Lớn lên, rồi trưởng thành, tôi đã "giải mã" được câu chuyện của cô nhờ ba giúp là chuyện gì. Và tôi cũng hiểu sâu sắc hơn những tập tục quê tôi ngày Tết. Để rồi, bao năm trôi qua, mải miết mưu sinh trên đất khách quê người, mỗi khi năm hết Tết đến tôi lại rưng rức nhớ thương da diết: nhớ cô tôi những ngày Tết phải tạm lánh những người đàn ông đến xem mặt để xin dạm ngõ.
Trong suy nghĩ non nớt của tôi hồi ấy, tôi luôn băn khoăn tự hỏi: vì sao cứ nghe tiếng chó sủa ngoài ngõ, cô tôi lại bảo "mày ra xem ai, nếu đàn ông thì chạy nhanh vào báo cô". Tôi rất vui vì được làm thám tử giúp cô, và dĩ nhiên có khoản lì xì hậu hĩnh.
Ông bà nội tôi sinh được ba tôi và cô. Cả làng ai cũng bảo "cô mày làm giá quá nên ế chồng" tôi không thấy cô tôi kiêu ngạo bao giờ, chỉ thấy cô hơi nhút nhát và rất yêu trẻ con. Ông tôi hay thở dài và nói "con ơi, gái hai nhăm tuổi đã toan về già". Bà nội lại bảo với cô "tao chết không nhắm mắt vì mày, con ạ". Cô chỉ im lặng.
Ngày ấy không phải như bây giờ, quê tôi trai gái trong làng lớn lên khoảng hơn hai mươi tuổi là cha mẹ lo chuyện dựng vợ gả chồng, yên bề gia thất. Nhất là mỗi độ Tết đến, nhà nào có con gái hơn hai mươi tuổi mà chưa lấy chồng thì sẽ có người đến hỏi thăm và làm mối. Hầu hết họ ghép đôi người trong làng hoặc làng bên với nhau. Hai bên gia đình ưng thuận, con cái mới đến làm quen, rồi cưới hỏi. Một thời đơn giản vậy mà nghĩa tình sắt son. Những cặp vợ chồng nên duyên đã ăn đời ở kiếp với nhau, con cháu sum vầy.
Tết năm ấy, cô tôi bước sang tuổi hai lăm. Trong suy nghĩ của mọi người, cô tôi đã ế. Vì thế, bà con xa gần, nhân dịp Tết về lại mai mối hết đám nọ đến đám kia mà cô tôi chưa gật đầu đám nào. Hễ có người đàn ông lạ mặt đến là cô tôi trốn vào sau vườn, ông bà tôi gọi mãi không ra.
Ngày mồng hai Tết năm ấy, cô tôi chở tôi đi chơi trên chiếc xe đạp Thống nhất màu xanh đi chơi quanh xóm. Xóm làng rộn ràng, người đi ngược, kẻ về xuôi tíu tít. Mới hôm kia, gặp nhau còn bình thường, hôm nay vừa bước sang năm mới được gần 2 ngày, vậy mà gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng, dù kề nhà nhau cũng hỏi "năm mới có gì mới không anh, chị, cô, bác" hay những câu chúc cứ rộn rã vang lên.
Năm mới, cô dạy tôi "gặp người lớn là khoanh tay, chúc Tết". Tôi được nhận lì xì, vui cười híp mí. Hôm ấy, tôi không nhớ rõ mấy giờ, chỉ biết trời chạng vạng tối, cô chở tôi đến gần bờ đê đầu làng. Trước mắt tôi là một anh thanh niên cao to, ăn mặc lịch sự. Chú ấy lộ rõ niềm vui khi gặp cô, chú lì xì cho tôi mấy tờ tiền mới cóng, tôi rối rít cảm ơn. Tôi thấy chú nắm tay cô thật chặt và nói "em chịu khó, ráng đợi anh thêm một thời gian nữa". Cô tôi gật gật cái đầu và tủm tỉm cười.
Trời đã lờ mờ tối, cô chở tôi về trên triền đê xanh thẳm. Ngày Tết, mùi thức ăn thơm phức tỏa ra từ những ngôi nhà hai bên bờ đê . Nồi cơm ai không dấu nổi mùi thơm, hương bay xộc vào mũi. Cũng hôm đó, tôi lờ mờ hiểu ra vì sao cô tôi chưa ưng ai trong đám những người được dạm hỏi.
Trải qua gần ba mươi năm từ cái Tết tôi biết được bí mật của cô. Nội tôi đã khuất núi. Ba tôi tóc đã bạc phơ. Và cô tôi đã hạnh phúc bên người đàn ông năm ấy với những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi.
Tết nào về quê, cô tôi cũng cười và bảo "nhờ thám tử của cô, nếu không nội đã ép gả cô từ dạo ấy". Chú cười mãn nguyện "giờ có thích tiền lì xì nữa không".
Tết xưa là vậy, là dịp trai gái nên duyên, là lúc cha mẹ chờ đợi con cái báo tin vui đôi lứa. Cái thời chưa có điện thoại, chưa có internet, Tết là dịp để bà con làm mai làm mối cho con cháu thành đôi. Tết là lúc dễ nói lời yêu thương, khát khao hạnh phúc.
Hôm nay đã gần hết tháng chạp, lòng tôi lại bồi hồi đếm ngược thời gian để về đón Tết sum vầy bên người thân. Tôi sẽ thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang, đâu đây trong làn khói nhẹ bay ngào ngạt mùi trầm, hình ảnh ông bà thật gần gũi, xúc động như thoáng hiện về.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!