Vì sao loài cây ra quả ở gốc, thu nhập trăm triệu này lại thành "sát thủ" rừng tự nhiên ở Lào Cai?

Thứ bảy, ngày 06/02/2021 18:50 PM (GMT+7)
Thời gian qua, với sự vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, diện tích cây thảo quả trên địa bàn huyện Bát Xát đã giảm.
Bình luận 0

Thời gian qua, với sự vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, diện tích cây thảo quả trên địa bàn huyện Bát Xát đã giảm.

Thảo quả là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân vùng cao Bát Xát. Những năm được mùa và giá cao, nhiều hộ ở Bát Xát thu hàng trăm triệu đồng từ bán quả.

Lào Cai: Vì sao loài cây ra quả ở gốc, thu nhập trăm triệu này lại thành "sát thủ" rừng tự nhiên? - Ảnh 1.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân Bát Xát đã không mở rộng diện tích thảo quả từ nhiều năm nay.

Ông Lý A Gấu ở thôn Phìn Páo, xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát) cho biết: Gia đình tôi trồng hơn chục ha thảo quả. Những năm được mùa, được giá, gia đình tôi thu về 300 - 400 triệu đồng. Cây thảo quả không tốn nhiều công chăm sóc nhưng mang lại giá trị cao nên hầu như gia đình nào ở Trung Lèng Hồ cũng trồng.

Hiệu quả là thế nhưng cây thảo quả là “sát thủ” thầm lặng với rừng tự nhiên. Cây thảo quả lan đến đâu thì rừng tự nhiên hao mòn đến đó. Đặc biệt, mỗi năm người dân phải chặt rất nhiều cây rừng để lấy củi sấy thảo quả. Theo ước tính, để sấy 1 kg thảo quả khô cần khoảng 60 - 70 kg củi. 

Để bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên bền vững, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn huyện Bát Xát đã có nhiều biện pháp quyết liệt để người dân không mở rộng diện tích trồng cây thảo quả, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả trong rừng tự nhiên trước năm 2030.

Ông Sùng A Tỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lèng Hồ cho biết: Trung Lèng Hồ là một trong những xã trồng thảo quả đầu tiên của huyện Bát Xát, với khoảng 800 ha, phân bố đều ở tất cả các thôn. Cây thảo quả đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong thời gian qua xã đã tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích cây thảo quả; xóa bỏ lều lán canh tác thảo quả trong rừng tự nhiên; tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý người cố tình mở rộng diện tích cây thảo quả.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 12 về quản lý sản xuất và kinh doanh thảo quả trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Bát Xát đã giao Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan chủ trì phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân. 

Đồng thời, tuyên truyền kỹ thuật sản xuất thảo quả bền vững không ảnh hưởng nhiều tới rừng tự nhiên; quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trong việc sấy thảo quả trong rừng, gần rừng; nghiêm cấm phát, phá rừng trồng mới, mở rộng diện tích thảo quả; rà soát, lập danh sách các gia đình trồng thảo quả dưới tán rừng tự nhiên để đưa vào quản lý; tổ chức ký cam kết sản xuất thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Ngô Kiên Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Toàn bộ diện tích thảo quả của huyện Bát Xát đã được chúng tôi phối hợp với chủ rừng và UBND cấp xã lập danh sách quản lý; xây dựng phương án phục hồi rừng khu vực canh tác thảo quả đang bị suy thoái; tổ chức thực hiện các mô hình kinh tế để tạo sinh kế gắn với triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân; từng bước di chuyển các hộ đang sinh sống trong vùng lõi rừng tự nhiên… tiến tới xóa bỏ hoàn toàn diện tích trồng cây thảo quả ở rừng tự nhiên đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu.

Việc triển khai đồng bộ các biện pháp đã mang lại kết quả trong việc giảm diện tích cây thảo quả. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát không có diện tích trồng mới, trồng lại, vì vậy diện tích cây thảo quả ngày càng thu hẹp, nhất là trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Theo số liệu rà soát năm 2020, huyện Bát Xát có khoảng 4.267,08 ha thảo quả, thấp hơn 400 ha so với rà soát năm 2015.

Một thực tế nữa là vài năm gần đây thời tiết không thuận lợi, sương muối và băng giá xuất hiện nhiều nên cây thảo quả kém phát triển, thậm chí bị chết, năng suất rất thấp. Ngoài ra, giá bán thảo quả không ổn định (giảm hơn 50% so với trước đây), chỉ còn khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg nên nhiều hộ đã tìm cây trồng khác để phát triển kinh tế, không còn quá phụ thuộc vào cây thảo quả.

Việc chuyển đổi, xóa bỏ cây thảo quả trong rừng tự nhiên phòng hộ và rừng đặc dụng là không dễ dàng. Để làm được điều này, huyện Bát Xát mong tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cây thảo quả sang cây trồng khác phù hợp và nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao để người dân đưa vào sản xuất.

Trung Nguyên (www.baolaocai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem