Từ đề xuất của Ninh Bình: Có cần thiết cứ 100km lại có một sân bay?

Nguyễn An Thanh Chủ nhật, ngày 24/01/2021 08:47 AM (GMT+7)
Hiện chỉ có 1/3 số sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đang quản lý là có lãi, cho thấy nếu để "lạm phát sân bay" là sự lãng phí ghê gớm khi nhiều đường bay chưa khai thác hết công suất. Với Ninh Bình, tại sao không nghĩ đến loại hình vận tải trực thăng?
Bình luận 0

Bộ Giao thông Vận tải đang giao cho Cục Hàng không Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nhân cơ hội này các địa phương đều có yêu cầu được bổ sung thêm cảng hàng không cho tỉnh nhà vào quy hoạch.

Sau Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, mới đây nhất là Ninh Bình đã có công văn đề xuất xây dựng các sân bay mới. Chưa kể một số địa phương đề xuất chuyển nâng cấp cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Phù Cát, Tuy Hòa… Nó làm cho chúng ta nhớ đến thời kỳ tỉnh nào cũng xin được đầu tư xây dựng nhà máy đường, xi măng, cảng biển. 

Tất nhiên là đề xuất nào, thoạt đọc qua đều thấy sự cần thiết, thậm chí là cấp thiết để có thêm sân bay mới. Ví như công văn do đích thân chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc ký xác định: "Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An.

Hằng năm, tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách. Ninh Bình quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỉ đồng trở lên".

Trước hết theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, hiện nay Việt Nam có tổng cổng 23 sân bay đi vào hoạt động trong giai đoạn. Trong số này, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay thứ 23 vừa đi vào hoạt động cuối năm 2018.

Từ đề xuất của Ninh Bình: Có cần thiết cứ 100km lại có một sân bay? - Ảnh 2.

Xây sân bay mới ở Ninh Bình có thực sự đem lại hiệu quả?

Không tính năm 2020 do dịch Covid-19 thì năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng cao, đạt 78,3 triệu khách (bao gồm cả các hàng không Việt Nam và nước ngoài), 1,25 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 11,8% về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018.

Dự kiến năm 2020, các sân bay sẽ đảm nhận sản lương 131 triệu hành khách và 125 tỷ hành khách luân chuyển và 1,7 triệu tấn hàng hóa.

Theo quy hoạch thì Việt Nam sẽ xây dựng và đưa thêm 5 sân bay khác vào vận hành khai thác gồm Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Trị và Long Thành. 

Về định mức sân bay Việt Nam hiện tại khoảng 16.000 km2/cảng hàng không là không cao so với các nước khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia với định mức 5.000 - 9.000 km2/cảng hàng không. Nhưng quy hoạch hàng không thì không thể chỉ cục bộ địa phương bởi phải trên dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật, phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ mặt đất, vùng trời, thổ nhưỡng…

Về mặt nhu cầu cần tính toán: Hiện nay trong vực đó đang có những sân bay nào? Xây dựng xong, những khu vực dân cư nào sẽ sử dụng? Quy mô phát triển dân số, kinh tế vùng như thế nào? Thu nhập bình quân bao nhiêu? Mức sống người dân như thế nào?... Từ đó chúng ta mới có thể đưa vào quy hoạch sân bay cho tương lai. 

Không phải tự nhiên trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030 cả nước chỉ có 26 sân bay, gồm 14 sân bay quốc tế, 12 sân bay nội địa. Định hướng đến năm 2050, số sân bay trong cả nước tăng lên 30, gồm 15 sân bay quốc tế, 15 sân bay nội địa nhưng vẫn không có sân bay Ninh Bình.

Trước hết, Ninh Bình gần với hai sân bay là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa).Trong đó, sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 120 km và sân bay Thọ Xuân cách thành phố Ninh Bình khoảng hơn 90 km. Mà theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía bắc. 

Hiện sân bay Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng đạt 20-25 triệu hành khách/năm. Đến năm 2030, Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm. Quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài tầm nhìn 2050 sẽ đạt từ 80-100 triệu hành khách/năm.

Trong khi đó Sân bay Sao vàng (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) vừa được bổ sung quy hoạch trở thành sân bay quốc tế giai đoạn 2021 - 2030. thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030.Theo đó, sân bay này được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài và là sân bay dùng chung dân sự và quân sự. Mục tiêu quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm, đón được máy bay code E hoặc tương đương (A350, B747-400, A330, B777).

Nếu xem quy hoạch của 2 sân bay gần nhất cạnh các con số lượng khách du lịch, dự kiến hành khách của sân bay Tràng An như đề xuất của Ninh Bình, thì người không mấy am hiểu về vận tải hành không cũng tính được hiệu quả khai thác. PSG.TS Lê Quân (Đại học GTVT) nhận xét: "Kể cả cho rằng các địa phương marketing giỏi thì việc đầu tư xây mới sân bay cần tầm nhìn trung và dài hạn. Việc lỗ, lãi không đặt riêng ở từng sân bay mà phải nhìn tổng thể trong phát triển kinh tế của cả địa phương, cả vùng và cả nước". Thực tế hiện chỉ có 1/3 số sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đang quản lý là có lãi, cho thấy nếu để "lạm phát sân bay" là sự lãng phí ghê gớm khi nhiều đường bay chưa khai thác hết công suất.

Một điều khá ngạc nhiên là các địa phương đều thích đầu tư xây mới hoành tráng sân bay trong khi đó, nếu chỉ phục vụ du lịch thì theo các chuyên gia hàng không các sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho những máy bay nhỏ dưới 20 chỗ ngồi sẽ rất thích hợp. Loại sân bay này còn có thể kết hợp phục vụ cứu thương, cấp cứu vùng bị bão lụt, trực thăng PCCC.

Đã đến lúc đừng nghĩ đến việc xây dựng mới những sân bay "hoành tráng", để phát triển kinh tế địa phương. Các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Bình hãy nghĩ đến loại hình vận tải trực thăng nói riêng và mảng hàng không phổ dụng (GA). Kinh nghiệm Malaysia và các nước khu vực Đông Nam Á thì đây là lĩnh vực đầu tư sân bay, tàu bay đều không quá tốn kém mà hiệu quả lại cao.

Nếu sân bay Tràng An mới là nơi lên xuống của các loại trực thăng cứu hộ, trực thăng y tế, trực thăng PCCC, trực thăng cảnh sát, trực thăng kiểm lâm, trực thăng VIP du lịch, trực thăng gia đình…cũng rất tốt, thưa lãnh đạo Ninh Bình!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem