra sao.

Quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đà phát triển

Đại sứ có thể cho biết, việc Việt Nam tiếp cận với Tổng thống mới của Mỹ sẽ như thế nào? Trước đây khi là Đại sứ tại Mỹ, ông dã tiếp cận với tân Tổng thống Trump khi đó rất sớm.

- Ông Trump là trường hợp khác, ông từ giới doanh nghiệp và chưa có bộ máy về chính trị. Còn  ông Biden đã từng trong chính quyền, có phụ tá trong chính quyền, hệ thống chính trị đã có. Nếu là Joe  Biden thắng cử thì sẽ không khác gì trước đây khi các Tổng thống Obama hay Bush lên nắm quyền.

Song luôn luôn Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa, coi trọng quan hệ với các đối tác của Việt Nam. Mỹ là đối tác hàng đầu cả song phương, về kinh tế và địa chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua có 2 thứ đặc biệt: Ngày càng phát triển và có đà trong quan hệ 2 nước. Quan hệ này cũng đã trải qua các tổng thống khác nhau và các đảng khác nhau, nhưng dù ai là tổng thống thì Mỹ vẫn là đối tác hàng đầu về chính trị, kinh tế, thương mại, Việt Nam vẫn cần và có có cơ sở căn bản phát triển quan hệ theo đà đó đi lên.

Nhưng mỗi chính quyền mới của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác, họ sẽ có các tiếp cận và ưu tiên khác, nên cũng phải tìm hiểu làm sao để tiếp cận ưu tiên trong giai đoạn mới. Việt Nam cũng có những ưu tiên, như đã đề ra trong dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng, là hướng tới chất lượng kinh tế cao hơn, đời sống tốt hơn, đưa thu nhập lên mức trung bình cao… Dù có tiếp cận mới, ưu tiên mới vẫn phải duy trì đà quan hệ, tạo cơ sở mới cho quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn, thúc đẩy điểm tương đồng, có khác biệt thì có kênh đối thoại dể quản trị khác biệt đó.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem