Tục thờ cúng Tổ tiên có từ khởi thủy và biến thiên theo thời gian, phong tục Bắc – Nam cũng khác, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhà thì có một bàn thờ chung, gộp cả Bụt (Phật), thánh thần, quan thần linh Táo quân, thổ địa, gia tiên vào chung một lư hương to. Nhà thì có tới 3 lư hương, được bài trí ngang hàng, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là lư hương thờ ông hoàng, ông mãnh, bà Tổ cô, bên phải thờ gia tiên nhiều đời, lư ở giữa thờ công đồng các vị thần linh, thổ công thổ địa. Nhà thì rạch ròi phải có đủ 3 bàn thờ: Một bàn thờ Bụt, một bàn thờ gia tiên, một bàn thờ thần tài để riêng, gần cửa để đón phúc – lộc – thọ vô nhà.
Chuyện đúng sai miễn bàn vì người Việt thờ đa thần, tùy theo tâm thức mỗi người, tùy gia cảnh và tâm lý đám đông nên cũng có sự khác biệt ít nhiều, nhưng việc thờ cúng Tổ tiên luôn được chú trọng để tâm hàng đầu. Tuần Rằm mùng Một nhất khoát phải có đồ lễ, mặn nhạt đều có đủ, thành kính dâng lên anh linh những người đã khuất.
Sẽ có nhiều người hỏi, kích cỡ bàn thờ to nhỏ thế nào, cao thấp ra làm sao thì phù hợp? Xin nói trước, ở đây không phải chỗ cho việc xem bói toán. Lấy thước Lỗ ban đo cao thấp rộng dài chỉ là giải pháp trấn an gia chủ. Cốt lõi của sự thờ cúng "Tiên tổ" không nằm ở hình thức mà nằm ở Tâm hiếu đạo của con cháu đời đời.
Hài hòa là điều đáng phải bàn. Người Việt ta vốn ưa sự hòa, nào là: "Gia hòa vạn sự hưng", "trời đất giao hòa", "thiên – địa – nhân hòa hợp"…Vậy nên, mua sắm, bày biện trên bàn thờ gia tiên phải phù hợp với không gian ngôi nhà của mình, đừng to quá mà kệch cỡm, đừng nhỏ quá dẫn đến úi xùi. Giờ nhiều nhà có điều kiện, gia chủ thừa tiền trang hoàng nơi thờ tự thật sự hoành tráng. Họ có thể khoe mẽ và hãnh tiến với thế gian chứ thực tình, chỉ dăm ba câu trò chuyện biết ngay nhân vật này đang cố học giả làm sang, chẳng hiểu gì về lễ nghĩa.
Sự linh thiêng và cách biểu đạt giữa hai cõi giới hữu hình và vô hình dường như không có mấy điểm chung. Người đã khuất, gọi chung là Tiên tổ khi đã thác thân, chỉ tồn tại dưới dạng thể sóng, vi tế nhưng nhạy cảm vô cùng. Linh hồn (hương linh, chân linh…) thanh nhẹ của họ chỉ hợp với sự thanh khiết, nhẹ nhàng và ứng với những giá trị đạo đức, nhân nghĩa ngàn đời của Tiên tổ.
Họ không còn thân xác để thọ dụng những đồ tế lễ mà con cháu bày vẽ dâng cúng nhưng họ hoàn toàn có thể thị hiện chứng tâm cho tấm lòng thơm thảo hoặc trách phạt con cháu nếu họ vô lễ, làm bậy. Tần sóng năng lượng thanh nhẹ thích ứng với mùi dịu êm của hương thơm tỏa ra từ thanh bông hoa quả và mùi hương trầm (thảo mộc) tự nhiên khi con cháu thắp lên.
Tiên tổ coi trọng giá trị thuộc về đạo đức, tinh thần trong khi người trần lại đặt nặng mặt vật chất, hình thức. Tiên tổ coi trọng gia hòa, đoàn kết nội bộ trong khi người trần gian lại xem trọng tiền tài, địa vị, có chỗ anh em còn tranh giành nhà cửa, đùn đẩy trách nhiệm thờ cúng, chém giết lẫn nhau, đối xử với cha mẹ chẳng khác người dưng nước lã. Ấy vậy mà khi bố mẹ mình chết đi thì họ khóc lấy khóc để, cỗ bàn thừa mứa.
