Doanh nghiệp ngại thay đổi, không “mặn mà” với CPTPP
Tính đến hết tháng 7/2019, Việt Nam đã cấp tổng cộng 12.514 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo mẫu CPTPP, với tổng giá trị kim ngạch đạt 246,13 triệu USD.
Cùng với đó, đã có 34.933 bộ C/O được cấp theo mẫu AANZFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand) với tổng giá trị đạt 868,43 triệu USD. Do AANZFTA đã chính thức được thực thi 9 năm từ 2010 nên nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang sử dụng lựa chọn C/O mẫu AANZFTA thay vì CPTPP.
Đánh giá về tình trạng trên, Bộ Công Thương cho hay, trong tổng số 12.541 bộ C/O mẫu CPTPP được cấp, chỉ có 137 bộ dành cho thị trường Australia, với tổng giá trị 451,9 nghìn USD (chiếm 1% về số lượng và 1,8% về giá trị).
Quy định xuất xứ theo CPTPP đánh trúng "điểm nghẽn" của ngành dệt may
Cụ thể, các mặt hàng chính được doanh nghiệp xin cấp C/O mẫu CPTPP vào Austalia là sản phẩm thuộc nhóm máy móc thiết bị và phụ tùng khác. Ngoài ra, có một số ít mặt hàng khác thuộc nhóm gỗ và các sản phẩm từ gỗ,… điều này cho thấy, doanh nghiệp vẫn quen sử dụng C/O AANZFTA.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Australia cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. CPTPP tạo các cơ hội thị trường cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và da giày.
Tuy nhiên, với tình trạng các doanh nghiệp không mấy “mặn mà” với các hiệp định thương mại, theo đánh giá của các chuyên gia, điều này sẽ gây lãng phí, không tận dụng được lợi ích, ưu đãi từ các thị trường lớn. Các hiệp định thương mại sẽ rơi vào tình trạng “ký xong để đấy”.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, quy tắc về xuất xứ phức tạp, câu từ khó hiểu cũng là một rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận với CPTPP. Quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP đã đánh đúng vào “điểm nghẽn” của ngành khi doanh nghiệp dệt may.
“Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải... Đối với lĩnh vực may, dù Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công với 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông. Muốn giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài cũng như cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo.” ông Cẩm thông tin.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Huệ, ủy viên Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Việc thiếu thông tin, không chủ động tìm hiểu khiến ngành nông nghiệp đang trong thế bị động khi tiếp cận thị trường CPTPP và đây là rủi ro rất lớn.
“Ngành nông nghiệp đang sản xuất những cái mình có chứ chưa phải đáp ứng sát sườn những sản phẩm các thị trường nhập khẩu lớn cần. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các thị trường lớn, mang sản phẩm đến tận nơi chào hàng.
Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết. Doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin nên không đưa sản phẩm sang, thay vào đó trông chờ vào các doanh nghiệp nước ngoài sang tìm kiếm, khi đó có thể rơi vào vị thế là người gia công cho họ”, ông Huệ nói.
Cần kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ
Hiện nay, ưu đãi lớn từ các FTA đã làm nảy sinh tình trạng gian lận C/O với nhiều mặt hàng như lốp ôtô, tôm, nhôm, thép, gỗ, gạch men… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều mặt hàng của các nước bị áp thuế “mượn đường” qua Việt Nam, gian lận xuất xứ nhằm xuất khẩu đi Mỹ.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu 2019, ít nhất 6 doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến đang bị điều tra.
Cụ thể, những doanh nghiệp này có kim ngạch hàng hóa nhập từ Trung Quốc để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác tăng đột biến trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Trong đó, nổi bật là các mặt hàng gỗ, ván ép với kim ngạch có những DN lên tới 200 tỷ đồng trong năm 2018.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam bị điều tra xuất xứ thời gian vừa qua
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thủ đoạn của các DN này sử dụng hợp đồng mua bán ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nhằm chứng minh nguyên liệu gỗ được sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi đã xác minh, làm việc với chính quyền một số địa phương, buộc họ thừa nhận đã ký khống hợp đồng mua bán keo với các DN để các DN xin C/O xuất gỗ đi nước ngoài. Đa phần các hộ dân khẳng định chưa được cấp đất trồng có số lô, số thửa như ghi trong hợp đồng; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng, khai thác lâm sản.
Ngoài ra, một số bản kê lâm sản, bản kê khai thác không ghi ngày tháng, không hợp lệ nhưng cơ quan cấp phép vẫn làm thủ tục cho họ cấp C/O.” ông Hùng thông tin.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O cho các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký Công văn số 3473/BCT-XNK ngày 17/5/2019 về tăng cường kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo nội dung công văn, tăng cường hoạt động kiểm tra các hồ sơ đề nghị cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, xác minh thực tế năng lực sản xuất của thương nhân và xuất xứ hàng hóa theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.