Ở miền Tây, nơi người ta vẫn hay được nhắc đến với hình ảnh người dân chất phác, thật thà, thì cách đón tết cũng rất riêng, gắn liền với từng nét sinh hoạt, đặc điểm văn hóa của người dân vùng sông nước.
Chia mai, tát đìa...
Thông thường, cứ đến ngày 15 âm lịch, đi dọc theo xóm ở nông thôn vào buổi chiều là chúng ta dễ nhận thấy nhà nhà tranh thủ lặt lá mai. Theo bà con, đây là thời điểm thích hợp, vừa đủ để những nụ mai kịp nở đúng vào dịp năm mới.
Còn nếu nhà nào lỡ có cây mai "dở chứng" chẳng chịu nở đúng dịp tết, thì cũng không phải buồn lâu, bởi bà con lại í ới chia nhau những nhánh mai đầy bông, xem như góp một ít không khí tết cho nhau.
Mùi bánh tét thơm lừng, bên bếp lửa hồng sáng rực như ánh sáng thắp lên hy vọng đoàn tụ cho nhiều người xa quê, nhớ tết miền Tây.
Cứ mỗi lần nhắc đến ăn tết ở miền Tây, nhiều người nghĩ ngay đến cảnh tát đìa bắt cá đồng trước tết. Đây dần trở thành nét riêng không lẫn vào đâu được. Không khí tất bật của bà con hàng xóm khi cùng nhau túm tụm tát đìa bắt cá đồng trước tết sẽ mãi là những ký ức khó quên.
Vào dịp cuối năm, khi những nụ mai vàng chuẩn bị bắt đầu khoe sắc, thì người dân miền quê chộn rộn tát đìa. Bà con chòm xóm làm vần công cho nhau, nghe tiếng máy bơm là có mặt chung tay như việc của nhà mình.
Nhiều năm nay, đìa cá đồng của nhà anh Trần Văn Quấn (ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) trở thành địa điểm quen thuộc. Cứ cận tết, chúng tôi lại tụ về đây để tát đìa.
Anh Quấn chia sẻ: "Cứ dịp cuối năm, nhiều gia đình làm lúa ở đây vẫn còn giữ đìa cá đồng sau nhà. Những năm gần đây, lượng cá đồng giảm mạnh, nhưng gia đình vẫn cố giữ. Bắt cá đồng lên thì chia cho bà con, bạn bè mỗi người một ít ăn lấy thảo. Vậy mà vui".
Đó là còn chưa kể, "chiến lợi phẩm" của chúng tôi sau mỗi buổi tát đìa là được bắt những con cá lóc mập ú lên nướng trui. Mùi cá lóc đồng thơm lừng quyện với mùi rơm khô, sẽ mãi là hương vị khó quên đối với những người từng được trải nghiệm.
Khi tát đìa có dư ít cá đồng, bà con cũng tranh thủ làm thêm cá khô, đây là mồi nhắm đãi bạn hiền 3 ngày tết. Hoặc dùng làm quà quê gửi tặng cho bạn bè ở xa.
Gìn giữ nét đẹp làng quê
Đó là ở những vùng nước ngọt, ở miền Tây cũng có những vùng nước mặn ven biển. Tại đây, bà con lại tất bật làm khô cá biển. Cứ như vậy, miếng dưa cải, nồi thịt kho riệu và ít con khô cá là những món ăn quen thuộc trên mâm cơm của người dân miền Tây những ngày tết.
Ngày tết ở miền Tây hầu như ai cũng tất bật, bởi ngoài phải lo dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì việc đồng áng, vuông tôm, ao cá cũng không thể lơ là. Đàn ông trong nhà thì lo tát đìa, bắt cá làm khô; phụ nữ lại lo trồng rau, gói bánh, làm mứt… Hàng ngàn công việc không tên cứ nối nhau những ngày giáp tết.
Và nhắc đến tết ở miền Tây không thể không nhắc bánh tét. Thông thường, khoảng 25 tháng chạp âm lịch, nhiều gia đình sẽ tranh thủ gói bánh Tét để đưa và rước ông bà (ngày 30 tháng Chạp âm lịch). Đây dần trở thành nét văn hóa rất đặc trưng của người dân miền Tây.
Khi cuộc sống có nhiều đổi thay, đời sống cũng tươm tất hơn ngày trước. Nhiều gia đình đã có điều kiện để mua bánh tét, thay vì tự tay gói. Thế nhưng, ở miền Tây, nhiều gia đình vẫn giữ nếp gói bánh tét. Gìn giữ điều này như giữ lại một nét đẹp trong sinh hoạt ngày tết. Cũng là dịp để con cháu quây quần bên nhau.
Mùi bánh tét thơm lừng, bên bếp lửa hồng sáng rực như ánh sáng thắp lên hy vọng đoàn tụ cho nhiều người xa quê, nhớ tết miền Tây.