Nên biết, mâm cỗ đầy không nói cho ta biết người con ấy đã thực sự thành tâm hay chưa.
Ngạn ngữ của nước Pháp có câu: "L'apparence est toujours trompeuse" - Vẻ bề ngoài thường hay đánh lừa người khác.
Tâm linh được hiểu một cách vắn tắt là nếu tâm người chủ nhang thực lòng thành kính hướng đến Tổ tiên thì sẽ được linh ứng (cầu được ước thấy nhưng chỉ cầu được Đạo thôi).
Có người lại hỏi, vậy phải đặt bàn thờ ở chỗ nào trong nhà cho phù hợp? Đây là câu hỏi thú vị nhưng thực tiễn cũng dở khóc dở cười.
Trong những ngôi nhà truyền thống xưa kia (đình, chùa, miếu, đền, nhà ba gian, năm gian hai chái…), bàn thờ luôn hiện diện ở vị trí trang trọng, cao ráo và sạch sẽ nhất – vị trí giữa nhà. Đó là linh hồn của ngôi nhà và cũng là nơi trú ngụ của cõi giới thiêng liêng. Ngày nay đã khác xưa nhiều. Đất chật, người đông, bàn thờ thường được bài trí ở tầng cao nhất vì phần đông cho rằng đó là nơi cao ráo, sạch sẽ, ít ồn ào lại kín đáo. Kể ra cũng chẳng thể trách được vì thời thế khác rồi, đất làm gì có mà bày vẽ. Nhưng nực cười ở chỗ nhận thức của người đời đã bị méo mó đi nhiều.
Xưa kia, cứ hễ con cháu đi đâu về, mua đồng quà tấm bánh thì việc đầu tiên họ dâng lên bàn thờ Tiên tổ sau đó mới thụ lộc. Hay như khách đến chơi nhà, nếu có mang theo quà biếu, họ cũng làm một việc Lễ nghĩa là dâng món quà ấy lên bàn thờ gia tiên để các cụ nhà mình chứng tâm. Nay họ quy ước ngầm là chỉ dâng đồ thờ cúng vào ngày Rằm, mùng Một âm lịch, thảng hoặc họ mới bao sái bàn thờ và dâng hương, vì bàn thờ được đặt lên vị trí cao nhất trong nhà, đi lại bất tiện lắm. Và đương nhiên, hương lạnh khói tàn là điều dễ hiểu.
Theo truyền thống, nơi thờ cúng linh thiêng cũng là nơi gia chủ kê chiếc phản vuông vức, hoặc bộ tràng kỷ để ngồi tiếp khách, nơi để bày mâm cơm cả nhà cùng ăn và cũng chính từ nơi đây, những câu chuyện nhân nghĩa, gia huấn ca – những lời răn dạy của người cha người mẹ, người ông người bà với thế hệ con cái, những điều tử tế được thốt ra từ những miệng ngọc miệng hoa trước sự chứng giám của Tổ tiên và có lẽ vì sự linh thiêng của bàn thờ Việt mà con cháu ghét sự giả dối, sợ những thói hư tật xấu, không dám ăn cắp, gian lận của ai. Họ sống thật với lòng mình.
Kính sợ Tổ tiên là bài học đầu tiên con cháu thuộc nằm lòng.
Dâng nén hương lên bàn thờ Tổ tiên để nhớ về nguồn cội, để cầu xin sự bình an, chút hồng phúc từ người xưa. Nhưng cũng là lúc được nhắc mình, được soi sáng tâm trí để không bị cuốn đi bởi những nhiễu nhương của thời cuộc, những tham vọng của bản thân mà sống nhân nghĩa, chính trực, không đi ngược lại truyền thống, duy trì được gia phong nền nếp, đóng góp cho xã hội tốt đẹp, tiếp nối mạch nguồn tự xa xưa cho tới mai sau.