Cậu bé 12 tuổi nhập viện tâm thần vì bố mẹ ép học nhiều quá
Ngày 7/4 hằng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là ngày Sức khỏe tâm thần thế giới nhằm tăng cường nhận thức của toàn xã hội về sức khỏe tâm thần.
Có mặt tại Viện Tâm thần Trung ương, phóng viên bắt gặp đôi mắt đờ đẫn vô hồn trên gương mặt khôi ngô tuấn tú của cậu bé bị bố mẹ ép học đến nhập viện tâm thần.
Chia sẻ với phóng viên về ca bệnh, các bác sĩ cho biết, T (12 tuổi, Hà Nội) sợ đến trường, sợ học, sợ gặp gỡ mọi người, sợ giao tiếp, liên tục cho mình là người kém cỏi.
T. luôn bị ám ảnh bởi thời gian biểu mà bố mẹ đặt ra cho mình. T. luôn trong tâm trạng lo lắng trong khi anh, chị đều đã đạt thủ khoa ở những trường đại học có tiếng ở Hà Nội. T. lo lắng đến nỗi không ăn uống, không ngủ, lúc nào cũng vã mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật, gầy xanh.
Vì áp lực học hành từ phía cha mẹ, gia đình, lúc nào T. cũng tự “nhốt” mình trong phòng để học và học, thậm chí nhiều lúc em nằm lả trên đống sách vở.
Thời gian gần đây, T. không nói, chẳng rằng, người đờ đẩn, mơ màng và được gia đình cho đi khám. Các bác sĩ kết luận em đã mắc bệnh rối loạn tâm thần và phải nằm viện điều trị lâu dài.
Một trường hợp khác có bố mẹ là dân trí thức Hà Nội đặt quá nhiều kỳ vọng ở H. Lên 4 đã cho em đi học tiếng Anh, 5 tuổi đã đọc thông, viết thạo, bố mẹ luôn đặt cho H. mục tiêu đứng đầu lớp.
Từ lúc đó, trong kỳ thi nào H. cũng sợ thi trượt, sợ điểm kém, sợ không đáp ứng được mong muốn của bố mẹ, sợ bị bạn bè chê cười. Trăm ngàn nỗi sợ khiến em phải chịu nhiều áp lực đến phát bệnh tâm thần.
Là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, BS. Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, nhiều trường hợp do bị ép học, lúc nào cũng cho mình là thần thánh, người siêu phàm và hơn hẳn những người khác. Nhiều em lúc nào cũng cho mình thông thạo những kiến thức uyên thâm. Nguy hiểm hơn, các em luôn thấy tiếng nói của người lạ rỉ tai xui khiến. Có trường hợp còn nghe thấy “người lạ” xui không học nữa, lấy lưỡi lam cắt tay tự sát thì gia đình mới phát hiện em bị bệnh hoang tưởng và nhập viện tâm thần.
Học sinh, thanh thiếu niên dễ bị trầm cảm nhất
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, học sinh và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao bị rối loạn trầm cảm nhất.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ. Đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.
Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị nên giúp học sinh thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, được trang bị kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau đồng thời quản lý sức khỏe, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ để tư vấn, giúp đỡ kịp thời và phối hợp với cơ sở y tế và gia đình để chăm sóc sức khỏe cho các em.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng gửi thông điệp: “Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm - Hãy trò chuyện với mọi người. Hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm”.
Chuyên gia y tế khuyên các ông bố bà mẹ hãy lắng nghe con mình, phải biết con mình là ai, và chọn một cách thức phù hợp với lứa tuổi, năng lực của con để tránh tình trạng con rơi vào những trường hợp nhập viện tâm thần.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.