Xông đất đầu năm mới, đến thôn Nậm Mòn mà không mục sở thị "ông" trâu của gia đình ông Vàng Văn Hợi thì có lẽ đó là thiếu sót lớn. Được tận mắt nhìn "ông" trâu và nghe ông Hợi kể, tôi càng thấy bất ngờ hơn.
Cách đây 22 năm, do nhu cầu sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua người quen giới thiệu, ông Hợi tìm đến thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) mua trâu. Khi đến nơi, thoạt nhìn chú trâu 3 tuổi không có gì nổi bật, nhưng không hiểu sao, ông Hợi lại rất “kết”.
Không mặc cả, trả xong tiền, ông Hợi dắt trâu về luôn. Hằng ngày, gia đình ông chăm sóc cẩn thận chú trâu, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cỏ tươi. Đến năm chú trâu 8 tuổi, cặp sừng dài bất thường, hơn hẳn những chú trâu “đồng niên”, đặc biệt là rất khỏe.
“Chú trâu rất ngoan, nghe theo lời chủ, kéo gỗ, cày ruộng dường như không biết mệt. Dù rất ngoan nhưng chỉ có 3 người gần gũi, vuốt ve được chú trâu, đó là bố tôi, vợ tôi và tôi. Những người khác lại gần sẽ gặp nguy hiểm, bởi chú trâu không “hiền” với những người lạ. Tuy nhiên, lũ trẻ trong thôn thì thoải mái leo lên lưng mà không bị chú trâu “phản đối”, ông Hợi tâm sự.
Năm nay, chú trâu đã 26 tuổi, trở thành “ông” trâu. Theo lời ông Hợi thì “ông” trâu nặng khoảng 700 kg, cặp sừng dài 2,2 m, da đen bóng, hai mắt lồi to. Thoạt nhìn, nhiều người sợ vì sự lực lưỡng và có phần hung dữ của “ông” trâu. “Mỗi lần dắt “ông” trâu ra đồng cỏ, các trâu đực khác nhìn thấy đều bỏ chạy thục mạng”, ông Hợi bộc bạch.
Cách đây 3 năm, không biết lấy thông tin từ đâu, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tìm đến quay phim về “ông” trâu. Được lên sóng truyền hình Việt Nam, “ông” trâu càng nổi tiếng và người dân Nậm Mòn càng tự hào về báu vật của thôn.
Sự nổi tiếng của “ông” trâu đã khiến nhiều người trong và ngoài huyện tìm đến, vừa chiêm ngưỡng, vừa muốn sở hữu. Thậm chí, có người ở Hà Giang cầm theo 100 triệu đồng, thuyết phục bằng mọi cách để được sở hữu “ông” trâu, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của ông Hợi.
Với gia đình ông Hợi, tiền thiếu có thể làm ra, nhưng không thể tìm được “ông” trâu có một không hai này. Hơn nữa, “ông” trâu đã gắn bó với gia đình ông Hợi 22 năm và được coi như một thành viên trong gia đình. Mỗi lần “ông” trâu bị mệt, cả gia đình ông Hợi lo lắng. Năm 2015, “ông” trâu bị ốm, bỏ ăn, nằm lỳ một chỗ, cả gia đình chạy đôn chạy đáo tìm bác sỹ thú y.
Ông Hợi phải lên tận huyện, mời bác sỹ thú y về nhà thăm khám, điều trị cho “ông” trâu bằng các loại thuốc tốt nhất. Sau trận ốm “thập tử nhất sinh” ấy, gia đình ông Hợi càng quý “ông” trâu và chăm sóc chu đáo hơn. Hằng ngày, gia đình nấu cám ngô và cấp đủ 50 kg cỏ cho trâu, thậm chí khi trời rét, còn đun nước ấm cho “ông” trâu uống.
Bước sang năm Tân Sửu, “ông” trâu thêm một tuổi và niềm vui của gia đình ông Hợi càng thêm viên mãn, hạnh phúc với báu vật của thôn Nậm Mòn.