Sáng 25/1, thông tin với Dân Việt, ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, cơ quan vừa có kết quả xét nghiệm với mẫu bệnh phẩm là cá biển nuôi lồng bè tại khu bến Giang, phường Tân An, TX.Quảng Yên (Quảng Ninh).
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã tiến hành lấy mẫu tại 2 bè nuôi của các ông Trần Văn Nhì (xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên) và ông Nguyễn Văn Tiệng (phường Tân An, TX.Quảng Yên). Ngay sau đó, đơn vị đã tiến hành xét nghiệm theo chỉ tiêu bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển, phương pháp phân tích HD.10-VNN.
Kết quả xét nghiệm, 2 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh VNN (Bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển).
"Những con cá ở khu nuôi trồng bến Giang đang ủ bệnh VNN, khi gặp thời tiết bất lợi như đợt rét đậm, rét hại vừa qua, cá dễ bị chết hơn ở thời điểm bình thường. Bệnh này thường phát khi có thay đổi đột ngột về môi trường, hay thời tiết chuyển mùa" – ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh nói.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cũng đưa ra khuyến cáo cho bà con nuôi trồng thủy sản.
Thứ nhất, bà con nên thu hoạch ngay những đàn cá đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thiệt hại do thời tiết và dịch bệnh.
Thứ hai, ngay khi đàn cá ăn lại sau đợt rét, bà con cần bổ sung các thành phần dinh dưỡng để tăng khả năng đề kháng cho con cá.
Thứ ba, bà con cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của các cơ quan chuyên ngành về phòng chống rét, ứng phó trong điều kiện thời tiết bất lợi đối với nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, ngày 20/1 Dân Việt đã có bài "Quảng Ninh: Cả chục tấn cá song, cá giò chết bất thường hàng loạt, nông dân Quảng Yên xót xa lo mất Tết".
Theo đó, từ khoảng ngày 10/1, hàng tấn cá song, cá giò thương phẩm ở khu vực nuôi cá lồng bè ở bến Giang (phường Tân An, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bỗng dưng chết hàng loạt. Số cá chết bất thường, mỗi con có trọng lượng từ hơn 1-3kg, giá từ 120.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại.
Ngày 22/1/2021, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản số 227, trong đó có hướng dẫn áp dụng một số biện pháp tránh rét cho thủy sản nuôi:
Chỉ tổ chức nuôi trồng thủy sản trong mùa đông đối với các cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện, có thể chủ động các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản;
Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi, nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng...;
Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng... chỉ đạo, tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét;
Đối với diện tích thủy sản đang nuôi (thủy sản chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống) cần khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp chống rét: Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 2m trở lên để ổn định nhiệt độ; Đào hố sâu trong ao từ 2,5 - 3m, rộng 2 - 3m2 ở nơi khuất gió hoặc phía Bắc để cho cá rút xuống trú đông; Thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thủy sản trú ẩn tránh rét, sọt được đặt ở góc phía Bắc ao nuôi.
- Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nylon sáng màu (nếu có đủ điều kiện) hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi.
- Di chuyển lồng bè đến nơi ít gió hoặc thả sâu lồng nuôi 1,8 - 2m.
- Cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15oC thì ngừng cho ăn, vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp.
- Định kỳ dùng CaO, liều lượng 2 - 3kg/100m2 (1 lần/tháng) bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá.
Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến điều kiện tự nhiên, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.