Theo báo cáo từ Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam có 369 Khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích 113.300 ha.
Trong đó, khu công nghiệp đang hoạt động là 280 khu, có tổng diện tích 82.800 ha, diện tích thương phẩm 56.600 ha, tỷ lệ lấp đầy 70,1%. Còn 89 khu công nghiệp đang xây dựng, tổng diện tích 30.500 ha, diện tích thương phẩm 16.300 ha.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào bất động sản trong 11 tháng năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và bất động sản bán lẻ chiếm đến 1/3 trong tổng số hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài vào BĐS được cấp phép mới trong 11 tháng năm 2020.
Một số dự án đầu tư lớn có thể kể đến như dự án cho thuê văn phòng, nhà xưởng, nhà kho và dịch vụ kho bãi huyện Bàu Bàng - tỉnh Bình Dương (trong tháng 10/2020) của Công ty CP Phát triển công nghiệp BW (BW) - liên doanh giữa quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) và Tập đoàn Becamex IDC, dự án của Cainiao Swan Holding (Hong Kong) đầu tư tại khu công nghiệp Phú An Thạnh, tỉnh Long An, với quy mô 235.241m2…
Còn theo số liệu từ Bộ Xây dựng ghi nhận, bất động sản Khu công nghiệp trong năm 2020 vẫn thu hút khách thuê, giá thuê tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, việc các công ty nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam có sự tăng trưởng rõ nét. Tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD.
Cụ thể, TP.HCM dẫn đầu khi thu hút 719 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với 409 dự án, đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư.
Theo dự báo của các chuyên gia, chỉ số FDI/GPD của Việt Nam ở mức cao nhất (6,2%) trong khu vực cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm thu hút FDI nổi trội so với các nước cùng khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam năm 2020 được biết đến nhiều hơn nhờ việc đã ngăn chặn tốt đại dịch Covid-19 nhờ đó mà Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN đạt mức tăng trưởng dương. Điều nay đã thu hút nhiều FDI, sau 11 tháng năm 2020 đạt hơn 26,4 tỷ USD.
Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại, nổi bật là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) và mới đây nhất là UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh). Những lần ký kết này hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ cũng là một chất xúc tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.
Trong năm 2020, Việt Nam đã có thêm 10 dự án giao thông lớn được khởi công ở trên cả 3 vùng miền. Nổi bật có thể kể đến như dự án nâng cấp sân bay Nội Bài ở miền Bắc.
Miền Trung có dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và dự án cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ở miền Nam.
Việc triển khai các dự án giao thông này tạo động lực thúc đẩy tích cực tới các dự án BĐS công nghiệp trong năm 2021.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thời gian này các nhà phát triển khu công nghiệp cũng đang nỗ lực phát triển quỹ đất để phục vụ nhu cầu thuê đất trong tương lai.
Cụ thể, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (liên doanh giữa Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus LLC – Mỹ) đã nâng tổng diện tích quỹ đất công nghiệp lên 500 ha; Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup đã đầu tư hơn 400 triệu USD để phát triển 2 khu công nghiệp có quy mô 200 ha tại Nam Tràng Cát và 319 ha tại huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (KKT Đình Vũ); KBC dự kiến sẽ bổ sung 238 quỹ đất từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (tỉnh Bắc Ninh) vào cuối 2021.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc thị trường Công ty dịch vụ bất động sản JLL Việt Nam: Xét về triển vọng của ngành công nghiệp, giá và tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp trên khắp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh trong vài năm tới. Trong đó 2 ngành nghề dẫn đầu số lượng công ty đầu tư vào các khu công nghiệp là linh kiện điện tử và kho vận.