Dân Việt

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Năm 2021 sẽ là năm lửa thử vàng”

Thanh Phong 11/02/2021 12:55 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, năm 2021 nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với các thách thức. Do vậy, những thành công trong việc ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại (FTA) năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho năm 2021.

Kính thưa Bộ trưởng! năm 2020 ghi nhận 3 dấu mốc lớn liên quan tới các FTA là: Hiệp định EVFTA chính thức thực thi, ký kết thành công Hiệp định RCEP, UKVFTA. Theo đánh giá của ông, đâu là sự kiện đáng chú ý nhất và sẽ đem lại các cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam?

Đây là được coi là 3 dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Cả 3 Hiệp định đều có vai trò quan trọng, bổ trợ cho nhau và thúc đẩy các mục tiêu phát triển thương mại đầu tư, có tác động tích cực đối với cải thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.

Một trong những tác động tổng hòa và quan trọng của cả 3 Hiệp định là vai trò thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường và cơ hội tiếp cận các thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, tránh bị phụ thuộc và một thị trường nhất định. Từ đó đảm bảo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “2021 sẽ là năm lửa thử vàng” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Bên cạnh vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, cả 3 Hiệp định đều giúp chúng ta nâng cao vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế, cải thiện hình ảnh, thế và lực của đất nước. Đồng thời, với 3 Hiệp định này, đời sống xã hội, việc làm, an sinh xã hội trong nước cũng theo đó được cải thiện.

Một ví dụ rõ ràng nhất về vai trò và tác động của các Hiệp định này là kết quả thực hiện Hiệp định EVFTA trong khoảng thời gian 5 tháng vừa qua. Đây là một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để chúng ta có thể nhìn thấy được những tín hiệu tích cực, những tác động quan trọng của Hiệp định này trong thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương.

Có thể kể đến những kết quả tích cực nhất từ những con số xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và EU trong thời gian qua. Cụ thể, tính riêng 5 tháng để từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang EU đạt 17,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Về nhập khẩu, tính riêng 5 tháng để từ khi Hiệp định có hiệu lực, nhập khẩu từ EU đạt 6.9 tỷ USD, tăng 7.6% so với cùng kỳ 2019. Về tổng thể, 12 tháng năm 2020, nhập khẩu từ EU 28 đạt 15.34 tỷ USD, tăng 2.9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với Hiệp định UKVFTA, Hiệp định UKVFTA là bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc tiếp tục tích cực hội nhập quốc tế và đẩy mạnh, nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương.

Cùng với các FTA khác, Hiệp định UKVFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại lâu dài, ổn định và tạo động lực cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác lớn. Ngoài ra, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định UKVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới. Những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ Hiệp định này phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của UK tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ UK trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và năng lượng sạch. Bên cạnh đó, những cơ hội về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hóa cũng như cải cách thể chế sẽ tiếp tục được cộng hưởng từ Hiệp định UKVFTA khi triển khai thực thi Hiệp định UKVFTA.

Với Hiệp định RCEP, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác. Hiệp định RCEP được coi là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đây là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ Đô la Mỹ tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), chúng tôi tin rằng Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “2021 sẽ là năm lửa thử vàng” - Ảnh 2.

Trong năm 2021, 3 FTA lớn đã được ký kết, thực thi.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn như dịch Covid – 19 chưa được kiểm soát, xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng,… Bộ trưởng đánh giá ý nghĩa thành tựu của các FTA sẽ phát huy hiệu quả như thế nào?

Đại dịch Covid - 19 đang tiếp tục lan rộng, tác động sâu sắc, toàn diện trên toàn cầu, gây ra những hậu quả chưa từng có cho tất cả các nền kinh tế. Hiện tại, dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường, có thể nói 2021 sẽ là năm "lửa thử vàng". Cả thế giới phải tiếp tục đối mặt với những thách thức mới và không quốc gia nào có thể đơn phương ứng phó. Chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, chính vì vậy chịu nhiều tác động tiêu cực.

Trong bối cảnh đó, việc ký kết và tiếp tục thực thi các cam kết của các FTA trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong nhiều lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ và đầu tư,... cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, thành tựu đạt được từ các FTA mà Việt Nam tham gia có ý nghĩa lớn và mang lại nhiều tác động tích cực cho Việt Nam.

Trước hết, việc ký kết và tham gia các FTA đã và sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng và thiết lập thị trường xuất nhập khẩu lâu dài. Số liệu cho thấy tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi Việt Nam tham gia FTA.

Nhóm các thị trường tăng trưởng mạnh có thể kể đến là Chi Lê (tăng gấp 3,7 lần sau 3 năm, tốc độ tăng bình quân 54,2%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 6,4 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 30,4%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 13,5 lần sau 10 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,8%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 7,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 18,4%/năm).

Như vậy, thông qua các FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, tăng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, góp phần kiện toàn hơn bộ máy nhà nước thông qua cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.

Thứ hai, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ cũng như những cam kết nhằm tăng cường tạo thuận lợi cho thương mại, các FTA - đặc biệt là các FTA thế hệ mới - sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia. Gia nhập và ký kết các FTA thế hệ mới cũng Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn.

Thứ ba, các FTA góp phần giúp ta tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh-xã hội; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng.

Cuối cùng, việc tham gia vào các FTA giúp nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khu vực quan trọng khác cũng như trên trường quốc tế đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh – thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng leo thang.

Ngoài ra, FTA cũng tạo nền tảng để Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương và góp phần đồng thuận trong nước về tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng ngày càng được củng cố và tăng cường. Đây sẽ là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “2021 sẽ là năm lửa thử vàng” - Ảnh 3.

Hiệp định UKVFTA hứa hẹn sẽ giúp người tiêu dùng Việt tiếp cận với các sản phẩm cao cấp từ thị trường UK.

Xin Bộ trưởng cho biết, trong năm 2021 tới đây, phương hướng, kế hoạch của Bộ Công Thương nhằm tận dụng lợi ích cũng như phát triển các FTA như thế nào?

Để có thể tận dụng tối đa những lợi ích mà các Hiệp định này đem lại, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các đối tác trong lĩnh vực kinh doanh của mình, đồng thời chủ động đổi mới và đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt các cơ hội trong bối cảnh mới.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những thuận lợi mà các FTA Việt Nam đã và sẽ tham gia, Bộ Công Thương sẽ triển khai các kế hoạch trong năm 2021 nhằm tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, Bộ đã xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về Hiệp định, xây dựng các buổi tập huấn bổ sung kiến thức về Hiệp định cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước; xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ mà ta có thế mạnh và tiềm năng.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước đối tác; phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng…