Bác sĩ Ngô Anh Vinh – Phó trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận 1 bé gái 13 tuổi uống thuốc trừ sâu tự tử.
Tại Trung tâm Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), em đã được xử trí cấp cứu như rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch và sử dụng thuốc giải độc. Sau khi ổn định các chức năng sống, bé gái được chuyển Khoa Sức khỏe vị thành niên để điều trị tâm lý.
Qua lời kể của em, giữa năm học 2020 vừa qua, cô giáo đã xếp em chung bàn với 2 bạn nam. Em đã thường xuyên bị 2 bạn trêu chọc như giật, ném sách vở, lấy sách đập vào đầu em. Dù đã rất căng thẳng, bực bội vì bị hành hạ nhưng bạn bè trong lớp còn chế giễu, ghép đôi em với một trong 2 bạn nam đó.
Điều này khiến em cảm thấy uất ức, xấu hổ, lo sợ nên không thể tập trung học. Do đó, học lực của em càng ngày càng giảm sút. Khi em bị điểm kém thì cả lớp lại cười chê khiến em càng tự ti, không muốn đi học. Em rất sợ hãi việc đến trường nhưng không ai hiểu và giúp đỡ em.
Dần dần, em cảm thấy cuộc sống u uất, cô độc. Em cũng không giao tiếp với ai, kể cả bố mẹ hay anh chị em, thậm chí không ăn cùng gia đình. Em đã tìm cách để giải thoát khỏi sự căng thẳng, sợ hãi. Em đã nhắn tin cho vài người bạn thân về tâm trạng của mình rồi tự đi mua thuốc trừ sâu.
Nửa đêm, em đã uống 2 gói thuốc trừ sâu, sau đó em cảm thấy chóng mặt, nôn liên tục rồi ngã gục xuống nhà. Bố mẹ phát hiện kịp thời và đưa con tới bệnh viện để cấp cứu.
"Tại khoa Sức khoẻ vị thành niên, bệnh nhi này luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ và đau đầu. Suốt ngày, trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá cháu có những sang chấn về tinh thần", bác sĩ Vinh chia sẻ.
Theo bác sĩ Vinh, sau 1 tuần trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Trẻ cảm thấy khoẻ và vui vẻ hơn, hoà đồng với các bạn trong phòng và với mọi người. Ngoài ra, trẻ cũng ăn, ngủ tốt hơn và được ra viện sau đó.
Theo bác sĩ Vinh, đây không phải lần đầu ông tiếp nhận những bệnh nhân - nạn nhân của bạo lực học đường như vậy. Có trẻ tự tử dù được cứu sống nhưng bị tổn hại nặng nề đến sức khỏe. Ngoài ra, còn có nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, có thể là "bóng ma" trong suốt cuộc đời em. Đặc biệt, sau khi điều trị, nếu tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn thì trẻ có thể tiếp tục có hành vi tự sát khác.
"Không ít trẻ sau khi bị bạn học bắt nạt và tự tử đã không còn có cơ hội để được điều trị về tâm lý. Do đó, bạo lực học đường cần được phát hiện và ngăn chặn từ sớm", bác sĩ Vinh chia sẻ.
Bác sĩ Vinh nhận định, việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là gia đình và nhà trường.
"Các bậc phụ huynh cần giành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kĩ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ trong trường học.
Đối với nhà trường, môi trường học tập tích cực, thân thiện bên cạnh sự đồng hành của giáo viên là yếu tố cần thiết giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh.
Các giáo viên cần chú ý không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp và cần phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học. Bên cạnh đó, giáo viên phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa".