Trao đổi với PV Dân Việt ngày 13.10, bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, gia tăng trầm cảm là “bệnh xã hội” khi kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng trong đó giới công chức, viên chức, kinh doanh chịu tác động nhiều hơn cả. “Giới trí thức bị áp lực công việc, cạnh tranh lẫn nhau để có thể giữ việc, thăng tiến hoặc kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao, tham vọng ngày càng lớn. Các mối quan hệ cá nhân cũng ngày càng phức tạp càng khiến trí thức “rối trí””- bác sĩ Cương phân tích. Tại BV Tâm thần T.Ư 1, số ca trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần do rượu trong giới trí thức đang ngày càng gia tăng.
Đáng báo động là tình trạng lạm dụng bia rượu trong giới trí thức đang làm sức khỏe tâm thần của họ suy sụp nhanh chóng, càng khiến họ dễ trầm cảm, hoang tưởng nhiều hơn. Theo bác sĩ Cương, nghiện rượu sinh ra những giấc ngủ rối loạn, ngủ không ngon giấc, đồng thời các chất kích thích, chất độc (methadone) trong bia rượu vừa khiến thần kinh hưng phấn quá mức, vừa phá hủy các tế bào thần kinh. Những người làm việc trí óc đã căng thẳng, lại thêm “cú hích” bia rượu, rất dễ bị tâm thần hoang tưởng. Đến lúc đó, hành vi, lời nói đều sẽ rối loạn, họ phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, một số trường hợp cũng chủ quan sử dụng các ma túy biến tướng và cho rằng chỉ dùng cho biết, dùng để kích thích đầu óc, giảm mệt mỏi. Tuy nhiên, ma túy nào dùng cũng gây nhưng kích thích tâm thần, có hại cho sức khỏe.
Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ ngày càng trầm cảm nặng và dẫn đến hành vi tự tử
Gần đây đã ghi nhận hàng loạt các vụ tự sát của giới công chức, viên chức. Ngày 1.9, tại Tp Cần Thơ, bí thư đoàn phường Tân An (quận Ninh Kiều), 34 tuổi đã uống thuốc sâu tự tử ngay tại cơ quan. Rất may đồng nghiệp phát hiện kịp thời, đưa đi viện cấp cứu nên qua cơn nguy kịch. Ngày 3.7, một thiếu úy công an Thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng treo cổ tự tử sau khi được đưa đến viện vì tai nạn giao thông. Ngày 22.6, một thiếu tá thuộc công an tỉnh Đồng Tháp cũng đã dùng súng tự sát tại nhà riêng…
Theo bác sĩ Cương, các dấu hiệu trầm cảm thường là: khí sắc kém, buồn bã, mất sự quan tâm, hứng khởi đối với các sở thích, mất ngủ, người mệt mỏi, sút cân, bơ phờ mà không có lý do; đánh giá bản thân thấp, thường nói lời chán nản, tự ti, buộc tội cho mình. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ ngày càng trầm cảm nặng và dẫn đến hành vi muốn tự tử và tự tử.
“Khi thấy người thân mình có các biểu hiện như vậy cần phải quan tâm, trò chuyện để cởi gỡ khúc mắc cho họ. Nếu bệnh không giảm thì cần đưa đi viện điều trị để tránh những hành động đáng tiếc” – bác sĩ Cương khuyến cáo. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cũng nhận định, hiện nay ngay chính người thân cũng ít có thời gian quan tâm, chăm sóc nhau nên ít nhận biết ra “biểu hiện lạ” của vợ (chồng), con, bố mẹ mình hoặc có nhận thấy cũng bỏ qua. Do đó, rất nhiều trường hợp đến khi nạn nhân đã tự tử mới “ngạc nhiên” không biết tại sao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.